Hotline 24/7
08983-08983

Phương tiện nào chẩn đoán mức độ đột quỵ và gợi ý thuốc điều trị?

Câu hỏi

Chúng tôi rất tâm đắc với những chia sẻ của TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Tổng thư ký Hội Đột Quỵ Việt Nam - Trưởng khoa Bệnh Lý Mạch Máu Não - BV Nhân dân 115, giải thích rõ ràng, dễ hiểu về đột quỵ và cách cấp cứu bệnh nhân đột quỵ. Xin hỏi thêm BS Thắng, có phương tiện nào để chẩn đoán mức độ nặng nhẹ của đột quỵ và gợi ý các loại thuốc điều trị? Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe BS.

Trả lời
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chào bạn,

Việc chẩn đoán chính xác và nhanh chóng phân loại đột quỵ (thiếu máu hay xuất huyết não), mức độ nặng, vị trí tổn thương của não bộ rất quan trọng để BS có thể lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp ngay khi bệnh nhân mới nhập viện.

Để hoàn tất chẩn đoán đột quỵ, một số thăm dò hình ảnh học sẽ được BS chỉ định thực hiện như:

Chụp điện toán cắt lớp não (CT scan)

Chụp điện toán cắt lớp não là thăm dò hình ảnh học được thầy thuốc chỉ định nhiều nhất và có thể được thực hiện nhiều lần thời gian bệnh nhân nằm viện để đánh giá tiến triển của bệnh. Chụp điện toán cắt lớp não cho phép chẩn đoán phân biệt nhanh chóng tình trạng xuất huyết não hay thiếu máu não.

Chụp cộng hưởng từ não (MRI)

Đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cao cấp, nó có thể giúp thầy thuốc chẩn đoán chính xác vị trí và mức độ tổn thương của não bộ. Chụp cộng hưởng từ não có thể chẩn đoán được các tình trạng thiếu máu não do tắc nghẽn các động mạch nhỏ mà có thể không phát hiện được bằng phương pháp chụp điện toán cắt lớp não.

Chụp mạch máu bằng kỹ thuật chụp điện toán cắt lớp não (CTA) và cộng hưởng từ não (MRA)

Hai kỹ thuật này cho phép khảo sát các động mạch quan trọng của não, và giúp chẩn đoán chính xác các tình trạng tắc nghẽn hay hẹp của các động mạch não.

Siêu âm động mạch cảnh

Siêu âm động mạch cảnh là một kỹ thuật không xâm phạm đến người bệnh, phương pháp này giúp khảo sát tình trạng tắc nghẽn/ hẹp do huyết khối hoặc mảng xơ vữa của động mạch cảnh và cột sống (đoạn cổ).

Siêu âm động mạch não nội sọ

Đây là một kỹ thuật mới được áp dụng tại Việt Nam, giúp khảo sát vận tốc dòng chảy tại các máu động mạch não nội sọ. Kỹ thuật này có thể được chỉ định nhiều lần để theo dõi diễn tiến của bệnh cũng như đánh giá kết quả điều trị.

Chụp X-quang ngực, điện tâm đồ (ECG), siêu âm tim

Các xét nghiệm này sẽ cung cấp thông tin về bệnh tim mạch, bao gồm nhịp tim không đều hoặc đau tim trước đó, đây cũng là yếu tố nguy cơ đột quỵ.

Xét nghiệm máu

Nhằm truy tìm những bệnh tiềm ẩn như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, chức năng đông máu...

Các thuốc điều trị trong Đột quỵ gồm:

- Thuốc ly giải huyết khối (Actilyse)

Đây là thuốc hiệu quả nhất trong điều trị đột quỵ thiếu máu cấp hiện nay.Thuốc ly giải huyết khối được Hoa Kỳ chấp thuận sử dụng từ năm 1996 trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp trong vòng 3 giờ đầu (kể từ lúc bắt đầu khởi phát triệu chứng).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, thuốc làm tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ. Nếu bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này càng sớm, khả năng thành công càng cao.

Do vậy, sau khi phát hiện các triệu chứng của đột quỵ, bệnh nhân cần được đưa đến các cơ sở y tế có khả năng điều trị bằng phương pháp này càng sớm càng tốt, tránh giữ bệnh nhân tại nhà vì bất kỳ lý do gì.

Thuốc ly giải huyết khối có thể sử dụng qua đường truyền tĩnh mạch hoặc bơm thuốc trực tiếp vào cục huyết khối qua động mạch. Thuốc được bắt đầu sử dụng tại Việt Nam từ năm 2005.  Khoa Bệnh Lý Mạch Máu Não, BV Nhân Dân 115 là nơi có tỷ lệ bệnh nhân được sử dụng thuốc ly giải huyết khối nhiều nhất hiện nay (trên 100 trường hợp), và là đơn vị đầu tiên trong cả nước sử dụng thuốc qua đường động mạch.

Kết quả thu được rất khả quan, giúp nhiều người bệnh tránh được cuộc sống tàn phế do đột quỵ. Tuy vậy, thuốc có thể gây xuất huyết não ở một số ít bệnh nhân (khoảng 6%). Quyết định sử dụng thuốc sẽ phụ thuộc vào sự đánh giá tình trạng bệnh của thầy thuốc và ý kiến của gia đình bệnh nhân.

- Thuốc chống kết tập tiểu cầu  

Đối với bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não nhập viện trễ, vượt quá thời gian có thể điều trị bằng thuốc ly giải huyết khối, thông thường sẽ được sử dụng ngay các thuốc chống kết tập tiểu cầu để dự phòng đột quỵ tái phát. Hiện nay có 3 loại thuốc được chỉ định nhiều nhất:

  1. Aspirin

Là thuốc được sử dụng nhiều nhất

Ưu điểm: rẻ tiền

Khuyết điểm: có thể có tác dụng phụ trên dạ dày, rất thận trọng khi sử dụng ở bệnh nhân có tiền sử loét hay xuất huyết dạ dày trước đó

  1. Clopidogrel (Plavix)

Ưu điểm: có hiệu quả hơn Aspirin trong phòng ngừa đột quỵ và các bệnh tim mạch, ít có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.

Khuyết điểm: đắt tiền

  1. Thuốc phối hợp Aspirin và Dypirydamol (Aggrenox)

Ưu điểm: có hiệu quả rõ rệt hơn so với aspirin

Khuyết điểm: mặc dù hàm lượng aspirin trong aggrenox rất thấp (50mg/ ngày), tuy  nhiên thuốc vẫn có thể có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Ngoài ra thuốc có thể gây đau đầu, và buồn nôn trong 5-7 ngày đầu tiên sử dụng thuốc, các triêu chứng này sẽ giảm bớt khi sử dụng liều thấp trong tuần đầu (có thể kèm với thuốc giảm đau)

- Thuốc kháng đông

Thuốc kháng đông có thể sử dụng bằng đường uống, tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch. Thuốc có tác dụng trong việc phòng ngừa huyết khối gây lấp mạch não (thường có nguyên nhân từ tim), hoặc được chỉ định để điều trị và phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc động mạch phổi.

- Thuốc điều trị rối loạn lipid máu

Việc sử dụng lâu dài các loại thuốc điều trị rối loạn lipid máu nhóm statin được chỉ định cho hầu hết các bệnh nhân đột quỵ có liên quan đến xơ vữa mạch máu. Theo nghiên cứu SPACL, sử dụng artovastatin (Lipitor) liều cao có thể làm giảm 16% nguy cơ đột quỵ tái phát trong 5 năm.

Phòng ngừa các biến chứng thường gặp sau đột quỵ

- Loét da do bất động

Rất thường gặp ở các bệnh nhân bị liệt nặng hoặc hôn mê sau đột quỵ. Việc thay đổi tư thế nằm của bệnh nhân thường xuyên (mỗi 1-2 giờ) và sử dụng các loại nệm có bơm hơi có tác dụng tốt trong việc hạn chế biến chứng này.

Sử dụng nệm hơi và các vật lót mềm tại các phần da thường xuyên bị tiếp xúc giúp hạn chế biến chứng loét da do bất động
Sử dụng nệm hơi và các vật lót mềm tại các phần da thường xuyên bị tiếp xúc
giúp hạn chế biến chứng loét da do bất động

- Viêm phổi do hít sặc

Là nguyên nhân có thể gây tử vong sau đột quỵ. Thường gặp ở các bệnh nhân bị hôn mê, hoặc mất chức năng nuốt. Sau khi đánh giá chức năng nuốt, thầy thuốc có thể chỉ định đặt ống nuôi ăn khi cần thiết. Đối với các bệnh nhân bị rối loạn chức nuốt lâu dài, việc mở dạ dày ra da để đưa thức ăn trực tiếp qua ống qua thành bụng vào dạ dày có tác dụng hạn chế nguy cơ viêm phổi do hít sặc với độ an toàn cao. 

Kỹ thuật mở dà dày ra da có thể làm giảm nguy cơ viêm phổi do hít sặc
Kỹ thuật mở dà dày ra da có thể làm giảm nguy cơ viêm phổi do hít sặc

TS. BS Nguyễn Huy Thắng, Tổng thư ký Hội Đột Quỵ Việt Nam
Trưởng khoa Bệnh Lý Mạch Máu Não - BV Nhân dân 115

(Bài liên quanLàm sao nhận biết đột quỵ và cách cấp cứu thế nào, AloBacsi ơi?

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X