Bạn đã biết xì mũi đúng cách?
Câu hỏi
(AloBacsi) - Cháu dùng nước muối để rửa mũi, khi dùng tay bịt một bên mũi lại để hắt xì thì cháu thấy tai bên phải bị ù.
Trả lời
Thưa bác sĩ,
Chào bạn Trọng Hải,
Để có thể hiểu rõ tại sao bị ù tai khi xì mũi, bạn cần biết mối liên quan giữa mũi họng và tai giữa.
Tai gồm 3 phần cơ bản: tai ngoài (vành tai, ống tai), tai giữa (màng nhĩ phân cách tai ngoài và tai giữa, có chuỗi xương con dẫn truyền âm thanh), tai trong (chứa bộ phận tiếp nhận âm thanh và thăng bằng).
Tai giữa liên quan rất chặt chẽ với mũi họng bởi một ống thông nhỏ, hẹp đi từ hòm nhĩ xuống vòm họng (gọi là vòi nhĩ hay vòi tai), không khí từ vòm lên tai giữa qua lỗ thông tai vòi, giúp tạo thăng bằng áp lực mặt ngoài và mặt trong của màng nhĩ.
Qua lỗ thông tai vòi, các bệnh lý vùng mũi họng có thể ảnh hưởng tới tai. Đồng thời, những tác động khác làm thay đổi áp lực 2 phía của màng nhĩ như: hắt hơi, xì mũi không đúng cách, lặn sâu hoặc khi máy bay cất, hạ cánh… ảnh hưởng đến sự cân bằng áp lực của tai giữa với môi trường bên ngoài sẽ làm ù tai.
Khi viêm mũi xoang có thể viêm lan tỏa qua vòi nhĩ đến tai giữa, hay xì mũi mạnh sẽ tạo ra một luồng hơi có áp lực cao, luồng hơi này sẽ có một phần đi qua vòi nhĩ lên tai giữa, đẩy theo các chất tiết, chất dịch viêm vào tai giữa gây ù tai, có thể gây thủng nhĩ hay viêm tai giữa.
Trong viêm mũi xoang, có nhiều nhầy mũi đặc, dai, dính, làm hệ lông chuyển trên bề mặt niêm mạc mũi xoang khó hoạt động, không thể đẩy chất nhầy mũi ra ngoài được, làm bệnh kéo dài. Một trong những cách có thể hỗ trợ dẫn lưu cho niêm mạc mũi là xì mũi.
Vậy xì mũi phải đúng cách để tránh các tổn thương cho tai giữa, bạn nên thực hiện như sau:
Nẳm ngửa đầu ra khỏi cạnh giường, đầu thấp hơn giường, hốc mũi tạo với trần nhà một góc vuông, nhỏ nước muối sinh lý Natri Clorua 0,9% vào từng bên mũi, mỗi bên 5-7 giọt, đợi vài phút cho nước muối pha loãng dịch nhầy trong vòm mũi họng.
Ngồi dậy, xì mũi bằng cách: đầu hơi cúi, hít vào, sau đó bịt từng bên mũi và xì mũi vừa phải nhẹ nhàng vài lần, tống chất dịch nhầy ra (không xì mạnh), làm luân phiên mỗi bên cho đến khi bạn thấy bớt dịch, bớt nghẹt, mũi có cảm giác thông thoáng dễ thở hơn là được.
Có thể làm vài lần trong ngày. Cùng với chăm sóc mũi, phải uống thuốc và tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình