Hotline 24/7
08983-08983

Có nên sửa sai cho bé 'tay chiêu'?

Không ít phụ huynh phiền lòng vì con mình thuận tay trái và họ đã nỗ lực để sửa cho con cái "tật" này. Nhưng có cần thiết phải như thế?

Tay chiêu không có tội

Tít vẽ đẹp lắm. Và điều đặc biệt là cậu vẽ một cách dễ dàng, tự nhiên như người ta hít thở khí trời vậy. Thế mà một hôm, cậu bỗng ném tập vở vẽ vào góc nhà và tuyên bố rằng sẽ không bao giờ vẽ nữa. Căn nguyên là lâu nay Tít vẫn vẽ bằng tay trái, nhưng gần đây mẹ Tít yêu cầu cậu phải vẽ bằng tay phải.
 
Ban đầu cậu bé cũng ngoan ngoãn làm theo, nhưng rồi cây bút dường như không chịu nghe lời cậu. Tít bực bội, chán nản và kết cục là ném cả bút lẫn vở đi. Từ đó cậu không còn hào hứng gì với chuyện vẽ vời nữa.

Phải đến 3 tuổi,  ta mới có thể xác định là trẻ thuận tay nào hơn
 
Vẫn biết ý định sửa “tật” cho con tay chiêu của các phụ huynh như mẹ Tít là hoàn toàn có căn cứ: hầu hết các dụng cụ đều được thiết kế cho người thuận tay phải và những người tay chiêu có thể gặp vài trở ngại trong sinh hoạt.
 
Để luyện cho trẻ chuyển qua dùng tay phải, cha mẹ phải dùng mọi cách, từ dỗ ngon dỗ ngọt đến la mắng, trừng phạt mà không biết rằng tất cả những điều đó có thể làm hỏng tính cách của con trẻ: chúng đâm ra đỏng đảnh, cứng đầu như cậu bé Tít nói trên. Mà các bé đâu có tội tình gì, tất cả chỉ là do ông trời sinh ra chúng với đặc điểm như vậy.
 
Bạn biết đấy, não của chúng ta gồm có hai bán cầu với các chức năng riêng. Thường thì một trong hai bán cầu sẽ “trội” hơn bán cầu còn lại và điều này ảnh hưởng đến thuộc tính của mỗi người. Người với bán cầu trái vượt trội thường tư duy logic, giỏi phân tích và có khuynh hướng trở thành kỹ sư, nhà toán học. Còn người của bán cầu phải lại mang nhiều tư chất nghệ sĩ, giàu tưởng tượng và hay tư duy bằng hình ảnh, khái niệm.
 
Ngoài ra, các bán cầu não còn điều khiển hoạt động của tay, trong đó bán cầu não trái - điều khiển tay phải, còn bán cầu não phải – điều khiển tay trái. Cho nên, nếu bán cầu phải mạnh hơn hẳn thì rất có thể tay trái sẽ là tay thuận.

Các tính năng của bán cầu não trái xuất hiện sau các tính năng của bán cầu phải. Phải đến 3 tuổi, khi bắt đầu tập nói, bán cầu não trái của trẻ mới dần nắm được các chức năng phù hợp. Cho nên đến tuổi này ta mới có thể xác định là trẻ thuận tay nào hơn. Nếu như bán cầu não trái phát triển chậm hơn, thì tay trái của bé (được điều khiển bởi bán cầu não phải) sẽ trở thành tay chủ đạo.

Trước đây người ta cho rằng cần phải can thiệp vào sự “bất thường” này, nghĩa là cần luyện cho trẻ thuận tay trái chuyển qua sử dụng tay phải. Sự khổ luyện này tuy đạt được ít nhiều kết quả nhưng dần dần thực tế đã cho thấy cái giá phải trả là khá đắt: đứa trẻ hoặc là trở nên bàng quan, thu mình lại, hoặc là đâm ra dễ bị kích động, hay nổi khùng.

Giúp bé thế nào đây?

Nếu như bạn cứ nhất định muốn luyện cho con sử dụng tay phải thì bạn cần làm điều đó sơm sớm - trước 3 tuổi chứ không được muộn hơn. Khi đó sự tổn thương do bị “cải tạo” với trẻ sẽ ở mức thấp nhất. Song, tốt hơn cả là bạn đừng đi ngược đặc điểm tự nhiên này mà hãy tìm cách sống chung với nó.
 
Thay vì lo lắng chuyện con dùng tay trái, bạn nên quan tâm tới sự phát triển những nét tính cách phù hợp với đặc điểm của con. Trước hết, bạn nên để con được sống trong một bầu không khí thật thoải mái. Nên nhớ, các bé tay chiêu rất nhạy cảm, bất cứ cảm xúc nào, cả tiêu cực lẫn tích cực bé đều có thể cảm nhận được một cách nhạy bén hơn những bé  khác. Những lời răn dạy khô khan, sự cố chấp, thói thông thái rởm trong giáo dục – không phải là những thứ dành cho con bạn. Tình cảm ấm áp, sự quan tâm dễ thuyết phục bé hơn.

Đừng bao giờ quở trách con vì “tội” thuận tay trái. Ngược lại hãy giải thích để con hiểu rằng, chẳng có gì là “bất thường” ở đây cả, rằng không hiếm người cũng thuận tay trái như con. Điều tối kỵ là chế giễu thói quen này của bé trước mặt mọi người. Cảm xúc tiêu cực do bị chế giễu có thể dẫn đến các chứng rối loạn thần kinh, nói lắp, bệnh viêm não và nhiều thứ khác.

Bé tay chiêu tâm tính khá thất thường. Lúc này thì hồn nhiên, hớn hở, lúc khác lại nhút nhát, “mít ướt”, lúc nọ lại bùng bùng như… bão cấp 12. Nói chung, bướng bỉnh là nét tính cách rất đặc trưng cho bé tay chiêu. Nhưng bạn đừng để tâm nhiều đến điều này. Tốt nhất là tìm cách đánh lạc hướng đi. Nên nhớ với nét tính cách này có khi bé lại lớn lên thành một con người rất kiên định.

Bé tay chiêu có thể phát âm kém một vài âm nào đó nên bé sẽ thấy khó khăn khi mới học đọc, học viết. Chính vì thể đừng cố dạy bé tập đọc, tập viết hay học ngoại ngữ sớm. Kết quả ban đầu không khả quan có thể khiến cả cha mẹ lẫn bé đều cảm thấy thất vọng để rồi bé phải bước vào đời với sự tự ti không đáng có.

Nhưng bé tay chiêu lại hay có những ý tưởng độc đáo khi vẽ hay nặn tượng. Bé học nhạc cũng dễ dàng hơn bởi thường sở hữu một nhạc cảm khá tinh tế. Điều đáng quý nhất là bé luôn vẽ, nặn tượng hay chơi nhạc với niềm say mê thật sự. Bởi vậy, bạn nên để ý giúp con phát triển năng khiểu này - tạo điều kiện cho con học nhạc hay vẽ và luôn ghi nhận những thành công dù là nhỏ bé của con. Tuy nhiên, cũng đừng cố nhào nặn con thành một thần đồng. Chuyện tay chiêu ít nhiều đã gây khó khăn cho con rồi, không nên đòi hỏi ở con quá nhiều.
 
Theo Phan Minh Ngọc - Gia Đình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X