Hotline 24/7
08983-08983

Dị ứng nặng sau khi dùng kem trị mụn “từ thiên nhiên” quảng cáo trên TikTok

Một nữ sinh viên tại Hà Nội đã phải nhập viện trong tình trạng viêm da cấp, mặt sưng phù và tổn thương sâu chỉ sau 3 ngày sử dụng kem trị mụn không rõ nguồn gốc, được quảng cáo là “thảo dược thiên nhiên, an toàn tuyệt đối” trên TikTok.

Nạn nhân là M.T.P., 22 tuổi, đang học tại một trường đại học ở Hà Nội. Theo thông tin ghi nhận, P. thường xuyên theo dõi các nội dung làm đẹp trên nền tảng TikTok và quyết định mua một loại kem trị mụn được quảng bá là chiết xuất từ nghệ, tràm trà và nha đam. Sản phẩm được giới thiệu phù hợp cho cả làn da nhạy cảm, không chứa corticoid và không gây kích ứng.

Ngay trong lần sử dụng đầu tiên vào buổi tối, P. cảm nhận được cảm giác châm chích nhẹ nhưng vẫn tiếp tục dùng vì nghĩ đó là phản ứng bình thường. Tuy nhiên, chỉ sau ba ngày, tình trạng da nhanh chóng xấu đi với biểu hiện đỏ ửng, nổi mụn nước li ti và ngứa rát vùng cổ, quai hàm. Dù đã ngưng sử dụng, tổn thương vẫn lan rộng và nghiêm trọng hơn, khiến bệnh nhân phải nhập viện khẩn cấp.

Vùng da mặt của bệnh nhân sau thời gian dùng sản phẩm “thảo dược thiên nhiên” được nhiều người quảng cáo (Ảnh: BSCC)

Trực tiếp thăm khám, điều trị cho trường hợp trên, BS.CK2 Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc cấp tính do phản ứng mạnh với một hoặc nhiều thành phần trong sản phẩm. Khuôn mặt, vùng cổ và tay đều bị sưng tấy, rỉ dịch - dấu hiệu cho thấy tổn thương sâu đến lớp biểu bì. Theo các chuyên gia da liễu, tình trạng này có thể dẫn đến mất sắc tố da, sẹo thâm hoặc sẹo vĩnh viễn nếu không được điều trị đúng cách.

Bệnh nhân hiện đang được điều trị bằng thuốc chống viêm, chống dị ứng kết hợp với kem phục hồi da chuyên biệt. Sau 5 ngày, các triệu chứng bước đầu thuyên giảm nhưng cần tiếp tục theo dõi trong vài tuần tới để tránh biến chứng lâu dài.

Các bác sĩ cảnh báo, những loại mỹ phẩm gắn mác “thiên nhiên” nhưng không rõ nguồn gốc, không kiểm nghiệm thành phần rất dễ gây nguy hại cho làn da. Không ít sản phẩm dù quảng cáo chiết xuất từ dược liệu nhưng thực chất có thể chứa hóa chất mạnh hoặc trộn corticoid nhằm tạo hiệu quả nhanh. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi người dùng chủ quan, không kiểm tra kỹ thành phần hoặc tiếp tục sử dụng sản phẩm dù đã có dấu hiệu kích ứng.

Tình trạng người trẻ gặp biến chứng vì mỹ phẩm trôi nổi, “review” sai lệch trên mạng xã hội đang có xu hướng gia tăng. Chỉ với một video lan truyền, các sản phẩm không kiểm định đã có thể bán hàng nghìn đơn mỗi ngày, bất chấp nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe người tiêu dùng.

Các chuyên gia khuyến nghị người dùng cần thận trọng khi chọn mua mỹ phẩm, đặc biệt là sản phẩm bôi trực tiếp lên mặt. Trước khi sử dụng, nên thử trước ở vùng da nhỏ như cổ tay hoặc sau tai. Nếu có biểu hiện mẩn đỏ, ngứa rát hoặc châm chích, cần ngưng ngay và rửa sạch với nước muối sinh lý, đồng thời đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

Một sản phẩm dù được quảng bá rầm rộ, gắn mác “thiên nhiên” hay “an toàn tuyệt đối” cũng không thể thay thế cho việc kiểm định chất lượng từ cơ quan y tế. Trong lĩnh vực chăm sóc da, sự nhẹ dạ có thể phải trả giá bằng chính làn da và sức khỏe lâu dài.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X