Hotline 24/7
08983-08983

"Đồng tính không có nghĩa họ là người bỏ đi…”

Người đồng tính bị kì thị rất nhiều ở gia đình, nhà trường, thậm chí cả ở các cơ sở y tế. Không chỉ bị kỳ thị, họ còn bị bạo lực.

“Không thể vì họ khác mình mà mình kì thị. Thay vì chối bỏ, hãy chia sẻ và cho họ cơ hội để sống thật với chính mình” là chia sẻ của BS Hoàng Tú Anh về quan điểm ủng hộ người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới.

Toàn tiếp xúc với những người “nguy hiểm”

Biết tôi sắp đi gặp chị, một chuyên gia làm về vấn đề giới và gia đình bảo: “Nàng” đấy hay lắm?

Thế ư. Tôi lại thấy mình không có gì đặc biệt. Tôi sinh năm 1971, tốt nghiệp Đại học Y năm 1993. Năm ấy, gia đình cũng “nhắm” cho một “chân” trong bệnh viện. Nhưng tôi thấy bệnh viện có nhiều bất cập, nhất là nạn phong bì.

Hơn nữa, tính tôi không ưa những cái được cho là khuôn mẫu. Mà bệnh viện, nhất là y học lâm sàng thì đặc biệt khuôn mẫu và gò bó. Lúc nào cũng chỉ đúng và sai. Lúc ấy Đại học Y có một trung tâm làm về y tế cộng đồng. Vậy là tôi rẽ ngang.

BS Hoàng Tú Anh

Đã bao giờ chị thấy tiếc về sự rẽ ngang này chưa?

Chưa. Tôi sinh ra ở thành phố, khi bé, cuộc sống của tôi bó hẹp trong một “khoảng” nhỏ. Khi ấy tôi nhìn cuộc sống và đối xử với mọi người rất khắt khe. Nhưng khi làm về cộng đồng, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, tôi đã thay đổi.

Nhiều người bảo tôi dở hơi khi toàn đi tiếp xúc với những người “nguy hiểm” như gái mại dâm, người có HIV…Nhưng tôi lại thấy họ không có gì nguy hiểm cả. Thậm chí, ngược lại, họ là những người đáng thương.

Ví dụ, gái mại dâm, họ cũng là phụ nữ, cũng là mẹ và hơn hết, họ bất hạnh hơn người bình thường. Làm về cộng đồng giúp tôi sống nhân văn hơn. Tôi học được cách cảm thông và chia sẻ.

Đứng về phía những người “đặc biệt”

Đó có phải là lý do mà đang làm về giới, về bạo lực gia đình, chị lại chuyển sang  tìm hiểu về đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT), nhóm người chưa nhận được cái nhìn thiện cảm của xã hội?

Công tác tại Đại học Y một thời gian, tôi và đồng nghiệp thành lập Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số làm về các vấn đề như bạo lực gia đình, sức khỏe sinh sản…Năm 2002, chúng tôi có chương trình Tâm sự bạn trẻ. Khi ấy, có một số câu hỏi gửi đến liên quan đến LGBT.

Năm 2008, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về vấn đề này. Khi làm chúng tôi phát hiện nhóm người này thường xuyên bị bạo lực. Vì thế, năm 2010, chúng tôi bắt tay nghiên cứu về bạo lực đối với người LGBT. Phải nói rằng, đây là một trong số những nghiên cứu rất ít ỏi về người LGBT ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu đó thế nào?

Theo kết quả này, người LGBT bị kì thị rất nhiều ở gia đình, nhà trường, thậm chí cả ở các cơ sở y tế. Không chỉ bị kỳ thị, họ còn bị bạo lực. Đáng buồn nhất họ bị bạo lực bởi chính người thân. Hầu hết, các bậc cha mẹ đều cảm thấy mất hết hy vọng vào con cái khi phát hiện ra con mình “có vấn đề” về giới tính.

Họ tìm đủ cách để đưa con trở lại bình thường như đốt nhật ký, nhốt con trong nhà. Thậm chí có trường hợp không thuyết phục được con, người bố cho con gái mình uống thuốc ngủ để cho một người đàn ông khác cưỡng dâm khiến cô gái phát điên.
 
Theo chị tại sao ở Việt Nam lại có sự kì thị lớn như thế, trong khi nhiều nước đã ủng hộ người LGBT?

Mới đây, tại một cuộc hội thảo về người LGBT được tổ chức tại Hà Nội, các nghiên cứu đã cho thấy, rất nhiều người LGBT bị chính gia đình và người thân ruồng bỏ và bạo lực. Họ luôn bị mặc cảm và phải sống trong bóng tối.

Thật ra, không phải ở Việt Nam mà ngay nhiều nước tiến bộ trên thế giới vẫn còn kì thị với người LGBT. Song ở Việt Nam, sự kì thị rất lớn. Điều đáng nói nó không hoàn toàn liên quan đến kiến thức.

Tôi đã từng tiếp xúc với phụ huynh có con là đồng tính, họ nói họ đọc tài liệu và biết đấy không phải là bệnh. Nhưng họ vẫn không chấp nhận. Ở đây liên quan đến yếu tố văn hóa. Họ cho rằng, nhóm người này ảnh hưởng tới cấu trúc gia đình truyền thống.

Rõ ràng là ảnh hưởng đấy chứ, hai người nam, hoặc 2 người nữ mà ở với nhau thì làm sao mà duy trì nòi giống?

Không chỉ có loài người, trong tự nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt. Ví dụ, người ta từng thấy có một đôi chim cánh cụt đực sống với nhau và chăm sóc nhau như vợ chồng.

Chưa có loài nào tuyệt chủng về điều đó cả. Khi nghiên cứu về vấn đề này, chúng tôi phát hiện một bác sỹ người Pháp đã có những ghi nhận về đồng tính ở Việt Nam từ những năm 1990. Trong phóng sự Hà Nội lầm than của Trọng Lang năm 1937 cũng cho thấy, nước ta thời đó đã có nhà thổ nam.
 
Người ta cũng phát hiện LGBT tồn tại từ thời Hi Lạp cổ đại. Một số bức điêu khắc từ thời Hi Lạp cổ đại đã thể hiện điều đó. Điều đó cho thấy, người LGBT đã tồn tại từ rất lâu và họ đâu gây ra những hệ lụy gì.

Không gây ra hệ lụy, vậy tại sao bao nhiêu năm những người đó vẫn phải đấu tranh để được thừa nhận?

Đây là một câu hỏi hay. Bởi vì những người dám lên tiếng là rất ít, đặc biệt là giới trí thức, những người được cho là lời nói có trọng lượng. Tôi biết, có rất nhiều người có học thức là người LGBT, song họ không lên tiếng.

Hơn nữa, nói gì đi nữa thì số người thuộc nhóm LGBT cũng ít hơn những người dị tính. Trong cuộc đấu tranh, phần thắng bao giờ cũng nghiêng về số đông. Ở đây, nó liên quan nhiều đến cấu trúc quyền lực. Cấu trúc quyền lực đầu tiên chính là gia đình.

Với cái nhìn truyền thông thì đây là điều khó chấp nhận. Đây cũng chính là lý do vì sao ở nước ta, sự kỳ thị và sự không chấp nhận lại lớn.
 
Thay vì chối bỏ, tôi sẽ đồng hành

Trong khi còn nhiều người Việt kì thị người LGBT thì chị lại công khai ủng hộ họ, chị không sợ mọi người cho rằng, có thể, chị cũng thuộc về số đó?

Tôi là người dị giới. Tôi có chồng và 2 con. Những điều đó không ngăn cản tôi chia sẻ với những người như thế. Đã là con người, họ đều có quyền được sống và được hưởng hạnh phúc. Không thể vì thấy họ khác biệt với mình mà kì thị họ.

Họ là những người thiệt thòi. Không có gì đau đớn hơn khi bị xã hội kì thị, bị chính người thân ruồng bỏ.

Nói thì dễ, nhưng nếu người thân chị là LGBT, chị sẽ thế nào?

Tôi sẽ không sốc. Tôi may mắn sống trong một gia đình khá bình đẳng, bố mẹ tôn trọng suy nghĩ và quyết định của con cái. Lớn lên trong môi trường không quá “tôn ti trật tự”, tôi tiến bộ hơn chăng (cười).

Thật ra, như tôi đã nói ở trên, nhiều cha mẹ đã dùng nhiều biện pháp nhằm thay đổi lại nhưng đâu có thành công. Thậm chí còn gây ra hậu quả ngược. Nhiều trường hợp tôi biết, họ vốn là những học sinh giỏi, nhưng trước sự kỳ thị của gia đình, nhà trường, xã hội, họ đã rơi vào cảm giác bị bỏ rơi, học hành sa sút, bỏ học, bỏ nhà đi lang thang…

Vậy chị đồng hành như thế nào?

Cuộc sống luôn có sự đa dạng. Hãy chấp nhận sự đa dạng ấy. Hãy chấp nhận và chia sẻ. Tôi có may mắn được tiếp xúc với nhiều người là đồng tính. Họ đều là những người thành đạt hoặc là những nhà nghiên cứu hàng đầu trong một lĩnh vực. Vậy thì tại sao phải phản đối.

Là LGBT không có nghĩa họ là những người bỏ đi. Hãy nghĩ rằng, những người LGBT đều có thể thành công và sống hạnh phúc nếu họ có cơ hội làm điều đó.

Hạnh phúc là được sống thật với chính bản thân mình. Hãy cho họ cơ hội để được sống là chính mình, để vươn lên và sống hạnh phúc.

Cám ơn chị!
 
Theo Lan Hoa - Khoa học và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X