Hotline 24/7
08983-08983

Hết sốt trẻ vẫn mệt mỏi, chân tay lạnh, coi chừng viêm cơ tim

Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM vừa cứu sống bệnh nhi bị viêm cơ tim tối cấp. Đây là bệnh lý rất nguy hiểm nhưng ít gặp, diễn tiến sau một đợt sốt do nhiễm virus. Dấu hiệu cảnh báo là trẻ hết sốt nhưng vẫn mệt mỏi, chân tay lạnh thì nên đưa đến bệnh viện ngay.

Nửa đêm 17/7 bé gái L.P.T., 8 tuổi ở Tân Phú được chuyển cấp cứu từ Bệnh viện quận Tân Phú tới Bệnh viện Nhi đồng 1 với chẩn đoán: sốc tim do viêm cơ tim tối cấp.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hôn mê, trụy tim mạch, rối loạn nhịp tim. Các bác sĩ khoa Cấp cứu đã nhanh chóng đặt nội khí quản giúp thở, dùng thuốc trợ tim nhưng tình trạng huyết động không cải thiện.

Sau đó các bác sĩ khoa Tim mạch tiến hành đặt máy tạo nhịp tạm thời nhưng tình trạng bệnh nhi xấu dần, ngưng tim. Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực lập tức tiến hành cấp cứu ngưng thở ngưng tim, nhồi tim và đồng thời thực hiện kỹ thuật ECMO (kỹ thuật trao đổi oxy qua màng với tuần hoàn ngoài cơ thể) để hỗ trợ tim phổi cho bệnh nhi với sự hỗ trợ của các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và khoa Mạch máu, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau 1 giờ nhập viện (0giờ 18/7)  kỹ thuật ECMO đã được thực hiện.

Sau 7 ngày hồi sức tích cực với kỹ thuật ECMO, thở máy, lọc máu liên tục bệnh nhi đã tỉnh lại, tình trạng huyết động cải thiện. Bé dược tiến hành cai ECMO thành công vào chiều ngày thứ tư 24/7. Sáng 25/7 bé được cai máy thở và đang được theo dõi tích cực tại khoa Hồi sức.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu  Bệnh viện Nhi đồng 1 đánh giá: Đây là một ca bệnh hy hữu và rất may mắn, nếu cháu bé đến chậm 15 phút thôi là “hết cứu”. Sự phối hợp kịp thời, hiệu quả giữa Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1 và  nhất là  kinh nghiệm xử lý lâm sàng của các bệnh viện cơ sở tuyến quận đã kịp thời cứu sống bệnh nhân.

Viêm cơ tim

Trường hợp của cháu P., nếu cha mẹ đợi đến sáng mới đưa đi bệnh viện, hoặc nếu tuyến dưới bỏ qua việc nghe tim, chỉ dựa vào các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, lờ đờ thì có thể hướng đến các bệnh sốt do virus thông thường, xử trí theo hướng đó, không chuyển đi thì có lẽ cháu đã không còn. Thường thì trẻ nhỏ sẽ quấy khóc, khó đo được nhịp tim nên cần phải đánh giá mạch, mạch không rõ thì cho chụp Xquang (sẽ thấy bóng tim lớn) và siêu âm tim (sẽ thấy tim đập yếu).

Viêm cơ tim là bệnh lý nguy hiểm nhưng ít gặp, mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ tiếp nhận 5-7 ca, đến từ nhiều vùng khác nhau. Bệnh có thể gặp ở tất cả các độ tuổi nhưng theo ghi nhận thì có hai độ tuổi nổi bật là 6 tháng - 12 tháng và 16 tuổi có thể bị nhiều hơn.

Viêm cơ tim không có yếu tố nguy cơ. Triệu chứng ban đầu của bệnh cũng giống như các bệnh thông thường khác, trẻ sốt, đau họng, rối loạn tiêu hóa… Tuy nhiên, cha mẹ phải để ý đến thời điểm hết sốt, nếu trẻ không hoạt bát, chơi đùa trở lại thì nên thận trọng. Nhất là trẻ có biểu hiện lờ đờ, chân tay lạnh thì đưa đi bệnh viện ngay.

Sở dĩ có hiện tượng này là vì khi viêm cơ tim, nhịp tim đã bị rối loạn. Nếu nhịp tim quá nhanh, mấy trăm lần/phút thì trái tim giống như đang run lẩy bẩy chứ không co bóp được. Còn nếu nhịp quá chậm, mãi mới tống được một ít máu thì tuần hoàn rất chậm. Do tuần hoàn kém, não thiếu máu nên tri giác lờ đờ, và chân tay lạnh.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo các gia đình có trẻ bị sốt phải hết sức chú ý giai đoạn vừa hết sốt. Trẻ sốt là chuyện thường gặp, nhưng nếu cha mẹ cảm thấy lần sốt này con mình có những biểu hiện “kỳ kỳ”, không giống như mấy lần trước thì nên đưa đến bác sĩ ngay.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X