Hiệu phó Trường Đại học Y dược TPHCM - Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện đại học Y dược TPHCM
Các nguyên nhân gây đau ngực và trường hợp nào cần nhập viện?
Câu hỏi
Đau ngực như thế nào là dấu hiệu đặc trưng của bệnh tim? Xin BS cho biết thêm, ngoại trừ đau thắt ngực do bệnh mạch vành, còn những cơn đau khác tại ngực có thể do những bệnh gì ạ? Trong đó, tình trạng nào là phải cấp cứu?
Trả lời
Đau ngực do nhiều nguyên nhân khác nhau không chỉ riêng bệnh tim
Chào bạn,
Đau ngực là một triệu chứng thường gặp, do nhiều nguyên nhân khác nhau như bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, thần kinh…
Đau ngực do tim thường có ít nhất 2 trong 3 đặc điểm sau: xuất hiện khi gắng sức, stress, giảm khi nghỉ ngơi. Mức độ đau nhiều hay ít tuỳ mỗi người, nhưng thường là cảm giác đè nặng, xiết chặt ở ngực, kéo dài 2-20 phút.
Nhưng đau ngực có thể do các nguyên nhân không phải tim mạch, ví dụ như trào ngược dạ dày thực quản, Herpes, chấn thương ngực, bệnh lý phổi.
Trong các nguyên nhân đau ngực, quan trọng nhất là hội chứng vành cấp và những nguyên nhân cần cấp cứu khác, bao gồm: thuyên tắc phổi, phình bóc tách động mạch chủ ngực, chèn ép tim cấp và tràn khí màng phổi.
Vì vậy, bạn nên liên lạc ngay với bác sĩ khi có những dấu hiệu sau:
- Đau với những hoạt động rất nhẹ hoặc khi nghỉ, ngồi nghỉ cũng không bớt, mức độ nặng, đặc biệt trên người có bệnh nền như bệnh mạch vành trước đó, tăng huyết áp kiểm soát kém, đái tháo đường…
- Đau ngực có tính chất nặng hơn với những lần trước, kéo dài hơn, ảnh hưởng đáng kể đến công việc hàng ngày.
- Đau ngực kèm khó thở đột ngột, nặng, kèm sưng 1 bên chân, đặc biệt khi có yếu tố nguy cơ: hậu phẫu, bất động lâu ngày, uống thuốc ngừa thai, ung thư,…
- Đau ngực như xé, đột ngột, dữ dội, có thể lan lưng trên bệnh nhân tăng huyết áp nhiều năm nhưng không điều trị hoặc kiểm soát kém.
- Đau ngực kèm khó thở, ngất hay những triệu chứng khác như tím, hồi hộp, vã mồ hôi, buồn nôn, tụt huyết áp (<90/60 mmHg hoặc tụt hơn 30-40 mmHg so với nền).
Trong mùa dịch những thay đổi về sinh hoạt, ăn uống, tâm sinh lý có thể gây ra cảm giác nặng ngực, khó thở nhẹ. Do đó, bạn không cần lo lắng quá mức. Tuy nhiên, nếu bạn đã có bệnh tim mạch, và lần này cảm thấy đau ngực nhiều hơn trước, có những dấu hiện lạ, hoặc lo lắng, việc liên lạc với bác sĩ điều trị sẽ giúp bạn an toàn và yên tâm hơn.
Bên cạnh đó, điều quan trọng là giữ các chỉ số huyết áp, đường huyết ổn định. Kiểm soát yếu tố nguy cơ cũng giúp phòng tránh các biến chứng tim mạch.
Thân mến.
(Trích từ Livestream PGS.TS.BS Châu Ngọc Hoa tư vấn cách chăm sóc người bệnh tim mạch mùa dịch COVID-19)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình