Hotline 24/7
08983-08983

Dạy con sau ly hôn

Đằng sau sự tan vỡ của không ít cặp vợ chồng, tương lai của những đứa trẻ có thể tan vỡ theo bởi cách xử lý không thỏa đáng của bố mẹ.

Khi bố mẹ là nguyên nhân

Minh Hằng (36 tuổi, nhân viên văn phòng ở Q.1, TP.HCM) kể với cô bạn đồng nghiệp rằng sau khi ly dị chồng, chị không tài nào dạy được đứa con trai 10 tuổi. Cháu thường khóa kín cửa phòng, ăn ngủ thất thường, mẹ gọi cũng không chịu thưa đáp, chỉ làm mọi việc theo ý mình. Tệ hơn là học lực của cháu sụt giảm trầm trọng, chị thường xuyên bị cô giáo mời do con đổi chứng “thích” đánh bạn. Tìm hiểu nguồn cơn, Minh Hằng mới hiểu rằng con mình bị mặc cảm và chán chường bởi “bố bỏ hai mẹ con đi theo gái” như lời chị vẫn thường nói với con khi chì chiết về chồng.

Do công việc kinh doanh quá bận rộn và thường xuyên đi công tác xa, anh Trung Hiếu (45 tuổi, ở Hà Nội) không có nhiều thời gian đến thăm cô con gái đang học cấp hai sống cùng mẹ sau khi vợ chồng anh ly dị. Nhiều lúc bé Thu Hương con anh đã khóc hết nước mắt vì chờ bố tới dự sinh nhật hoặc tới dự lễ trao bằng khen ở trường như đã hứa mà anh không tới. Để bù đắp, anh gửi cho con khá nhiều tiền và luôn đáp ứng yêu cầu của con như sắm điện thoại di động, quần áo hàng hiệu… Dần dà do thiếu sự chăm sóc và gần gũi của bố, Thu Hương mặc nhiên nghĩ rằng bố mình phải có nghĩa vụ bù đắp sự thiếu hụt tinh thần cho con bằng sự thỏa mãn về vật chất. Quà và tiền được gửi tới càng nhiều, thường xuyên, càng chứng tỏ bố vẫn yêu quý mình. Cô bé đã dần dần coi vật chất là thước đo tình cảm của bố.

Ảnh: Shutterstock
 
Một số bậc phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả sau khi chia tay nhau cũng thường xuyên bù đắp cho con cái bằng vật chất. Không ít những đứa trẻ này đã không làm chủ được mình khi thường xuyên có tiền trong túi, dễ sa ngã hoặc bị một số bạn xấu lôi kéo.

Một blogger có tên Ngọc Linh ở Thanh Hóa từng viết những lời lẽ rất buồn thảm trên blog cá nhân, thậm chí còn tiết lộ ý định tự tử do quá chán chường chuyện gia đình. Cô bé này cho biết cô luôn cảm thấy mình là kẻ thừa sau khi bố mẹ ly dị. Quá chán nản vào cuộc hôn nhân đổ vỡ, mẹ của Ngọc Linh đã lấy chồng mới ngay lập tức và bỏ ra nước ngoài sinh sống. Bố cô nuôi con gái và cũng lập gia đình mới sau đó không lâu nhưng không tâm lý, thường xuyên trách mắng cô trước mặt mẹ kế. Tình hình càng căng thẳng hơn khi Ngọc Linh không may làm đứa em cùng cha khác mẹ bị ngã sưng đầu trong lúc được giao trông em. Cô đã bị bố mình tát tai trong khi mẹ kế khóc lóc.

Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn dằn lòng đóng kịch bố mẹ vẫn hạnh phúc trước mặt các con để che giấu những vết rạn trong hôn nhân. Thế nhưng việc che giấu đó có được lâu dài và liệu nó sẽ có tác dụng ngược khi mọi việc bị lộ? Liệu đứa trẻ có cảm giác bị chính người thân phản bội hay không? Nghẹt thở và trầm cảm bởi phải sống trong một môi trường gia đình giả dối, bố mẹ đóng kịch hạnh phúc trong khi mỗi người đều có những người mới... là tâm trạng của không ít đứa trẻ.

Đừng trút sai lầm của mình lên trẻ

Làm thế nào để con mình vẫn phát triển tâm sinh lý bình thường sau khi bố mẹ đã ly dị là băn khoăn của nhiều cặp vợ chồng. Các bậc phụ huynh nên chú ý tránh mọi cuộc cãi cọ, mạt sát nhau trước mặt con. Đặc biệt dù không hài lòng về nhau sau khi ly hôn, bố hoặc mẹ cũng không nên nói xấu về bạn đời cũ với con, tránh để lại ấn tượng xấu cho con mình về bố (hoặc mẹ).

Trước khi thấy sự tan vỡ hôn nhân là không thể cứu vãn, bố mẹ cần có thời gian chia sẻ, giải thích cho con cái hiểu và chấp nhận sự thật về việc bố mẹ đã hết tình cảm và không thể sống chung với nhau. Đồng thời cũng cần khẳng định và chứng tỏ cho các con hiểu rõ rằng bố mẹ không bao giờ hết tình cảm với con cái, đều cùng có trách nhiệm với con cái và luôn xuất hiện trong cuộc sống của các con.

Hãy học tập cách ứng xử văn minh, tôn trọng bạn đời cũ, tạo điều kiện cho họ cùng mình chăm sóc con cái, đưa con đi chơi, đi xem phim, đưa đón con đi học hằng tuần... Đặc biệt, tuyệt đối không dùng tiền bạc, vật chất để bù đắp cho những thiếu hụt tình cảm của con. Không nên đổ lỗi những sai lầm trong hôn nhân của mình lên con cái, luôn sát cánh bên con, giúp con tự tin bước vào đời mà không bị mặc cảm vì việc thiếu hụt bố hoặc mẹ.

 
Theo Ngọc Bi - Thanh Niên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X