Nhật Bản: Số ca mắc cúm tăng đột biến, cao nhất từ năm 1999 đến nay
Số liệu thống kê của Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản ngày 9/1/2025 cho thấy, lượng bệnh nhân mắc cúm mùa tại Nhật Bản trung bình một tuần đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1999, trong đó xuất hiện những biến chứng đáng lo ngại liên quan đến não và phổi.
Số liệu thống kê từ hơn 5.000 cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước Nhật Bản đã chỉ rõ, trong tuần (từ ngày 22 - 29/12/2024), đã có tổng số 317.812 ca mắc cúm mùa mới, tăng tới 100.000 ca so với tuần trước đó.
Tính trung bình, mỗi cơ sở y tế có thêm khoảng 64,39 ca, tăng 21,73 ca so với tuần trước, con số cao nhất kể từ khi bắt đầu công tác thống kê vào năm 1999.
Biểu đồ theo dõi số ca mắc cúm tại Nhật Bản trong tháng 12 phát triển theo phương thẳng đứng, cho thấy sự bất thường so với cùng thời điểm của nhiều năm trước.
Hầu hết các địa phương đều ghi nhận số ca mắc mới trong tuần cao hơn tuần trước và 43/47 tỉnh đã phát cảnh báo về bệnh cúm mùa, vốn được sử dụng khi số ca mắc cúm trung bình vượt quá 30 ca trên một cơ sở y tế - mức độ buộc phải đưa ra cảnh báo dịch bệnh khẩn cấp.
Trong đó, mật độ đông nhất là tại Ohita (phía Nam Nhật Bản), với 104,84 bệnh nhân. Thủ đô Tokyo cũng ở mức rất cao với mỗi cơ sở y tế phải tiếp nhận 56,52 bệnh nhân/tuần.
Tính lũy kế số ca mắc cúm tại Nhật Bản tính từ 2/9/2024 (thời điểm bắt đầu dịch cúm hàng năm) đến nay là 5,937 triệu ca.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản kêu gọi người dân cần thực hiện các biện pháp tự bảo vệ trước bệnh cúm, tránh lây lan ở cộng đồng như đeo khẩu trang, rửa tay sau khi đi ra ngoài…, cũng như chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa.
Trong khi đó, Bệnh viện nhi Shizuoka đã phát hiện một số trường hợp nhập viện với các triệu chứng bệnh liên quan đến não hoặc viêm phổi sau khi mắc cúm, thậm chí đã có ca tử vong ở trẻ em.
Theo ông Takayo Shoji, Trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện nhi Shizuoka, sở dĩ số ca mắc cúm mùa tăng cao có thể là do trong một thời gian dài xảy ra đại dịch COVID-19, bệnh cúm mùa không phát triển mạnh, khiến cơ thể con người không sản sinh ra kháng thể chống bệnh cúm, đặc biệt là đối với trẻ em.
Ông khuyến cáo, nếu trẻ mắc cúm, kèm theo các dấu hiệu như sốt cao, co giật, mặt tím tái hoặc khó thở, cần ngay lập tức đưa trẻ đến các trung tâm y tế, tránh những biến chứng nguy hiểm liên quan đến não và phổi.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình