Hotline 24/7
08983-08983

Em bé ngừng thở khi người nhà rửa mũi bằng xilanh bơm nước muối sinh lý

Bé trai 2,5 tháng tuổi bị nghẹt mũi, người nhà dùng xilanh bơm nước muối sinh lý để rửa mũi cho bé.Đang được vệ sinh mũi thì bé ngừng thở, tím tái toàn thân.

Khi sự cố xảy ra, người nhà hô hấp nhân tạo cho bé rồi đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cấp cứu, cuối tuần trước. Bé trong tình trạng kích thích, thở gắng sức, nhịp tim nhanh do bị sặc nước muối sinh lý.

Các bác sĩ xác định bé bị hội chứng xâm nhập do dịch rửa mũi họng chảy qua thanh quản vào khí quản gây co thắt thanh quản và khí quản. Trẻ khó thở cấp tính, thiếu oxy trầm trọng. Rất may, gia đình đã kịp thời hô hấp nhân tạo cho bé trước khi đưa vào viện.

Kíp trực Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, tiến hành cấp cứu tích cực, hai giờ sau tình trạng bé ổn định, thở đều.

Bác sĩ Lê Nguyệt Minh, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, cảnh báo đây là một trong những trường hợp điển hình cha mẹ vệ sinh mũi sai cách cho con, nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Rửa mũi là phương pháp hiệu quả phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chưa trang bị đầy đủ kiến thức về cách rửa mũi cho trẻ, áp dụng sai cách, sử dụng sai dung dịch hoặc tùy tiện lạm dụng rửa mũi gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Trẻ có thể bị viêm họng, viêm tai giữa, tổn thương niêm mạc mũi, hoặc nhiễm trùng nặng hơn do dụng cụ rửa mũi không được vô trùng.

Cách đây hai tháng, bệnh viện cũng tiếp nhận em bé 11 tháng tuổi bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin. Đây là thuốc nhỏ mũi cấm dùng cho trẻ dưới 6 tuổi. Rất may, bé được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời.

"Không được lạm dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ, bởi vì trong mũi và họng đều có một lượng dịch tự nhiên đủ để bôi trơn niêm mạc, tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn và bụi bẩn", bác sĩ Minh khuyến cáo.

Một bệnh nhi nhập viện sau khi được người nhà rửa mũi sai cách. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Rửa mũi thường xuyên sẽ làm khô lớp chất nhầy có tác dụng giữ ẩm, sát khuẩn tự nhiên của niêm mạc mũi. Mất đi lớp chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi. Khi ấy niêm mạc mũi sẽ tiết ra nhiều dịch nhầy hơn tụ lại ở mũi họng khiến trẻ nghẹt mũi, thở khò khè và ho, viêm nhiễm mạn tính.

Đặc biệt, tuyệt đối không nên tự ý sử dụng xilanh để rửa mũi cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì bơm xilanh áp lực cao, dễ gây sặc và sang chấn tâm lý cho trẻ. Hơn nữa, xilanh đầu nhọn, sắc sẽ làm chảy máu mũi, tổn thương niêm mạc mũi trẻ vốn đã mỏng, rất yếu.

Bác sĩ Minh khuyên, đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người nhà muốn thực hành rửa mũi cho trẻ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Nếu có chỉ định, người nhà cần được nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn thực hành trước khi tự thực hiện tại nhà cho trẻ.

Để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp cho trẻ, nhất là khi thời tiết chuyển mùa, trời lạnh, nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực. Cho bé đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với những nơi có khói, bụi, ô nhiễm... vì có thể xâm nhập vào cơ thể gây hại cho trẻ nhỏ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X