Hotline 24/7
08983-08983

Giun rồng 30cm ký sinh trong cơ thể thanh niên 21 tuổi

Chiều 22/7/2024, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa điều trị cho một nam bệnh nhân 21 tuổi (ngụ Yên Bái) đến viện trong tình trạng ngứa khắp người, sốt, chóng mặt, nôn và phát ban ở da. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm giun rồng và nhiều loại ký sinh trùng khác.

Nam bệnh nhân T.Đ.T (21 tuổi, ngụ Yên Bái) đến bệnh viện với tình trạng khi vào viện dưới da ở đùi, mặt cẳng tay, bụng, lưng, đều có hình ảnh giun sán ký sinh trùng di chuyển, trong đó vùng đùi 2 bên tạo ổ áp xe đã vỡ. vùng dưới cẳng tay có biểu hiện viêm mủ, lộ đầu giun.

Bệnh nhân cho biết trước đó có ăn gỏi cá, sau đó bắt đầu có biểu hiện ngứa nhiều khắp người, nhất là vùng mông, gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt.

“Tôi cũng đoán mình bị nhiễm giun sán khi nhìn thấy giun nổi ở mặt, tay, bụng, lưng, chân gây ngứa, loét, có mủ, khi mủ vỡ thì tiết dịch vàng. Tuy nhiên, đến bệnh viện thì tôi thấy ngại” - bệnh nhân nói. Gần đây, do bị ngứa không chịu nổi, kèm theo sốt và nôn, anh mới tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thăm khám.

Ấu trùng của giun rồng
Giun rồng dài 30cm được các bác sĩ lấy ra từ cơ thể bệnh nhân

Sau khi hội chẩn với các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp Tiết niệu và Nam học, bệnh nhân đã được xử lý và lấy được bệnh phẩm ký sinh trùng là con giun dài khoảng 30 cm. Sau đó, nam thanh niên được chuyển lại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp tiếp tục theo dõi và điều trị.

Bệnh nhân được xác định nhiễm giun rồng. Các bác sĩ tiến hành làm huyết thanh chẩn đoán thêm các loại giun sán, ký sinh trùng khác. Kết quả nam thanh niên còn dương tính với nhiều loại giun sán như: Sán máng, sán dây chó, sán lợn, giun lươn, giun đũa chó mèo.

Bệnh nhân được theo dõi các tổn thương, nếu tổn thương vỡ có thể giun sẽ chui ra.

Nam bệnh nhân 21 tuổi tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Theo BS Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cách điều trị duy nhất cho nam bệnh nhân là lấy giun rồng ra, hoặc giun sẽ tự chui ra từ những tổn thương như mụn vỡ chảy nước vàng trên da.

Giun không tự chui ra hoặc không được lôi ra có thể gây áp xe tại chỗ trú trên cơ thể người.

Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị bệnh giun rồng mà chỉ có thể điều trị theo triệu chứng. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giảm được những biến chứng nguy hiểm.

Để phòng ngừa giun sán ký sinh, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần:

- Ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Nấu chín kỹ các thực phẩm thủy sinh như ếch, cá, tôm...

- Dùng riêng các dụng cụ để chế biến thực phẩm chín và sống như thớt, dao, máy xay, bát, đĩa...

- Vệ sinh tay sau khi chế biến thực phẩm sống.

- Không cho chó, mèo ăn sống các thực phẩm thủy sinh (ếch, cá, tôm...) chưa được nấu chín

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X