-
Ba mẹ ly hôn, làm sao để trẻ không bị khủng hoảng tâm lý?
Câu hỏi
Xin chào AloBacsi, tôi thật sự rất lo lắng, xin nhờ AloBacsi tư vấn giúp. Hiện tại, tôi và chồng đang trong thời gian ly hôn. Con trai tôi gần 3 tuổi, đang ở cùng tôi. Ba cháu không thường xuyên thăm cháu. Chừng 2 tuần mới gặp cháu 1 lần. Cách đây vài ngày, tôi đưa con đi chơi công viên, con nhìn mãi những đứa bạn có ba đưa đi chơi. Tôi hỏi "Con sao thế, con muốn gì vậy, nói mẹ nghe nào?", thì con tôi nói "Con muốn ba". Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi, trong trường hợp của tôi, tôi phải làm thế nào, tôi phải chơi với con ra sao để giúp cháu không bị ảnh hưởng tâm lý. Nếu có thể tư vấn trực tiếp, lịch hẹn gặp bác sĩ tư vấn, xin cho tôi biết. Rất cám ơn AloBacsi. (Đặng Minh Anh - TPHCM)
Trả lời
Xin chào chị Minh Anh,
Xã hội bây giờ, việc vợ chồng ly hôn, phải làm mẹ đơn thân và con chỉ có cha hoặc mẹ bên cạnh ngày càng nhiều. Trường hợp như chị và bé không hiếm, chỉ đáng tiếc là cháu còn quá nhỏ, chưa tròn 3 tuổi. Do vậy, chị sẽ gặp khó khăn hơn khi giải thích hay giúp đỡ cho cháu thấu hiểu và ý thức rõ hoàn cảnh của mình, để biết chấp nhận và thích nghi mà không bị sốc, hụt hẫng, dẫn đến sang chấn tâm lý.
Trước hết, chị hãy nói chuyện với ba của cháu, đề nghị anh ấy dành thời gian thăm, dẫn con đi chơi hàng tuần, thay vì cách hai tuần như hiện tại. Chính anh ấy là người phải nói cho cháu biết anh còn nhiều việc phải làm, phải kiếm tiền để lo cuộc sống cũng như lo tương lai, trong đó có cuộc sống và tương lai của cháu. Đây chính là cách để cháu yên tâm rằng cháu vẫn còn có ba, vẫn được ba quan tâm, yêu thương, nhưng ba không thể cận kề túc trực, thường xuyên hơn vì ba còn nhiều việc phải làm, phải lo, chứ không phải vì không thương cháu.
Phần chị, hãy trò chuyện với con nhiều hơn, theo hướng tích cực: Dù ba bận nhiều việc nhưng bên con luôn có mẹ. Mẹ có thể làm mọi việc cho con, chăm sóc, dạy học, kể chuyện, cùng xem tivi, cùng chơi trò chơi, cùng đi ăn uống, đi công viên, xem phim, kịch rối… và cùng con bình luận về mọi để tài. Nếu lỡ có gì mẹ không biết hay không thể giúp con, thì con cố chờ, đến ngày gặp ba, ba sẽ giúp!
Hãy tạo cho con niềm tin dù con chỉ có thể lần lượt ở bên cạnh một người,nhưng thực sự người còn lại cũng sẵn sàng lo cho con, có mặt khi con cần. Niềm tin này chính là sự tiếp sức cho cháu tự tin và vững mạnh, vượt qua cảm giác chông chênh, thiếu thốn. Khi đó, cháu sẽ có thể tự trả lời được câu hỏi: “Sao các bạn có đủ ba mẹ? Còn mình chỉ có một…”. Hãy tạo cho cháu cảm giác cũng như niềm tin chắc là ba ở đâu đó bên mình, ba sẽ luôn đến với mình khi có thể hoặc theo lịch hẹn.
Chúc chị ứng dụng thành công!
Thân ái,
Chuyên gia tư vấn - Thạc sĩ Xã hội học
Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp. Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng: › Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn › Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh Online và Hỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn › Để nói chuyện trực tiếp với bác sĩ, hàng ngày, từ 17 -19g, Hotline: 08983 08983 - 0976 328 725 |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình