Hầu
như mọi người đều biết rằng nên cung cấp những chất dinh dưỡng cần
thiết từ thực phẩm hơn là sử dụng những sản phẩm bổ sung. Tuy nhiên,
liệu chế độ ăn của bạn đã đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày hay
chưa? Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng ngay cả những người có chế độ
ăn uống lành mạnh nhất cũng có thể bị thiếu hụt vitamin và khoáng chất
do một số yếu tố không ngờ đến.
5 yếu tố có thể khiến bạn thiếu hụt vi khoáng chất:
- Bạn nói không với các loại thịt
Có
vô số lý do để chúng ta quyết định trở thành tín đồ ăn chay - ăn chay
giúp giảm cân, giảm nguy cơ ung thư, hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn - tuy
nhiên nhiều người có thói quen ăn chay lại đang bị thiếu hụt nghiêm
trọng vitamin B12. Nguyên nhân là do các loại thực phẩm có nguồn gốc
thực vật không chứa loại vitamin thiết yếu tồn tại rất nhiều trong các
loại thịt đỏ và thịt gia cầm này.
Theo một nghiên cứu trên tạp
chí Nutrition Reviews, ngay cả những người ăn bán chay hay ăn chay có
trứng và sữa cũng không thể nạp đủ vitamin B12. Do vậy nếu bạn đang theo
chế độ ăn chay hoặc rất ít khi ăn thịt và gần đây hay có cảm giác mệt
mỏi, chóng mặt, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung thêm thực
phẩm chức năng có chứa vitamin B12.
- Bạn thường xuyên phải dùng thuốc điều trị loét dạ dày-tá tràng
Các
thuốc ức chế bơm proton (PPI) là những liệu pháp hàng đầu trong việc
điều trị các chứng bệnh liên quan đến acid dịch vị (loét dạ dày-tá tràng
hay trào ngược acid). Tuy nhiên nghiên cứu gần đây đã chứng minh nhóm
thuốc này có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng như tăng nguy cơ mắc
bệnh thận và gây đau tim. Những người thường xuyên sử dụng nhóm thuốc
PPI cũng dễ bị thiếu hụt vitamin B12.
Ngoài ra, magie cũng là
khoáng chất dễ bị thiếu ở những người dùng nhóm thuốc này, dựa trên một
nghiên cứu tổng hợp gồm 14 nghiên cứu được đăng trên tạp chí
Gastroenterology Research and Practise. Các nhà khoa học tin rằng chính
nhóm PPI làm thay đổi khả năng hấp thu magie của ruột. Tin tốt là nồng
độ magie vẫn có thể trở lại bình thường trong vòng 4 ngày sau khi ngừng
thuốc. Các triệu chứng của thiếu hụt magie khá khó nhận ra (thường được
coi là các triệu chứng vô hình), chủ yếu là giảm vị giác, mệt mỏi, tê
cứng và thay đổi tính tình. Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (National
Institutes of Health - NIH) khuyến cáo bạn nên cung cấp khoảng 310 - 320
mg magie mỗi ngày đối với phụ nữ trên 19 tuổi, tuy nhiên hãy trao đổi
với bác sĩ về liều sử dụng nếu bạn đang bị thiếu hụt nhiều hơn.
- Bạn rất chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao
Không
có gì nghi ngờ rằng luyện tập thể dục thể thao luôn luôn tốt cho sức
khỏe của bạn. Tuy nhiên, việc luyện tập quá sức có thể khiến bạn lâm vào
tình trạng thiếu hụt thiamin (vitamin B1), riboflavin (vitamin B2) và
vitamin B6.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí American
Journal of Clinical Nutrition, luyện tập thể dục sẽ làm tăng nhu cầu sử
dụng những vitamin này và những người yêu thích luyện tập thể dục thường
có những dấu hiệu thiếu hụt mặc dù đã đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị
hàng ngày.
Và nếu bạn đang cắt giảm lượng calo nạp vào cơ thể,
hãy coi chừng: Việc ăn kiêng có thể làm thiếu hụt những vitamin này trầm
trọng hơn. Do đó, bổ sung các loại vitamin nhóm B tổng hợp có thể là
một lựa chọn phù hợp trong trường hợp này.
- Bạn bị thừa cân hay béo phì
Ngay
cả khi bạn đã nạp đủ vitamin D từ các loại thuốc bổ sung hay tăng cường
phơi nắng, cơ thể bạn cũng sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng loại
vitamin này nếu bạn đang bị béo phì.
Các nhà khoa học tin rằng
những người đang bị thừa cân thường bị thiếu hụt hai loại enzyme cần
thiết để tổng hợp vitamin, do đó gây thiếu hụt vitamin D. NIH khuyến cáo
rằng người lớn nên cung cấp khoảng 600 IU vitamin D mỗi ngày. Tuy nhiên
Hiệp hội Nội tiết cho rằng những người trưởng thành mắc bệnh béo phì
cần nạp ít nhất 2-3 lần con số trên để duy trì được mức nồng độ vitamin D
bình thường trong cơ thể.
- Bạn rất tích cực tham gia hiến máu
Nếu
bạn là thành viên tích cực của chương trình hiến máu, bạn đã mang đến
những giá trị tích cực cho cộng đồng, nhưng bạn cũng sẽ có nguy cơ bị
thiếu hụt khoáng chất.
Một nghiên cứu từ đại học Columbia đã chỉ
ra rằng khoảng 66% phụ nữ và 49% nam giới thường xuyên tham gia hiến máu
bị thiếu hụt sắt. Những phụ nữ hiến máu đang ở độ tuổi sinh sản là
những đối tượng dễ bị thiếu sắt nhất với các triệu chứng như mệt mỏi,
giảm tập trung, chú ý (thậm chí bị rụng tóc).
Những phụ nữ trong
độ tuổi từ 19-50 cần đặt mục tiêu bổ sung khoảng 18 mg sắt/ngày; đối với
phụ nữ trên 51 tuổi là 8 mg/ngày. Sắt là nguyên tố vi lượng có mặt
trong các loại thịt nạc, hải sản, thịt gà, các loại quả hạch, các loại
đậu, và rau có màu xanh lá. Tuy nhiên nếu xét nghiệm máu cho thấy bạn
đang bị thiếu máu thì hãy cân nhắc sử dụng viên uống bổ sung sắt.
|