Hotline 24/7
08983-08983

Phẫu thuật đứt dây chằng chéo trước: phương pháp, chi phí và chuẩn bị ra sao?

Câu hỏi

Trong các phương pháp phẫu thuật đứt dây chằng chéo trước nên chọn phương pháp nào để nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường? Chi phí của từng phương pháp khi phẫu thuật là bao nhiêu? Tôi cần chuẩn bị những gì trước và sau khi phẫu thuật để quá trình phục hồi được thuận lợi?

Trả lời

Bạn thân mến,

Nếu người bị đứt dây chằng chéo trước không được điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng này sẽ khiến cho những tổn thương ở khớp gối của người bệnh ngày một nghiêm trọng hơn. Không những vậy, điều này có thể dẫn đến một số biến chứng kéo dài.

Có rất nhiều phương pháp để điều trị phục hồi hay nối dây chằng chéo trước

- Dùng thuốc giảm đau: Những loại thuốc giảm đau có tác dụng chống viêm sẽ giúp người bệnh giảm đau và sưng khi dính chấn thương hiệu quả. Trong trường hợp cơn đau của người bệnh quá dữ dội, bác sĩ có thể tiến hành chỉ định tiêm steroid vào đầu gối. Tuy nhiên nếu lạm dụng hoặc dùng thuốc sai cách có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, bạn không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị.

- Phẫu thuật dây chằng chéo trước: Ưu điểm của kỹ thuật nội soi dây chằng chéo trước là đảm bảo tính chính xác cao trong quá trình phẫu thuật viên thao tác; Gân xương nhanh liền, vết mổ không chảy máu; Giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân trong và sau phẫu thuật; Người bệnh nhanh hồi phục và không mất quá nhiều công chăm sóc; Tiết kiệm chi phí nhờ rút ngắn thời gian nằm viện; Sớm bắt đầu chương trình vật lý trị liệu để người bệnh được tái vận động.

Chi phí phẫu thuật đứt dây chằng chéo trước

Tái tạo dây chằng chéo trước chi phí từ 30-45 triệu (tùy thuộc vào những cơ sở y tế thực hiện phẫu thuật).

Nếu bệnh nhân có BHYT, chi phí mổ đứt dây chằng chéo trước có mức ưu đãi theo loại thẻ mà bệnh nhân có. Các đối tượng được miễn giảm 100% chi phí khi thực hiện mổ đứt dây chằng chéo trước là trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, công an, quân đội, lực lượng cơ yếu. Một số trường hợp được miễn giảm 100% nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu hoặc được miễn giảm là 95% hoặc 80%. Trường hợp có bảo hiểm trái tuyến, chi phí thực hiện mổ dây chằng trước được ưu đãi khoảng 60% của mức ưu đãi đúng tuyến.

Để có phương án điều trị cụ thể, đảm bảo ca phẫu thuật đứt dây chằng chéo trước diễn ra an toàn, thành công người bệnh nên điều trị tại các bệnh viện lớn như bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm chấn thương chỉnh hình TPHCM,…

Chuẩn bị trước phẫu thuật

Bạn nên trao đổi với bác sĩ để biết được những thông tin quan trọng nhất có liên quan như phương án gây tê/gây mê, giảm đau, tiền sử bệnh và việc dùng thuốc hiện tại (nếu có). Nhịn ăn uống theo yêu cầu của bác sĩ để đảm bảo quá trình phẫu thuật diễn ra suôn sẻ

Đến bệnh viện đúng lịch hẹn để đánh giá tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng được việc phẫu thuật, xem xét các vật liệu có thể sử dụng trong phẫu thuật. Tuy phẫu thuật nội soi dây chằng chéo trước không quá phức tạp, nhưng vào ngày hôm trước bạn nên nghỉ ngơi thật tốt để đảm bảo sức khỏe cho ca mổ. Bên cạnh đó, nên sắp xếp người chăm sóc và hỗ trợ bạn di chuyển trong những ngày đầu vết thương chưa lành hẳn.

Chăm sóc và phục hồi sau phẫu thuật

Bệnh nhân sau mổ từ 2-3 ngày có thể xuất viện. Ngoài ra, phải mang nẹp, đi nạng 10-12 tuần, sau 3-4 tháng bạn có thể đi lại tương đối bình thường, tuy nhiên, quá trình luyện tập sau mổ kéo dài hàng năm.

Sau khi phẫu thuật dây chằng, hầu hết bệnh nhân đều bị sưng quanh đầu gối. Hiện tượng này là bình thường. Tuy nhiên, nếu vị trí phẫu thuật bị chảy máu hay đau nhiều ở giai đoạn hậu phẫu, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được kiểm tra.

Để hỗ trợ cho việc phục hồi sau phẫu thuật tốt hơn, bạn nên chú ý một số chi tiết sau: 

- Dinh dưỡng: Xây dựng một thực đơn cân bằng 4 nhóm chất dinh dưỡng chủ yếu. Bên cạnh đó, đừng quên tăng cường: Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất (rau xanh, trái cây tươi để hỗ trợ hấp thu và vận chuyển các chất dinh dưỡng hiệu quả); Thực phẩm giàu đạm có nguồn gốc từ động vật và thực vật (thịt cá, hải sản, ngũ cốc,… để vết thương nhanh lành); Thực phẩm giàu canxi (sữa và các chế phẩm từ sữa để bổ sung chất dinh dưỡng giúp cho xương khớp chắc khỏe); Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (trái cây họ cam quýt, tỏi,… giúp vết thương nhanh lành, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng).

- Tập luyện: Phẫu thuật không phải là đã hoàn tất quá trình điều trị. Vì thế, sau mổ bạn vẫn cần phải duy trì việc tập luyện đúng cách và đúng cường độ để khớp gối hoạt động linh hoạt trở lại. Bên cạnh đó, người được mổ nội soi khớp còn có một số nguy cơ như huyết khối tĩnh mạch sâu, tổn thương ngẫu nhiên trong khớp gối, tổn thương dây thần kinh hay lỏng gối,… Tuy nhiên, không nên tự ý tập tại nhà, cần có ý kiến của bác sĩ về thời gian bắt đầu được tập, cường độ tập, các bài tập cụ thể. Đặc biệt, chú ý nguyên tắc tập từ chậm đến nhanh, từ nhẹ đến mạnh, từ ít đến nhiều,… để khớp gối có thời gian làm quen và không tái chấn thương sau phẫu thuật.      

- Sinh hoạt: Tránh vận động với tần suất mạnh, tránh gập duỗi gối nhiều; Không tự ý tháo nẹp cố định khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ; Đi lại vừa đủ để cơ thể thư giãn, tránh teo cơ nhưng cũng không nên đi quá nhiều; Tránh các chất kích thích, rượu bia để cơ thể nhanh hồi phục; Thu xếp công việc để giảm bớt áp lực và tập trung cho việc nghỉ ngơi.

Trân trọng!

Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X