Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ - Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ SIS
Bao lâu nên tầm soát đột quỵ 1 lần?
Câu hỏi
Kính thưa bác sĩ,
Để tầm soát bệnh đột quỵ não, định kỳ bao lâu nên chụp CT scan, MRI não và các xét nghiệm khác 1 lần? Chụp như vậy có hại cho sức khỏe không ạ?
Khi thấy có các dấu hiệu đột quỵ não, do nhà xa hoặc chờ xe cấp cứu đến sợ quá lâu ta có nên chủ động đến bệnh viện liền không? Việc tự di chuyển, đi lại như vậy có nguy hiểm gì không? Xin cảm ơn.
(Trần Minh Chương, 32 tuổi, Quận 8, TPHCM)
Trả lời
Tầm soát đột quỵ chỉ nên thực hiện ở những người có yếu tố nguy cơ
Chào bạn,
Hiện nay tại nước ta chưa có chiến lược tầm soát đột quỵ trong cộng đồng, vì việc tầm soát đòi hỏi tốn nhiều chi phí. Việc tầm soát chỉ được thực hiện khi bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ hoặc cho bệnh nhân đã từng bị đột quỵ, hoặc có triệu chứng thiếu máu não thoáng qua để điều trị phòng ngừa, tránh tái phát.
Về mặt sức khỏe cộng đồng, việc tầm soát kém hiệu quả hơn việc giữ gìn sức khỏe hàng ngày để giảm nguy cơ đột quỵ. Ví dụ: bỏ thuốc lá, giảm rượu bia, chống béo phì, chế độ ăn uống lành mạnh, điều trị tốt các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường có ý nghĩa thực tế hơn… Các yếu tố nguy cơ trên đã được chứng minh là liên hệ trực tiếp/ gián tiếp, hoặc làm đột quỵ nặng hơn. Việc phòng tránh phải mang tính chất lâu dài, hơn là việc tầm soát tại một thời điểm rồi không quan tâm đến các yếu tố nguy cơ.
Khi thấy có dấu hiệu đột quỵ não, tùy theo tình trạng nặng nhẹ của bệnh nhân và sự hợp tác, ý thức của người bệnh mà chúng ta có thể tự đưa bệnh nhân đến BV hay bắt buộc phải chờ xe cứu thương trong tình huống bệnh nhân hôn mê, không hợp tác hoặc cần các phương tiện hồi sức cấp cứu.
Trong trường hợp đột quỵ nhẹ (bệnh nhân còn hiểu biết, hợp tác được), người nhà nên đưa bệnh nhân đến BV trong thời gian nhanh nhất. Lý tưởng nhất là đến được BV đột quỵ hoặc BV có thể xử lí được đột quỵ với các phương tiện trang thiết bị đầy đủ. Bởi vì thời gian là điều kiện cần thiết để BS quyết định điều trị phù hợp và giảm nguy cơ tử vong và thương tật, di chứng về sau.
Thân mến.
(Trích từ GLTT TS.BS Trần Chí Cường giao lưu “Đột quỵ mùa lạnh: Làm sao phòng tránh?”)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình