Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Rối loạn nhịp tim uống thuốc không đỡ, phải làm sao BS?
Câu hỏi
Xin chào bác sĩ! Em 25 tuổi, có triệu chứng tim đập nhanh kịch phát 190 nhịp/ phút. Em đi khám ở bệnh viện 115 kết quả không tổn thương về tim, không có bướu, nhưng bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn nhịp tim và điều trị bằng thuốc.
Dạo gần đây em hay lên cơn nhiều, khó thở, chóng mặt, em ngắt cơn tim bằng cách ấn nhãn cầu, nhưng cứ ngắt được 20 phút thì bị lại. Em rất lo lắng mong được bác sĩ tư vấn.
(Nguyễn Thị Ngọc Bích - Bichng...@gmail.com)
Trả lời
Rối loạn nhịp tim có thể điều trị bằng đốt điện sinh lý
Chào em,
Em có bệnh rối loạn nhịp tim, cụ thể là nhịp nhanh kịch phát trên thất, chứ không phải là không có bệnh gì về tim đâu. Việc kiểm tra ở bệnh viện 115, kết quả "em không tổn thương về tim, không có bướu" nghĩa là siêu âm tim không thấy em có bệnh lý tổn thương cấu trúc của tim (van tim, cơ tim) gây ra cơn nhịp nhanh này, cũng không có bệnh lý bướu giáp gây ra nhịp nhanh, chứ không có nghĩa là em không có bệnh ở tim.
Bình thường, Tim hoạt động nhịp nhàng được là nhờ sự phối hợp giữa hệ thống dẫn truyền điện tim và co bóp của cơ tim. Sau 1 nhát bóp, tim lại giãn ra để chứa đầy máu và chuẩn bị cho nhát bóp tiếp theo để đưa máu đi khắp cơ thể.
Quá trình này thực hiện được là nhờ sự dẫn truyền tín hiệu điện tim tuần tự từ nút xoang (được ví như máy tạo nhịp tự nhiên của cơ thể), xuống nút nhĩ thất xuống toàn bộ buồng trên, và cuối cùng là buồng dưới của tim.
Nhịp nhanh trên thất, hay còn gọi là cơn nhịp nhanh kịch trên thất, là một thuật ngữ rộng bao hàm nhiều loại rối loạn nhịp nhanh có cơ chế và nguồn gốc khác nhau nhưng nhìn chung là tình trạng tim đập quá nhanh nên không được bơm đầy máu. Nếu em đã uống thuốc kiểm soát cơn nhịp nhanh rồi mà nó vẫn xuất hiện thường xuyên, trong cơn có triệu chứng khó thở, chóng mặt và ấn nhãn cầu mà cắt được cơn ngắn thì chứng tỏ rối loạn nhịp nặng hơn rồi.
Trong trường hợp của em, việc khảo sát điện sinh lý tim để cắt đốt đường dẫn truyền phụ gây nhịp nhanh kịch phát trên thất là cần được đặt ra. Chi phí đốt điện sinh lý thường khá lớn, dao động trong khoảng 50 - 100 triệu đồng, tùy thuộc vào tình trạng bệnh và chính sách hỗ trợ của từng bệnh viện. Trường hợp có BHYT đúng tuyến hoặc chuyển tuyến, bệnh nhân được hỗ trợ chỉ khoảng 40 - 60% tổng chi phí mà thôi.
Với phương pháp có chi phí lớn như thế này, điều kiện tham gia BHYT phải đạt ít nhất 180 ngày. Em nên đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa nhịp tim học có thể xử lý đốt điện sinh lý tim để được kiểm tra và tư vấn hướng thực hiện chi tiết, em nhé.
Thân mến.
Mời tham khảo thêm:
>> Điều trị rối loạn nhịp tim bằng những phương pháp nào?
>> Chi phí đốt điện sinh lý rối loạn nhịp tim?
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình