Hotline 24/7
08983-08983

Hợp pháp hóa mua bán nội tạng?

Về việc ghép tạng, từ y tá, bác sĩ đều được trả công, trong khi người hiến tạng đóng góp nhiều nhất thì không nhận được gì.

Cho phép người hiến tạng nhận tiền sẽ giúp cứu sống thêm nhiều sinh mạng. Tuy nhiên, một số tổ chức xã hội lại cho rằng, việc làm này sai trái về mặt đạo đức và có thể dẫn đến nhiều nguy cơ.
 
Sinh viên có thể bán thận lấy tiền đi học
 
Ý tưởng hợp pháp hóa việc mua bán nội tạng đã được các chuyên gia y tế đề cập từ nhiều năm nay. Mới đây, nó lại làm xôn xao dư luận nước Anh khi được Sue Rabbitt Roff, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Dundee đánh giá là biện pháp khích lệ đối với người hiến tạng.
 
Trong một bài viết trên website của Tạp chí y học BMJ, Rabbitt Roff cho rằng, nếu một quả thận được định giá khoảng 28.000 bảng, bằng thu nhập trung bình một năm ở Anh, thì những người có nhu cầu về tài chính như sinh viên muốn có tiền để trả khoản vay học phí có thể  thêm động lực để hiến tạng. Nguồn tạng sẽ dồi dào hơn và số ca tử vong vì không được cấy ghép sẽ giảm đáng kể.
 
Một số người bệnh ra nước ngoài theo các tour du lịch ghép tạng
và phải chấp nhận rất nhiều rủi ro, bao gồm cả nguy cơ nhiễm HIV

Theo thống kê năm ngoái, ở Anh có gần 7.900 người chờ ghép tạng, trong đó, hơn 6.700 người cần ghép thận. Con số này dự kiến sẽ còn tăng trong nhiều năm tới, do sự gia tăng của tiểu đường và cao huyết áp.
 
Nguồn tạng khan hiếm, nên mỗi năm, từ 500 - 1.000 người trong số bệnh nhân chờ ghép tạng sẽ chết trước khi tìm được bộ phận phù hợp. Một số người bệnh không thể chờ được quá lâu, đã ra nước ngoài theo các tour du lịch ghép tạng và phải chấp nhận rất nhiều rủi ro, bao gồm cả nguy cơ nhiễm HIV.
 
Thời gian gần đây, tại Anh, số người hiến tạng, đặc biệt là những người tình nguyện hiến khi còn sống đang tăng lên.
 
Theo Rabbitt Roff, nếu cho phép người hiến tạng được nhận tiền thì con số này sẽ còn tăng hơn nữa. Thị trường nội tạng chợ đen sẽ bị xóa bỏ và các nguy cơ khi cấy ghép sẽ được kiểm soát tốt hơn.
 
Khá nhiều nhà khoa học đồng tình với quan điểm của Rabbitt Roff. GS John Harris, Đại học Manchester cho rằng, hệ thống hiện nay là bất công, vì tất cả mọi người tham gia vào việc ghép tạng, từ y tá, bác sĩ đều được trả công, trong khi người hiến tạng đóng góp nhiều nhất thì không nhận được gì.
 
Còn theo GS Peter Bell, cựu phó chủ tịch Đại học Hoàng gia đào tạo bác sĩ phẫu thuật, với trình độ y khoa hiện tại, việc thiết lập thị trường thận và gan là hoàn toàn khả thi. Nếu một người muốn giải quyết vấn đề tài chính thì tại sao lại không thể tham gia thị trường này một cách hợp pháp, trong khi nhu cầu về tạng là vô cùng lớn và nguồn cung luôn luôn thiếu trầm trọng.
 
Cũng theo GS Peter Bell, khoản phí hợp lý cho một quả thận là khoảng 50.000 - 100.000 bảng, tương đương với 1 hoặc 2 năm lọc máu.

Bóc lột người nghèo

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, cho phép nhận tiền khi hiến tạng sẽ làm mất đi tinh thần vị tha, bác ái của nghĩa cử này. GS Anthony Warrens, Đại học Y và Nha khoa Luân Đôn cho rằng: "Tôi không nghĩ chúng ta nên thương mại hóa các bộ phận cơ thể" và "những người thiệt thòi nhất có thể bán nội tạng mà không tính đến nguy cơ của việc này". Về bản chất, đây là sự bóc lột người nghèo.

TS Tony Calland, Hiệp hội Y khoa vương quốc Anh cũng khẳng định tổ chức này sẽ không ủng hộ việc hợp pháp hóa mua bán nội tạng. Ông cho rằng, hiến thận khi còn sống có thể dẫn đến một số nguy cơ tuy nhỏ nhưng rất đáng lưu tâm.
 
Nếu cho phép trả tiền thì nhiều người vì khó khăn tài chính có thể quyết định liều, gây nguy hiểm cho chính họ. Một số khác, vì cần tiền, có thể che giấu những căn bệnh khiến họ không được hiến tạng, và gây nguy hiểm cho người khác. Do vậy, việc hiến tạng chỉ có thể dựa trên tinh thần vị tha và nhu cầu y học.

Theo Thu Thủy - Khoa học và Đời sống/ BBC và Independent

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X