Hotline 24/7
08983-08983

Hội thảo chuyên đề: Mô hình thực hành Dược lâm sàng BV Nhân dân 115

Sau một thời gian dài tiến hành thực tiễn tại khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc của bệnh viện, mô hình thực hành Dược lâm sàng chính thức được long trọng công bố vào chiều ngày 10/8.

Đây là thành quả hết sức to lớn của bệnh viện, dưới sự giúp đỡ của Hội dược học TPHCM. Buổi Hội thảo chuyên đề: Mô hình thực hành Dược lâm sàng BV Nhân dân 115 được tổ chức bởi bệnh viện phối hợp với Hội Dược học TPHCM, công ty Merck Export DMBH đồng hành thực hiện.

Ban chủ tọa của buổi Hội thảo chuyên đề

Dược lâm sàng đóng vai trò rất quan trọng trọng việc đảm bảo sử dụng một cách hợp lí, an toàn và hiệu quả. Trên thế giới, Dược lâm sàng được áp dụng từ những năm 1960 và đã phát triển mạnh ở các nước như Pháp, Úc, Mỹ và một số nước Châu Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore... Tuy nhiên, đến những cuối năm cuối của thập kỉ 90 của thế kỉ trước, Dược lâm sàng mới bắt đầu phát triển tại Việt Nam.

Dược lâm sàng là mô hình thiết thực của nền y học hiện đại, với tiêu chí lấy bệnh nhân là đối tượng trọng tâm phục vụ của Bác sĩ điều trị, Dược sĩ và Điều dưỡng

Mặc dù hiện nay, Dược lâm sàng đã được triển khai ở nhiều bệnh viện nhưng vẫn chưa thực sự đi sâu vào công tác điều trị tại các khoa lâm sàng, chưa thực sự giúp cho các bác sĩ trong việc dùng thuốc phù hợp cho từng người bệnh cụ thể, chưa gắn với lâm sàng một cách hữu cơ, điều này cho thấy là do còn thiếu những hướng dẫn cụ thể, thiết thực, đúng mục tiêu dành cho các Dược sĩ khi thực hành Dược lâm sàng.

Dược lâm sàng (clinical pharmacy): là thuật ngữ thường dùng trong thực hành dược và trong các tài liệu về dược, là chuyên ngành y tế mô tả các hoạt động và dịch vụ của dược sĩ lâm sàng để nâng cao và thúc đẩy dùng hợp lý và phù hợp các sản phẩm thuốc và các thiết bị đi kèm. DLS bao gồm tất cả các dịch vụ mà người dược sĩ thực hành trong bệnh viện, hiệu thuốc, nhà điều dưỡng, các dịch vụ chăm sóc tại nhà, phòng khám và bất cứ nơi nào thuốc được kê đơn và sử dụng.

Có hai khái niệm cần phân biệt rõ đó là:

- Ngành dược (pharmacy): bao gồm các kiến thức tổng hợp về hoá học, bào chế thuốc và tổng hợp thuốc...

- Dược lâm sàng: có xu hướng thiên về phân tích nhu cầu của người dân về sử dụng thuốc và cách thức dùng thuốc, kiểu dùng thuốc và hiệu quả dùng thuốc trên bệnh nhân. Hoạt động DLS lấy người bệnh làm trung tâm.

Mục tiêu của hoạt động DLS là đẩy mạnh việc dùng đúng thuốc và phù hợp cùng với các thiết bị đi kèm (ví dụ như bình định liều) nhằm tối ưu hoá hiệu quả lâm sàng của thuốc và có hiệu quả điều trị tốt nhất cho từng người bệnh.

TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế


PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc Hội, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc Hội, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM vui mừng cho biết: đây là thành quả của một thời gian dài trong việc phối hợp khá chặt chẽ của bệnh viện với Hội Dược học TPHCM, dưới sự giúp đỡ vô cùng nhiệt tình của GS.TS.DS. Hieu T.Tran (Mỹ). “Chúng tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng và quản lí chặt chẽ trong ngành Dược nói chung. Qua thực tiễn, Dược lâm sàng đóng vai trò lớn rất trong cuộc chiến giúp người bác sĩ có vũ khí sắc bén nhất trong việc đẩy lùi bệnh tật. Đây là thành công lớn không chỉ của riêng Bệnh viện Nhân dân 115 mà còn là tiền đề để chúng ta nhân rộng ra các đơn vị khác tại Thành phố và trên cả nước”.

TS.BS Phan Văn Báu - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện

Không giấu được cảm xúc vui mừng và tự hào khi Bệnh viện Nhân dân 115 là 1 trong 3 đơn vị được chọn làm thí điểm Dược lâm sàng và đạt được thành công bước đầu, TS.BS Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện gửi lời chúc mừng thành công đến các đơn vị khoa/ phòng tham gia thực hiện và Hội Dược học TPHCM.

TS.BS Phan Văn Báu nhấn mạnh: “Chúng ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ hàng đầu: Người bệnh là trung tâm, là tất cả. Với việc phát triển mô hình lâm sàng sẽ giúp cho bệnh nhân rất nhiều, giảm tỉ lệ tử vong và trả bệnh nhân về với cuộc sống thường ngày.

Chúng tôi vô cùng cảm ơn PGS.TS Phong Lan, GS.TS.DS. Hieu T.Tran trong việc nỗ lực thực hiện mô hình này. Khoa Hồi sức tích cực chống độc là nơi được chọn làm thí điểm và tiên phong trong việc áp dụng mô hình này. Hơn ai hết, chính các anh chị đã vượt qua những khó khăn, vượt qua những định kiến và nỗ lực của bản thân để đạt được những thành quả của chúng ta ngày hôm nay”.


Những điểm chủ chốt được chú ý

Nói chung, Dược lâm sàng phát huy tối đa hiệu quả về mặt lâm sàng của thuốc nhằm đạt hiệu quả điều trị cao nhất cho mỗi người bệnh. Đồng thời, chương trình cũng làm giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ do điều trị gây ra thông qua theo dõi quá trình điều trị và sự tuân thủ của người bệnh; giảm thiểu các chi phí cho việc điều trị dược lí phát sinh cho hệ thống y tế quốc gia và cá nhân người bệnh.


TS.BS Vũ Đình Thắng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trình bày những điểm mới mẻ và thành quả của đề án sau một thời gian cùng các cộng sự thực hiện

Theo báo cáo của TS.BS Vũ Đình Thắng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, đơn vị được chỉ định làm thí điểm của chương trình này cho biết: Điểm nhấn trong mô hình này là việc chuyển đổi "IV sang PO" và công tác quản lí kháng sinh.

"IV sang PO" tức là chuyển đổi thuốc tiêm qua đường tĩnh mạch sang sử dụng thuốc đường uống. Thực hiện phương pháp này sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm trùng qua đường catheter; giảm rủi ro viêm tĩnh mạch; giảm nguy cơ tác dụng phụ, các chiến chứng của đường viêm tĩnh mạch; giảm thời gian nằm viện và hạn chế chi phí ở mức đáng kể.

Chương trình quản lí kháng sinh được thực hiện nhằm hạn chế, giảm đề kháng kháng sinh; giảm các biến chứng có hại của thuốc; rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí; cứu sống người bệnh và giảm tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện.

Ở mỗi một chương trình đều có những tiêu chí chọn lựa và loại trừ vô cùng khắt khe nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị đạt ở mức cao nhất.

Để chuyển kháng sinh từ IV sáng PO phải thỏa mãn tất cả các tiêu chí:

- Các dấu hiệu lâm sàng cải thiện

- Giảm thâm nhiễm trên X-quang phổi

- Nhiệt độ cơ thể ở múc bình thường trên 24 giờ (<38oC và > 36oC) và không có nhiều hơn một trong những dấu hiệu sau: Nhịp tim > 90/ phút; Nhịp thở > 20 lần/ phút; Bạch cầu > 12.109/L hoặc <4.109/L.

- Huyết áp ổn định

- Có thể dung nạp được với các thuốc bằng đường uống hoặc đường ruột, không bị: Nôn mửa dai dẳng; tắc ruột, tắc nghẽn dạ dày; Chảy máu đường tiêu hóa tiến triển; Mất ý thức; Rối loạn hoạt động nuốt; Tiêu chảy trầm trọng.

Tiêu chí của quản lí kháng sinh được thể hiện qua bảng:


Chia sẻ bên lề hội nghị, GS.TS.DS Hieu T.Tran - Viện trưởng Đại học Dược - Đại học California Northstate, Mỹ cho biết: “Đây là chương trình mà tôi đánh giá là rất khó khăn nhưng vẫn có cơ hội thành công rất cao bởi có sự hỗ trợ tuyệt đối của ban giám đốc và các trưởng khoa, đoàn kết của nhân viên y tế. Ngay cả tại các các cơ sở y tế ở Mỹ cũng sẽ vấp phải nhiều khó khăn trong việc thực hiện mô hình này. Nhưng may mắn, tôi có nhiều thời gian thực hiện những đề án ấy nên áp dụng được các thực tiễn và né tránh được những điểm hạn chế ấy, giúp đề án thực hiện một cách hiệu quả hơn”.

GS.TS.DS Hieu T.Tran

GS.TS.DS Hieu T.Tran cũng cho biết, nhờ việc thực hiện đề án này tại Bệnh viện Nhân dân 115 mà ông có cơ hội trở về quê hương (Việt Nam) sau hơn 40 xa cách. Đây là cơ hội để ông cống hiến trực tiếp sức mình, trí tuệ bản thân cho sức khỏe người Việt và ngành Y tế Việt Nam nói riêng.


Rào cản ngôn ngữ không hoàn toàn là điều nuối tiếc nhất với ông. Ông cảm thấy việc dùng những từ chuyên môn, cách diễn đạt những kinh nghiệm của mình bằng vốn từ Việt không được phong phú của mình là một hạn chế lớn. Tuy nhiên, tất cả đã cùng cố gắng, nỗ lực vì một tương lai thấy được việc tiết kiệm được tài chính, hiệu quả sức khỏe của người bệnh. Một ví dụ thực tiễn mà ông đưa ra, tại các bệnh viện bên Mỹ đã tiết kiệm 238 tỷ đô nhờ chương trình Dược lâm sàng này. GS.TS.DS Hieu T.Tran cũng mong muốn được tiếp tục chương trình kháng sinh này.

DS Nguyễn Hương Trà - Dược sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc được GS.TS.DS. Hieu T.Tran ví von là “học trò giỏi, ham học và người lính hăng hái trong cuộc chiến với bệnh tật”. Chính chị cũng là vị dược sĩ được chỉ điểm, lựa chọn để cùng sát cánh trong chương trình trọng điểm này. DS Nguyễn Hương Trà cũng là dược sĩ đầu tiên được phân công về một chuyên khoa theo chỉ đạo của ban giám đốc bệnh viện để nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.


“Được cùng tham gia thực hiện đề án vừa là niềm vui lớn và cũng là thách thức vô cùng lớn đối với bản thân tôi. Những điều mà chúng tôi đã làm trong thời gian qua quả thật rất khác biệt so với những gì mà bản thân được đào tạo trước đó, nó mang tính thực tiễn, tỉ mỉ hơn rất nhiều. Nhờ sự giúp đỡ của GS.TS.DS. Hieu T.Tran, PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, TS.BS Vũ Đình Thắng… đã giúp tôi học hỏi thêm được nhiều điều và hoàn thành tốt nhiệm vụ” - DS Nguyễn Hương Trà chia sẻ.


“Thành công trong việc thực hiện đề án Dược lâm sàng tại Bệnh viện Nhân dân 115 như hồi chuông thôi thúc những người làm về Dược học nói chung. Từ đó, chúng tôi sẽ xây dựng những đề án để mong Bộ Y tế, Quốc Hội sớm thông qua và đưa vào thực tiễn tại các bệnh viện trên cả nước. Đề án sớm thực hiện, có nghĩa người bệnh sớm được quan tâm, giảm thiểu rủi ro và có nhiều điểm lợi hơn trong công tác điều trị”. Đây chính là lời phát biểu bế mạc đầy tâm huyết và cũng là mục tiêu của PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc Hội, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM trong thời gian tới đây.

PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan trao "Sổ tay hướng dẫn thực hành Dược lâm sàng" cho lãnh đạo Bệnh viện

Dược lâm sàng còn khá mới mẻ ở nước ta nhưng trên thế giới đang được áp dụng khá phổ biến. Hiệu quả của Dược lâm sàng là điều khó có thể phủ nhận. Phải chăng, vì sức khỏe của người bệnh, chúng ta cần hành động?!

Lê Bình
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X