Hotline 24/7
08983-08983

Đậu mùa khỉ đang hoành hành ở châu Phi nguy hiểm thế nào?

Ngày 14/8/2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vì bệnh đậu mùa khỉ (mpox) ở châu Phi. Vậy căn bệnh này nguy hiểm như thế nào, tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay có gì khác so với năm 2022?

Đậu mùa khỉ là gì?

Đậu mùa khỉ hay mpox, lần đầu tiên được các nhà khoa học xác định vào năm 1958 khi có các đợt bùng phát của một loại bệnh "giống đậu mùa" ở khỉ. Nguyên nhân gây bệnh đậu mùa khỉ do virus đậu mùa khỉ thuộc giống Orthopoxvirus trong họ Poxviridae. Virus này có 2 chủng chính là Congo và Tây Phi. Chủng Congo thường gây bệnh nặng hơn, với tỷ lệ tử vong khoảng 10%, trong khi chủng Tây Phi là khoảng 1%.

Vào năm 2022, virus này được xác nhận lây lan qua đường tình dục lần đầu tiên và gây ra các đợt bùng phát ở hơn 70 quốc gia chưa từng báo cáo mpox trước đó.

Mpox thuộc cùng họ virus với bệnh đậu mùa nhưng gây ra các triệu chứng nhẹ hơn như sốt, ớn lạnh và đau nhức cơ thể. Những người mắc bệnh nặng hơn có thể phát triển các tổn thương trên mặt, tay, ngực và bộ phận sinh dục.

Bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường nào?

Người lành có thể nhiễm virus đậu mùa khỉ thông qua 3 con đường chính: Một là, virus đậu mùa khỉ xâm nhập vào cơ thể qua các tổn thương (vết cắn hoặc vết xước) của động vật mang virus. Hai là, ăn thịt chưa nấu chín kỹ và sử dụng các sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh. Ba là, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc chạm vào giường, quần áo bị ô nhiễm.

Theo WHO, các đợt bùng phát gần đây là tương đối hiếm gặp do bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan tại một số quốc gia nơi virus không lưu hành thường xuyên. Vì vậy, các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc của các ca nhiễm để xem virus hiện nay có thay đổi về mặt di truyền hay không.

Điểm khác biệt của tình hình đậu mùa khỉ so với dịch năm 2022

Trong đợt bùng phát mpox toàn cầu năm 2022, nam giới đồng tính chiếm phần lớn các ca mắc và virus chủ yếu lây lan qua tiếp xúc gần gũi, bao gồm cả quan hệ tình dục.

Từ đầu năm 2022 đến nay, châu Phi ghi nhận hơn 38.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ và hơn 1.450 ca tử vong, phần lớn xuất hiện tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Các nước láng giềng gồm Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda hồi tháng 7 vừa qua đã lần đầu ghi nhận các ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. 

Greg Ramm, Giám đốc Save the Children tại Cộng hòa Dân chủ Congo, cho biết tổ chức này đặc biệt lo ngại về sự lây lan của mpox trong các trại tị nạn đông đúc ở phía Đông, lưu ý rằng có 345.000 trẻ em "chen chúc trong các lều trại trong điều kiện không vệ sinh." Ông nói rằng hệ thống y tế của đất nước đã "sụp đổ" dưới gánh nặng của suy dinh dưỡng, sởi và bệnh tả.

Các chuyên gia cho biết vẫn chưa rõ tại sao trẻ em lại là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Cộng hòa Dân chủ Congo, song phỏng đoán trẻ em dễ bị nhiễm virus hơn hoặc do các yếu tố xã hội như quá đông đúc và tiếp xúc với cha mẹ mắc bệnh.

Thêm vào đó, tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế Save the Children cho biết, sự giống nhau giữa một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ với các bệnh thông thường khác ở trẻ em - chẳng hạn như ghẻ và thủy đậu - có thể dẫn đến việc phát hiện và điều trị muộn, làm tăng khả năng lây truyền bệnh.

Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đậu mùa khỉ ở Cộng hòa Dân chủ Congo

Làm thế nào để ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ?

Đợt bùng phát mpox năm 2022 ở hàng chục quốc gia phần lớn đã được kiểm soát bằng việc sử dụng vắc xin và điều trị ở các nước giàu, cùng với việc thuyết phục mọi người tránh các hành vi rủi ro. Nhưng hầu như không có vắc xin hoặc phương pháp điều trị nào có sẵn ở Châu Phi.

Nhân loại đã xóa sổ bệnh đậu mùa vào năm 1980 bằng chương trình tiêm chủng hiệu quả. Riêng bệnh đậu mùa khỉ hiện chưa có vắc xin đặc trị. Tuy nhiên, vắc xin phòng bệnh đậu mùa có hiệu quả tới 85% trong tiêu diệt virus bệnh đậu mùa khỉ. Tiêm vắc xin đậu mùa được xem là cách hiệu quả, đơn giản nhất ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Hiện một số nước đang tái khởi động tiêm vắc xin đậu mùa cho nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao phơi nhiễm. 

Cộng hòa Dân chủ Congo cho biết họ đang đàm phán với các nhà tài trợ về khả năng quyên góp vắc xin và đã nhận được một số hỗ trợ tài chính từ Anh và Mỹ. Trong khi đó, WHO cho biết đã giải ngân 1,45 triệu USD từ quỹ khẩn cấp để hỗ trợ ứng phó với mpox ở Châu Phi.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X