Hotline 24/7
08983-08983

Sắp đồ đi sinh, mẹ bầu cần chuẩn bị những gì?

Câu hỏi

Em muốn tìm hiểu về dịch vụ sinh tại khoa đẻ tự nguyện D3 - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, vì em tìm hiểu trên các diễn đàn thì được biết ở đây tương đối vệ sinh, yên tâm cho các mẹ bầu. Vậy xin hỏi, chi phí sinh tại khoa này như thế nào? Nếu có nhu cầu làm xét nghiệm cho bé thì phát sinh ra sao? Những đồ dùng mà bệnh viện chuẩn bị cho mẹ bầu? Khi đi sinh em cần chuẩn bị những gì, nên và không nên mang theo những đồ dùng nào? Em có nhiều câu hỏi nhưng mong bác sĩ sẽ đọc và giải đáp giúp em. Em cảm ơn. (Vương Thị Phú Xuân - Hà Nội)

Trả lời
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chị Phú Xuân thân mến,

Theo AloBacsi tìm hiểu, nếu chị chọn sinh dịch vụ tại khoa D3 thì hành trang mang khi đi sinh em bé sẽ đỡ lỉnh khỉnh hơn. Tại khoa đẻ tự nguyện D3 - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chi phí sinh thường đơn thai là 10 triệu đồng, nếu đa thai thì nhỉnh hơn 3 triệu đồng. Sinh mổ đơn thai 11 triệu đồng, đa thai nhỉnh thêm 3 triệu đồng. Nếu chị có sử dụng dịch vụ giảm đau trong sinh thường thì chi phí 2 triệu đồng, giảm đau sau mổ lấy thai 48h là 3,5 triệu đồng.

Bên cạnh đó nếu mẹ có nhu cầu sàng lọc bệnh cho bé thì khoa cũng có cung cáp. Cụ thể sàng lọc thính lực từ 170.000 - 470.000 đồng, sàng lọc bệnh lý tim bẩm sinh khoảng 220.000 đồng, xét nghiệm sàng lọc 5 bệnh (suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận, Phenylketonuria, Galactosemia) 600.000 đồng, sàng lọc bệnh rối loạn chuyển hóa 850.000 đồng, khám tổng quát trước khi ra viện cho bé 250.000 đồng.

Những đồ dùng khoa đẻ dich vụ 3 sẽ chuẩn bị cho mẹ bầu:

- Váy áo sản phụ khi nằm tại viện
- Gia trải giường 1 chiếc
- Vỏ chăn 1 chiếc (mùa đông sẽ được mượn thêm ruột chăn)
- Vỏ gối - ruột gối 1 bộ
- Màn 1 chiếc
- Vỏ chăn sơ sinh 4 chiếc
- Áo sơ sinh 2 cái
- Tã sơ sinh 15 cái
- Ruột chăn sơ sinh : 1 cái (mùa đông)
- Chậu nhựa 1 chiếc
- Phích nước nóng 1 chiếc
- Móc nhựa treo quần áo 2 chiếc
- Giỏ nhựa đựng đồ sơ sinh 1 chiếc
- Bô dẹt : 1 chiếc
- Áo vàng dành cho người nhà 1 chiếc

Vậy mẹ cần chuẩn bị những gì?

- Giấy tờ cần thiết: các mẹ hãy bỏ tất cả những giấy tờ như: CMND, BHYT, kết quả sêu âm, xét nghiệm (từ tuần thứ 37 trở đi ) vào 1 chiếc cặp tài liệu trong và đặt vào trong túi đồ của mình. Đối với các mẹ có các vấn đề đặc biệt về sức khoẻ (mắc bệnh mãn tính, hoặc các bệnh nội, ngoại khoa đang điều trị) thì hãy cố gắng mang sổ khám bệnh hoặc các giấy tờ liên quan nhé. Nếu các em bé khi siêu âm ở các tuần thai phát hiện các dị tật như tim, giãn bể thận, giãn não thất, giãn quai ruột… mẹ hãy nhớ mang kết quả siêu âm.

- Quần áo của mẹ: 1 bộ, nên chọn bộ đồ cotton rộng rãi vì các mẹ sẽ chỉ mặc khi đi về thôi. Trong thời gian nằm bệnh viện phải mặc váy áo của bệnh viện. Nên đem theo 1,2 đôi tất (vớ).

- Quần áo của bé: Chăn vuông 1 cái, áo sơ sinh 1 cái, mũ thóp 1 cái, tất tay tất chân  2-3 bộ, quần dán bỉm 3-4 cái, tã chéo 1 cái, khăn sữa 10 chiếc. Không cần mang theo nhiều vì bé sẽ mặc chăn tã của bệnh viện.

- Bỉm của mẹ: Loại bỉm to chứ không phải băng vệ sinh.

- Bỉm hoặc tã giấy của em bé: 10 -20 chiếc.

- Khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng 1 bộ.

- Giấy ướt (khăn ướt): 1 gói , đây sẽ là trợ thủ đắc lực của các mẹ khi lau phân su hoặc phân thường cho các bé.

- Tăm bông sơ sinh: 1 hộp (gói). Các mẹ sẽ cần dùng khi lau ghèn mắt cho bé, thấm nước mũi của bé hoặc là vệ sinh vùng kín của bé.

- Phấn rôm và kem hăm tã của bé: 1 lọ (hộp). Các mẹ chỉ cần chuẩn bị 1 lọ nhỏ thôi, cái này sẽ giúp các mẹ 1 chút trong việc vệ sinh cho bé.

- Bánh ngọt, bánh mỳ hoặc sữa tươi: khi các mẹ ở trong các phòng như phòng theo dõi monitor hoặc phòng đẻ mà muốn ăn thì nên mang theo loại thực phẩm. Không nên uống các loại sữa tươi vị hoa quả vì rất dễ gây buồn nôn.

- Cốc nhựa 1 cái, mẹ nên mang loại có nắp đậy cho vệ sinh.

Sau khi làm các xét nghiệm của tuần thứ 37, mẹ nên chuẩn bị và sắp xếp gọn gàng, phòng trường hợp sẽ phải nhập viện sớm vì bất kỳ những lý do phát sinh, khi đó các mẹ sẽ chủ động hơn, chỉ cần xách đi thôi.

Các mẹ lưu ý những điểm sau:

Trước khi nhập viện các mẹ nên gỡ bỏ hết những đồ trang sức trên người bởi sẽ vướng víu và thật sự không cần thiết. Bệnh viện cũng là một chốn đông người, những thứ quý giá rất dễ bị đánh cắp. Một quy tắc quan trọng dành cho mẹ trong môi trường bệnh viện đó là gọn gàng, ngăn nắp, càng ít đồ càng tốt.

Tất cả những đồ vải như váy áo mẹ, chăn tã em bé, ga, vỏ gối, vỏ chăn, áo người nhà… mà bệnh viện cho mượn khi bẩn đều có thể đem đổi được.

- Tại D3, khu nhà D mỗi tầng đều có cây nước nóng và lạnh nên các mẹ không mang theo bình nước siêu tốc hay các thiết bị cắm điện khác, phòng tránh trường hợp cháy nổ, chập điện hoặc gây quá tải về điện cho bệnh viện.

- Tại D3 các phòng vệ sinh đều có sẵn giấy nên các mẹ không cần phải chuẩn bị giấy vệ sinh.

- Xà phòng và sữa tắm cho bé cũng không cần mang theo.

Chị và các mẹ bầu có thể liên hệ trực tiếp đến bệnh viện để được giải đáp thêm các thắc mắc:

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Số 929, đường La Thành, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội
Cấp cứu: 0243 8343181 - đặt khám: 0167 915 1515
Cơ sở 2: Số 38, Cảm Hội, Hai Bà Trưng, Hà Nội
ĐT: 0246 2785 746
Cơ sở 3: Số 10, Đường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội
ĐT: 0243 3512 424
Email: ttcssksshd@hanoi.gov.vn
Website: http://benhvienphusanhanoi.vn
Chúc chị mẹ tròn con vuông.

Trân trọng!

Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X