Hotline 24/7
08983-08983

Tầm soát tiền sản giật gồm những xét nghiệm gì?

Câu hỏi

Xin hỏi để tầm soát tiền sản giật thì cần làm xét nghiệm gì? Nếu đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám vấn đề này thì đi vào khung giờ nào? Cảm ơn BS. (Phạm Thị Thu Quý - Hà Nội).

Trả lời

Khi có một số dấu hiệu nghi ngờ tiền sản giật, hoặc bản thân thai phụ là nhóm người có nguy cơ cao bị mắc bệnh thì nên đi làm xét nghiệm tiền sản giật.

Chị Thoa thân mến,

Tiền sản giật (hay nhiễm độc thai nghén) là tình trạng rối loạn nguy hiểm thường gặp đối với phụ nữ mang thai sau tuần thứ 20. Tiền sản giật gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé trong khi sinh nở, như làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con thiếu cân.

Các triệu chứng của tiền sản giật có thể là: Huyết áp đột ngột tăng cao; Có protein trong nước tiểu hay những vấn đề về thận; Đau đầu; Thay đổi thị lực như tạm thời mất thị lực, mắt mờ đi, nhạy cảm với ánh sáng; Đau bụng trên; Buồn nôn, nôn mửa; Đi tiểu ít; Giảm lượng tiểu cầu trong máu; Chức năng gan suy giảm; Khó thở do có dịch trong phổi.

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu với bệnh lý này, vì vậy việc dự phòng tiền sản giật có ý nghĩa lớn. Việc sàng lọc tiền sản giật ngay từ tuần 11 - 14 của thai kỳ sẽ giúp phát hiện các trường hợp thai phụ có nguy cơ cao và điều trị dự phòng, ngăn ngừa hoặc ít nhất là làm chậm sự khởi phát của tiền sản giật, nhờ đó quá trình mang thai có thể tiếp tục một cách an toàn và thai nhi sẽ có thời gian để phát triển.

Quy trình sàng lọc tiền sản giật sẽ bao gồm:

- Đo huyết áp. Với những phụ nữ mang thai có huyết áp đo được trên 140/90 mmHg, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm tiền sản giật.

- Xét nghiệm máu đo nồng độ PIGF: PlGF là chất do nhau thai tiết ra, là một protein tiền sinh mạch máu (proangiogenic protein) có liên quan trong việc điều hòa sự phát triển hệ thống mạch máu của bánh nhau và chức năng nội mô của mẹ trong suốt thai kỳ.

Ngoài ra, xét nghiệm máu giúp bác sĩ có cơ sở để đánh giá chức năng hoạt động của các cơ quan như thận, gan. Đồng thời kết quả xét nghiệm cũng sẽ cho thấy rõ lượng tiểu cầu có trong máu, đây là yếu tố quan trọng đối với quá trình hồi phục vết thương hay giữ chức năng đông máu.

Tổn thương thận hoặc các hội chứng khác như HELLP có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm máu. Trong đó, HELLP là hội chứng viết tắt của sự phát hủy các tế bào máu đỏ - tán huyết, số lượng tiểu cầu và men gan cao. Hội chứng này có các biểu hiện cụ thể như đau đầu, buồn nôn và nôn, bên phải bụng có cảm giác đau. Một trong những dấu hiệu sớm nhất của tiền sản giật chính là lượng axit uric trong máu tăng cao.

- Siêu âm doppler động mạch tử cung: Doppler động mạch tử cung ngày càng được sử dụng rộng rãi và trở thành một biện pháp hữu hiệu để đánh giá gián tiếp tuần hoàn tử cung rau từ giai đoạn sớm của thai kỳ. Nếu kết hợp Doppler động mạch tử cung với đo huyết áp trung bình của thai phụ, tiền sử, PlGF trong máu mẹ sẽ giúp tăng độ chính xác của sàng lọc nguy cơ tiền sản giật và thai chậm phát triển lên tới 90%.

Bạn có thể đến trực tiếp Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để được khám và tư vấn cụ thể:

Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán Trước sinh và Sơ sinh
ĐT: 0326858585 (liên hệ giờ hành chính từ thứ 2 - thứ 6)
Phòng 219 - Tầng 2 nhà B - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội 929 La Thành, Ba Đình, Hà Nội
Thời gian làm việc: Thứ 2 - Thứ 6, sáng từ 7g30 - 12g, chiều từ 13g30 - 17g

Trân trọng!

Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X