CME quốc tế: Cập nhật chẩn đoán và điều trị đột quỵ - Từ lý thuyết đến thực hành
Ngày 14 và 15/8/2023 tại Cần Thơ, khóa học Stroke intervention school 2023 do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tổ chức đã quay trở lại. Đây là lần thứ 5 chương trình đào tạo y khoa liên tục CME thực hiện với quy mô quốc tế, quy tụ hàng loạt chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và từ Đức, Thuỵ Sỹ, Nhật Bản, Thái Lan giảng dạy.
Từ cập nhật những kiến thức mới nhất về chẩn đoán điều trị đột quỵ…
Theo đó, khóa học của những năm trước mang tên “Asian stroke Summer School” và năm 2022 đến nay đã chính thức đổi thành “Stroke intervention school”, là một trong những hội nghị thường niên được giới chuyên gia trong lĩnh vực Đột quỵ - Can thiệp thần kinh mong chờ nhất.
Để đạt được điều đó là nhờ khóa đào tạo có ban giảng huấn gồm các báo cáo viên kinh nghiệm trong và ngoài nước. Tại Việt Nam có thể kể đến PGS.TS Hồ Thượng Dũng - Chủ tịch Hội Tim mạch Can thiệp Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM; PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai; PGS.TS Lê Văn Trường - Trưởng khoa Can thiệp Tim mạch, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; PGS.TS Hoàng Văn Sỹ - Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ngoài ra, hội nghị còn có sự tham dự của GS Jan Gralla - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đột quỵ Bern, ĐH Inselspital, Thụy Sỹ; GS Daniel Behme - Đơn vị Điện quang Can thiệp, Đại học Y khoa Magdeburg, Đức; PGS. Ekachat Chanthanaphak - Trưởng đơn vị CTTK, Khoa CĐHA, Bệnh viện Ramathibodi, Thái Lan; PGS Thaweesak Aurboonyawat - Đơn vị PTTK, Khoa Phẫu thuật, Bệnh viện Siriraj, Thái Lan, TS Shigeta Miyake (Japan) - Phó Khoa PTTK, Trung tâm Não và Cột sống Yokohama, Nhật Bản; BS Mohammad Kurniawan - Trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quốc gia Cipto Mangunkusumo, Indonesia…
Khóa học đón nhận hơn 100 học viên, 35 bài báo cáo được trình bày bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Mục tiêu chính yếu của chương trình đào tạo y khoa liên tục là kết nối các bác sĩ thuộc nhiều chuyên ngành liên quan cùng điều trị đột quỵ. Năm 2023, chương trình bao gồm những bài giảng chất lượng cao tập trung vào chẩn đoán, điều trị đột quỵ cả nhồi máu não và xuất huyết não. Từ đó bàn luận để giải quyết hai vấn đề. Một là những điều kiện cần và điều kiện đủ góp phần vào sự thành công của quy trình tiếp nhận và cấp cứu đột quỵ tại bệnh viện. Hai là chỉ định bệnh nhân phù hợp trong điều trị rTPA, can thiệp nội mạch tái thông và phẫu thuật.
Stroke intervention school không chỉ giúp người học nâng cao kiến thức và khả năng điều trị đột quỵ - các bệnh mạch máu não, mà đồng thời còn có thể giúp phát triển kỹ năng - thao tác thực hành can thiệp nội mạch cơ bản trong phần thực hành can thiệp lấy huyết khối trong phòng thực nghiệm animal lab. Đây được xem là “đặc sản” của khóa học do S.I.S Cần Thơ tổ chức trong nhiều năm liền. Đặc biệt, trong hội nghị các chuyên gia sẽ cùng người tham dự thảo luận về những ca lâm sàng-live cases, giúp các y bác sĩ được trực tiếp “mục sở thị” khả năng tiếp cận, thực hành trên bệnh nhân.
Cụ thể, trong ngày 14/8/2023, khóa học tập trung cập nhật hướng dẫn mới, thảo luận về lý thuyết được sắp xếp cụ thể theo 2 chuyên đề lớn: nhồi máu não - đột quỵ và xuất huyết não - can thiệp thần kinh. Ngày 15/8/2023, khóa học bắt đầu thực hành animal labs, live case điều trị phình mạch máu não, hẹp động mạch nội sọ.
Đến định hướng phối hợp xây dựng mạng lưới cấp cứu - can thiệp đột quỵ khu vực ĐBSCL và cả nước
TS.BS Trần Chí Cường - Người góp công lớn trong việc đưa khóa học hữu ích này về Việt Nam nhận định, mặc dù số lượng tham gia khóa học không đông như các hội thảo đột quỵ cùng chuyên ngành, chỉ tập trung chia sẻ về những vấn đề lâm sàng trong can thiệp mạch máu não, tuy nhiên đây là lực lượng nòng cốt không thể thiếu trong phác đồ điều trị đột quỵ. Trên hết, các báo cáo viên là những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong can thiệp thần kinh đại diện cho hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á.
“Điểm nhấn của khóa học 2023 đó là cập nhật tổng thể từ chẩn đoán đến điều trị đột quỵ, đặc biệt hơn là mở rộng vấn đề điều trị nội khoa. Qua đó, cập nhật cho bác sĩ can thiệp không quên vai trò của nội khoa. Hơn nữa, sự phối hợp đa ngành nghề, đa lĩnh vực là điều kiện tiên quyết trong vấn đề phát triển cấp cứu đột quỵ, qua đó đạt kết quả tốt nhất cho bệnh nhân đột quỵ.
Trong những ca lâm sàng-live cases đặc biệt có sự tham gia thực hành của PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng - người đầu tiên thực hành can thiệp mạch vành robot đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngoài ra, những công nghệ trải nghiệm trong 2 ngày diễn ra trong hội nghị cũng chứng minh việc phát triển mạng lưới cấp cứu đột quỵ là vô cùng quan trọng trong ngành y tế. Trong đó, cần nhất là việc phối hợp giữa 3 yếu tố - chuyên môn của bác sĩ, trang thiết bị máy móc và truyền thông để bệnh nhân đến cơ sở y tế cấp cứu, điều trị đột quỵ nhanh nhất có thể”.
Ông Hoàng Quốc Cường - Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ bày tỏ, Stroke intervention school sau 5 lần tổ chức đã gặt hái được nhiều đóng góp cho ngành đột quỵ trong nước và khu vực Đông Nam Á. Việc quy tụ nhiều chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực này cho thấy hội nghị thực sự thu hút và chất lượng. Mặc dù là buổi đào tạo CME nhưng mang tầm quốc tế, với sự chia sẻ, truyền thụ kinh nghiệm về can thiệp tim, mạch máu não từ chuyên gia nước ngoài.
Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ đánh giá, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ là một trong những dấu ấn quan trọng của ngành y tế thành phố. “Cho đến nay, trong vùng Tây Nam Bộ ngoài S.I.S Cần Thơ chưa có trung tâm chuyên sâu về đột quỵ. Trong gần 5 năm qua, với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp, bệnh viện đã tiếp nhận khoàng 430.000 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đến trong giờ vàng đạt 20%. Đây là những nỗ lực rất lớn của bệnh viện để đem lại chất lượng cho bệnh nhân ngày càng tốt hơn”.
Do vậy, ông Hoàng Quốc Cường bày tỏ kỳ vọng, việc tổ chức các hội nghị quốc tế sẽ là cơ hội để y bác sĩ cập nhật những kiến thức mới nhất về chẩn đoán điều trị, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mạng lưới cấp cấp cứu đột quỵ từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Từ đó hình thành các kế hoạch vẽ bản đồ về cấp cứu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và xa hơn nữa là nhân rộng mô hình này đến các tỉnh thành trong nước, mục đích cuối cùng là nâng cao tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị sớm.
Song song đó, người đứng đầu ngành y tế Cần Thơ cũng kiến nghị hội thảo đề cập nhiều hơn đến vấn đề phòng ngừa đột quỵ, bởi nếu để căn bệnh này xảy ra là quá muộn. “Để phòng ngừa được bắt buộc phải dựa vào các yếu tố nguy cơ đột quỵ. Hiện nay, hồ sơ sức khỏe của 1,2 triệu người dân Cần Thơ đã được thiết lập trên hơn 7 triệu lượt khám từ năm 2017. Vì vậy, cần phải tìm ra giải pháp sử dụng số liệu này nhằm cho ra mô hình dự đoán các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ. Từ đó, giúp chúng ta truyền thông tốt để có biện pháp phòng ngừa trước khi bệnh nhân xảy ra đột quỵ. Tôi tin rằng đây là một trong những chiến lược hiệu quả để phòng ngừa biến chứng của đột quỵ - một căn bệnh gây ra gánh nặng bệnh tật hàng đầu hiện nay trong những bệnh không lây nhiễm”.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình