Để điều trị rối loạn tiền đình, trước hết phải giải quyết cơn chóng mặt cho bệnh nhân
Người bị rối loạn tiền đình thường xuyên có các cơn đau đầu gây cản trở đến khả năng tập trung khi làm việc, hệ lụy là số lượng và chất lượng công việc bị suy giảm. Hiểu được những bất tiện ấy, phần trình bày của BS.CK1 Trương Thị Trang - Chuyên khoa Nội Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh trong buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân ngày 18/8/2024 đã cung cấp những thông tin cơ bản để cộng đồng nhận diện và hiểu rõ mức độ nguy hiểm mà rối loạn tiền đình gây ra.
Các triệu chứng cảnh báo rối loạn tiền đình
Tiền đình gồm hệ thống tiền định ngoại biên và hệ thống tiền đình trung ương, là cơ quan có chức năng giữ thăng bằng cho cơ thể. BS.CK1 Trương Thị Trang lý giải, rối loạn tiền đình có một triệu chứng rất thường gặp là chóng mặt.
Chóng mặt trong rối loạn tiền đình là cảm giác mất thăng bằng hoặc mất kiểm soát không gian xung quanh, cảm thấy bản thân đang xoay vòng, lảo đảo với mọi vật xung quanh hoặc ngược lại. Triệu chứng chóng mặt xuất hiện đột ngột, nhất là khi thay đổi tư thế hoặc xoay đầu. Ngoài chóng mặt, bệnh nhân còn có thêm các triệu chứng buồn nôn, nôn, ù tai, vã mồ hôi, đi lại không vững...
Một triệu chứng khác của rối loạn tiền đình là choáng váng. Cảm giác lâng lâng, không có sức lực khiến người bệnh bị ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần, không thể hoạt động gì được.
Người bệnh cảm thấy tối sầm mặt, không nhìn rõ được sự vật trước mắt. Tình huống này có thể kéo dài vài giây đến vài phút, khiến họ cảm thấy như sắp bị ngất. Hoa mắt xuất hiện khi thay đổi tư thế đột ngột. Hoa mắt thường gặp ở những bệnh nhân rối loạn tim mạch có kèm thiếu máu hoặc các bệnh lý về tim mạch như tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim...
Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?
BS.CK1 Trương Thị Trang cho biết, chóng mặt có thể gây khó chịu cho người bệnh nhưng không phải tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, chóng mặt làm gia tăng nguy cơ té ngã dẫn đến chấn thương.
Chóng mặt còn là một trong những dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý toàn thân như tim mạch, hạ đường huyết, tổn thương não...
Rối loạn tiền đình ngoại biên chiếm từ 90-95% các trường hợp rối loạn tiền đình. Nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến tình trạng này là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Bệnh nhân đột ngột bị chóng mặt do sỏi tai bị lạc vị trí. Các nguyên nhân khác bao gồm viêm tai giữa cấp, bệnh Ménière, viêm thần kinh tiền đình, u dây thần kinh tiền đình...
Đột quỵ não là nguyên nhân phổ biến gây rối loạn tiền đình trung ương. Sau đó phải kể đến chấn thương tạo nên những khối máu tụ trong đầu, viêm não - màng não, u não, migraine tiền đình...
BS.CK1 Trương Thị Trang trấn an, bệnh nhân không cần quá lo lắng về những nguy cơ tai biến. Dù chóng mặt, mất thăng bằng được cảnh báo là một trong những dấu hiệu sớm của đột quỵ nhưng tỷ lệ khá thấp. Do vậy, chóng mặt thường do rối loạn tiền đình ngoại biên nhiều hơn và đa phần không gây nguy hiểm.
Các phương pháp chẩn đoán rối loạn tiền đình
Khi triệu chứng chóng mặt xuất hiện liên tục, kéo dài hàng tuần, hàng tháng liền, kèm theo lảo đảo, bước đi không vững, bệnh nhân cần phải đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Chóng mặt kèm các triệu chứng ngất xỉu; đau đầu đột ngột và dữ dội; nôn liên tục; co giật; nói nhảm, nói lắp; tê hoặc yếu mặt, tay, chân; đi lại khó khăn; nhìn đôi; ù tai, giảm thính lực; đau tức ngực; khó thở; nhịp tim nhanh, không đều cũng là các dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân cần được thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác tình trạng rối loạn tiền đình trung ương hay ngoại biên.
“Nếu chóng mặt kèm theo các triệu chứng đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh... rất có thể bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cần đi khám để xác định rõ những vấn đề liên quan” - BS.CK1 Trương Thị Trang cảnh báo.
Các nghiệm pháp khám để chẩn đoán rối loạn tiền đình sẽ dựa vào độ tuổi, bệnh nền và đặc điểm của những cơn chóng mặt. Xét nghiệm cận lâm sàng cơ bản thường được thực hiện là xét nghiệm máu và điện tim. Ngoài ra còn có siêu âm hệ mạch cảnh đốt sống để xác định mảng xơ vữa, bóc tách động mạch gây hẹp mạch, tắc mạch... Chụp CT scan sọ não và MRI sọ não cũng có thể được áp dụng để phát hiện những tổn thương ở não.
Phòng ngừa và điều trị rối loạn tiền đình
BS.CK1 Trương Thị Trang giải thích: “Điều trị rối loạn tiền đình trước tiên là giải quyết cơn chóng mặt cho bệnh nhân, sau đó mới tìm kiếm nguyên nhân để đưa ra phương hướng điều trị hợp lý”.
Khi có cơn chóng mặt, bệnh nhân cần tránh cử động hay thay đổi tư thế đột ngột và tránh các kích thích tâm lý. Bệnh nhân nên được nghỉ ngơi ở một nơi tối, yên tĩnh, không tự đi lại xa hay làm việc nặng. Về dinh dưỡng, người bệnh nên kiêng bột ngọt rượu bia, cafein, cola... Có thể sử dụng thuốc để cắt cơn chóng mặt, thuốc chống nôn, thuốc an thần.
Khi bệnh nhân có bệnh lý nào khác, bác sĩ phải nhận định được trường hợp này có phải rối loạn tiền đình nguyên nhân trung ương hay không vì đa phần các ca nguyên nhân trung ương đều nguy hiểm.
Để phòng ngừa rối loạn tiền đình, BS.CK1 Trương Thị Trang khuyên người bệnh thực hiện 6 việc sau:
1. Uống đủ nước, ăn đủ chất
2. Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi điều độ
3. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và giữ cân nặng hợp lý
4. Không thay đổi tư thế đột ngột
5. Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
6. Khám sức khỏe định kỳ.
Bên cạnh đó, các yếu tố căng thẳng và chất kích thích cũng là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiền đình. Do vậy, để phòng ngừa căn bệnh này, người dân cần tránh xa rượu bia, thuốc lá, hạn chế uống quá nhiều cà phê và suy nghĩ lạc quan, tránh nóng giận, lo âu, phiền muộn.
Với những người có nguy cơ bị rối loạn tiền đình do nguyên nhân trung ương, bác sĩ khuyên nên kiểm soát tốt huyết áp, điều chỉnh mỡ máu, ổn định đường huyết. Song song đó, người bệnh phải tuân thủ điều trị bệnh lý nền và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
“Rối loạn tiền đình là một bệnh lý gây nhiều bất tiện cho cuộc sống. Quan trọng nhất là xác định được nguyên nhân gây bệnh mới có thể đưa ra phương pháp điều trị thích hợp” - BS.CK1 Trương Thị Trang kết luận.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình