Hotline 24/7
08983-08983

Chuyện cách đây khoảng 15 năm và ngày hạnh phúc của một bác sĩ

BS Thu mở đầu buổi trò chuyện với chúng tôi bằng câu chuyện kể về 1 "ngày hạnh phúc" đơn giản, bất ngờ đến với chị gần đây.

Rời khỏi cương vị Giám đốc BV Mắt TPHCM nhưng TS.BS Trần Thị Phương Thu vẫn bận bịu với những ca mổ liên tiếp. BS Thu mở đầu buổi trò chuyện với chúng tôi bằng câu chuyện kể về một "ngày hạnh phúc" đơn giản, bất ngờ đến với chị gần đây.

Với TS.BS Trần Thị Phương Thu, ngày hạnh phúc là khi bệnh nhân được chữa khỏi bệnh.


Chuyện cách đây khoảng 15 năm…

"Trên đường về nhà, anh tài xế taxi bắt chuyện hỏi thăm mình có phải là BS Thu ở BV Mắt không? Mình trả lời "phải", hỏi lại sao anh biết. Anh tài xế cười vui, nói: "Em là bệnh nhân của chị nè. Hồi đó, nếu không có chị mổ là em mù luôn rồi, chứ đâu có thấy đường mà lái xe như bây giờ". Hỏi kỹ lại, hóa ra anh tài xế taxi là bệnh nhân được mổ lấy dị vật ở mắt từ lâu lắm rồi, nhưng mình và anh chị em trong khoa vẫn còn nhớ mãi ca bệnh này. Vì sau khi xuất viện, thỉnh thoảng anh ấy lại tặng bệnh viện lúc thì trái cây, lúc thì giỏ quà", BS Thu cười vui, kể.

Đó là chuyện cách đây khoảng 15 năm, BV Mắt TPHCM tiếp nhận một bệnh nhân bị chấn thương mắt rất nặng. Bệnh nhân khoảng 20 tuổi, người Việt gốc Hoa. Ca bệnh này đòi hỏi phải phẫu thuật bằng máy cắt dịch kính để lấy dị vật nội nhãn. "Thời điểm đó, thiết bị và kỹ thuật mổ cắt dịch kính mới đưa về Việt Nam nên ít bác sĩ thực hiện được. Bệnh nhân và gia đình sợ sẽ sống cuộc đời còn lại không thể thấy ánh sáng vì tìm chưa ra bác sĩ phẫu thuật. Lúc đó, mình là Trưởng khoa Chấn thương nên quyết định tiến hành phẫu thuật với máy cắt dịch kính và rất mừng là ca phẫu thuật thành công", BS Thu kể.

Với vị bác sĩ dày dạn kinh nghiệm chuyên môn và quản lý từ năm 1979 đến nay, ngày hạnh phúc của chị kể không biết bao nhiêu cho đủ. Là người ham học hỏi, tiếp cận khoa hoc kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực điều trị mắt, BS Thu đã có những đề xuất táo bạo, triển khai sáng tạo giúp bệnh nhân mắt tại Việt Nam có cơ hội điều trị theo phương pháp mới.

BS Thu nhớ lại những chuỗi ngày hồi hộp và hạnh phúc mà chị chẳng thể quên: "Trước năm 2000, người có tật, bệnh về khúc xạ ở Việt Nam đâu có thiết bị tiên tiến để phẫu thuật. Thế giới người ta có máy móc hết rồi nhưng đắt lắm, bệnh viện không có tiền để đầu tư. Đến tháng 12/2000, lúc đó mình là Phó Giám đốc bệnh viện kiêm nhiệm Trưởng khoa Chấn thương, mình đề xuất được đầu tư thiết bị phẫu thuật lasik trị tật, bệnh khúc xạ theo chủ trương xã hội hóa y tế.

Sau khi được sự đồng ý từ trên, bệnh viện huy động vốn từ các y bác sỹ và cả người thân với lãi suất tính theo ngân hàng để có tiền nhập thiết bị. Mình dự tính trong 5 năm sẽ hoàn vốn, không ngờ hoàn vốn chỉ trong 4 năm.

Tổng cộng máy móc, thiết bị phẫu thuật lasik mà bệnh viện sở hữu lúc đó trị giá khoảng 11 tỷ đồng. Để bệnh viện có thiết bị mới mình thấy hạnh phúc lắm rồi nhưng chứng khiến bệnh nhân Việt Nam không phải đi nước ngoài mà được chữa trị tật, bệnh khúc xạ tại mới là hạnh phúc lớn nhất".

Học mãi để thành bác sĩ giỏi

Vừa làm công tác giảng dạy, vừa là bác sĩ có thâm niên, trải nghiệm nhiều, chia sẻ về giấc mơ "bác sĩ Việt đẳng cấp quốc tế", vị bác sĩ mổ mắt "xuyên quốc gia" cười, nói: "Gần 10 năm BV Mắt TPHCM tham gia chương trình khám chữa bệnh miễn phí tại Campuchia, mình cùng anh chị em bác sĩ đã thực hiện hơn 1.000 ca mổ phaco. Tại nước bạn Campuchia, mỗi ca mổ này có giá gần 800 USD nhưng phía ta luôn thực hiện miễn phí. Thậm chí, nhiều ca bệnh nặng bên ấy không đủ thiết bị phẫu thuật, ta chuyển về Việt Nam thực hiện phẫu thuật luôn. Quá trình lâu dài đó đã khiến tình hữu nghị của ta với bạn thêm thắt chặt, uy tín của y tế Việt Nam cũng tăng cao".

Thế nhưng để có nhiều bác sĩ Việt giỏi ở tầm quốc tế phải trông chờ các bác sĩ trẻ. BS Thu làm một phép so sánh để thấy rằng chị kỳ vọng đúng: "So với thế hệ của mình, các bác sĩ trẻ bây giờ thật hạnh phúc vì điều kiện học tập mở rộng gần như không giới hạn nhờ sự giao lưu của Việt Nam với thế giới, nhờ Internet... Nhưng mà các bạn ấy phải trau dồi ngoại ngữ thật nhiều vì đây là chìa khóa giúp mở cánh cửa kho tri thức y học hiện đại. Mình chỉ mong sau thế hệ mình sẽ có nhiều bác sĩ trẻ luôn học tập theo tinh thần “học, học nữa, học mãi”, sớm trở thành những bác sĩ giỏi ở tầm quốc tế.

Chính mình cho đến giờ này vẫn cứ học liên tục bởi kỹ thuật, thiết bị luôn phát triển. Mình chỉ cần ngưng học là theo không kịp sự phát triển của thế giới. Khi tham dự Hội nghị nhãn khoa thế giới được tổ chức gần đây, mình tiếp cận được phương pháp mổ phaco bằng máy laser. Ở đó có hướng dẫn và cho mình đăng ký mổ thử, mình làm ngay để học được điều mới mẻ. Đây là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể rất an toàn, hiện chỉ có ở các nước tiên tiến. Chắc là hơn 3 năm nữa Việt Nam ta mới có được", BS Thu kể.

Trước khi kết thúc câu chuyện, chúng tôi đề nghị vị bác sĩ hơn 30 năm kinh nghiệm tiết lộ bí quyết thành công, BS Thu cười vui vẻ: "Trước khi tiến hành phẫu thuật bất cứ ca bệnh nào, mình cũng thăm hỏi bệnh nhân trước nhằm "đả thông tư tưởng", điều này rất quan trọng giúp một ca mổ thành công. Tư tưởng của bệnh nhân thông suốt giúp lòng tin của bệnh nhân gia tăng. Mặt khác, mình là bác sĩ phẫu thuật thì càng phải vui vẻ động viên họ, bệnh nhân thấy mình tự tin thì họ lại càng tin vào ca phẫu thuật, vậy là họ đã cộng tác tích cực với mình để ca mổ thành công rồi còn gì".

Theo Thanh Giang - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X