Hotline 24/7
08983-08983

Công nghệ mới phát hiện đặc sản... "rởm"

Kỹ thuật phân tích chuỗi gene giúp tìm ra 20-25% các loại hải sản trong siêu thị và nhà hàng bị cố tình ghi nhãn sai.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học ở Bắc Mỹ và châu Âu, những loại cá rẻ tiền được ghi thành cá đắt tiền, cá đang khan hiếm do đánh bắt quá mức bị ghi thành loại cá đang dồi dào. Ví dụ, cá cam được ghi là cá nục heo. Cá perch sông Nile được ghi thành cá mập, cá rô phi lại được ghi là hải sản.

Các nhà khoa học và hoạt động môi trường đang phàn nàn việc thực thi pháp luật ở Mỹ quá lỏng lẻo trong vấn đề thanh tra hải sản, và những công nghệ khoa học mới nhất đã có sẵn trên thị trường mà vẫn chậm được áp dụng vào việc kiểm tra.

“Khách hàng có quyền được biết mình đang mua sản phẩm gì, đến từ đâu, nhưng các cơ quan chức năng như Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) không coi trọng việc này đúng như nhiệm vụ của họ”, Michael Hirshfield, nhà khoa học ở tổ chức phi chính phủ Oceana, nói.

Oceana hôm 25/5 công bố bản báo cáo mang tên “Treo đầu dê bán thịt chó: Gian lận của ngành hải sản làm hại đại dương, ví tiền và sức khỏe của chúng ta như thế nào”. Báo cáo này cho rằng tỷ lệ gian lận thông tin các loài cá lên tới 70%, nên nước Mỹ cần “tăng cường tần suất và phạm vi thanh tra”.

Nhiều loại cá sau khi chế biến rất khó nhận diện bằng mắt thường. (Nguồn: NYT)
 
Công nghệ gene đã đạt tới giai đoạn cách mạng. Kỹ thuật xác định mã vạch dựa trên ADN giờ đang được sử dụng nhiều. Và chúng ta nên thực hiện những cuộc kiểm tra ngẫu nhiên nhưng thường xuyên các loại hải sản, giống như việc kiểm tra máu hay nước tiểu của vận động viên”, Stefano Mariani, nhà nghiên cứu hàng hải ở ĐH Dublin và là người đã xuất bản nghiên cứu về chủ đề này, cho biết.

Việc thanh tra ngành công nghiệp hải sản trước đây rất khó vì ngay cả những thương gia hải sản có kinh nghiệm cũng khó phân biệt một số loại cá được cắt lát khi không còn vẩy hay vây. Và nhiều sản phẩm trong siêu thị thường được phủ bởi nước sốt nên càng khó nhận ra.

Trước đây, các kỹ thuật kiểm tra trong phòng thí nghiệm để nhận dạng cá thường xem xét protein trong mẫu cá. Nhưng kỹ thuật này không cho kết quả đáng tin cậy, mà chi phí lại cao và quy trình phức tạp. Các thanh tra viên thường chỉ dựa vào thông tin về loại hải sản ghi trên các loại giấy tờ không khớp nhau khi được vận chuyển qua biên giới. 84% hải sản được tiêu thụ ở Mỹ là sản phẩm nhập khẩu, thường đi qua rất nhiều bước trong chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới.

Với kỹ thuật giám định gene mới, các chuỗi gene được xác định từ mẫu cá được so sánh với thông tin trong thư viện tham khảo điện tử của Dự án mã vạch sinh vật sống quốc tế (International Barcode of Life Project), trong đó có lưu trữ thông tin về 8.000 loài cá do các nhà sinh vật học thống kê trong 5 năm qua.

Chi phí cho kỹ thuật giám định này hiện nay là 2.000 USD cho 100 mẫu cá. Nhưng các phòng thí nghiệm có trang thiết bị riêng thì chỉ mất 1 USD cho mỗi mẫu kiểm tra.

Douglas Karas, phát ngôn viên của FDA, cho biết cơ quan này mới mua một số thiết bị sắp xếp chuỗi gene để trang bị cho 5 phòng thí nghiệm của mình, và hy vọng sẽ sử dụng chúng thường xuyên từ cuối năm nay.

Thiết bị mới này cho phép kiểm tra hàng trăm nghìn mẫu cá mỗi năm, thay vì phân tích hàng trăm mẫu như hiện nay, TS. Paul Hebert ở dự án Barcode of Life, cho biết.

 
Theo Trúc Quỳnh - Báo Đất Việt (NYTimes)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X