Hotline 24/7
08983-08983

Chùm hỏi đáp về cơn đau đầu báo hiệu đột quỵ

Rất nhiều thắc mắc về cách phòng tránh đột quỵ cho trẻ nhỏ, nhận biết cơn đau đầu báo hiệu đột quỵ, phòng ngừa đột quỵ khi có phình mạch máu não hoặc rung nhĩ, nghe âm thanh lạ trong đầu… được TS.BS Trần Chí Cường giải đáp.

1. Trẻ nhỏ có cần tầm soát đột quỵ không?

TS.BS Trần Chí Cường:

Đối với trẻ nhỏ, xác suất xảy ra đột quỵ rất hiếm. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu các em nhỏ có biểu hiện lạ như thường xuyên đau đầu, nôn ói, chậm lên cân, xanh xao; đặc biệt, trong lúc vận động, tay chân có linh động hay không.

Khi chúng ta đưa đồ chơi hoặc đồ ăn, có một số em nhỏ chỉ cầm ở 1 bên tay, tay còn lại ít sử dụng hoặc tướng đi hơi khập khiễng, dễ bị rớt dép khỏi chân.

Một số em bé có tình trạng mất ý thức thoáng qua, biểu hiện có giật, lên cơn động kinh bất thường thì nên được đưa đi tầm soát đột quỵ để loại trừ những bệnh lý do dị tật, dị dạng mạch máu não.

Khi phụ huynh thấy con mình có biểu hiện lạ như trên thì có thể đưa trẻ đi tầm soát. Với công nghệ tầm soát chụp cộng hưởng từ (MRI) 3 tesla sẽ không xâm lấn lên người bệnh nhân, không tiêm thuốc cản từ, nhưng có thể quan sát được những dị tật, dị dạng mạch máu não - nguyên nhân chính gây ra đột quỵ ở trẻ em.

Ngoài ra, những em bé mà người thân có nguy cơ cao bị đột quỵ, động kinh thì nên được đưa đi tầm soát sớm để loại trừ nguyên nhân nguy hiểm.

Với những cháu nhỏ bình thường, cha mẹ không nên lo lắng quá nhiều về nguy cơ đột quỵ vì tỷ lệ rất thấp.

2. Bệnh nhân có phình mạch máu não hoặc rung nhĩ (rối loạn nhịp tim) chữa bằng phương pháp nào?

TS.BS Trần Chí Cường:

Số người có túi phình mạch máu não trong cộng đồng rất thấp và không phải tất cả túi phình đều sẽ vỡ.

Có một nghiên cứu đưa ra tỷ lệ người có túi phình là 8/1000 (thống kê khi phẫu tích 1000 xác chết tình cờ thấy 8 người có túi phình), và không phải bệnh nhân nào có túi phình cũng chết do xuất huyết não (tức là chết vì nguyên nhân khác).

Nhưng thực tế có một số bệnh nhân có túi phình kích thước 3-4mm đã bị vỡ. Do đó, những túi phình có nguy cơ cao (kích thước lớn hơn 5mm; kèm đau đầu, sụp mi; túi phình lớn dần theo thời gian) cần phải điều trị sớm.

Những túi phình trên bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu, bệnh nhân có rối loạn đông máu, bệnh nhân tăng huyết áp khó kiểm soát thì nên điều trị sớm.

Do đó, không phải tất cả bệnh nhân có túi phình đều phải điều trị.

Rung nhĩ nghĩa là rối loạn nhịp tim, mạch đập không đều. Những lúc tim không đập thì cục máu đông có thể hình thành trong buồng tim. Khi tim đập trở lại sẽ tống cục máu đông lên não, dẫn đến đột quỵ tắc mạch máu não do cục máu đông trên bệnh cảnh rung nhĩ.

Tùy theo tình trạng rung nhĩ, bệnh nhân sẽ được uống thuốc chống cục máu đông để ngăn hình thành cục máu đông trong buồng tim, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ.

Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ có đầy đủ những loại thuốc này. Bệnh nhân có thể đến khám tại khoa Tim mạch để được điều trị phòng ngừa cho người bị rung nhĩ.

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

3. Đau đầu, tê tay chân, ngủ không sâu giấc có nguy cơ đột quỵ không?

Bệnh nhân đau mỏi cổ và gây đau nửa đầu. Khi chuẩn bị đi ngủ, bị tê bàn tay, ngủ không sâu giấc, đêm tỉnh giấc từ 1-2 lần. Đây là bệnh gì, phải làm sao?

TS.BS Trần Chí Cường:

Nếu bị đau đầu thường xuyên, đặc biệt là đau nửa đầu kèm theo tê tay chân và lặp lại nhiều lần thì bệnh nhân nên tầm soát đột quỵ. Bởi đau nửa đầu có thể liên quan đến những dị tật, dị dạng hoặc hẹp lòng mạch máu não.

Nếu như đau đầu, tê tay chân được điều trị dứt điểm bằng thuốc giảm đau thông thường hoặc ăn uống đầy đủ chất thì không nên quá lo lắng. Trường hợp đã làm đủ mọi cách nhưng tình trạng đau nửa đầu, tê tay chân không khỏi thì nên đi khám sớm để loại trừ những nguyên nhân gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Thường xuyên đau đầu và tê tay chân, đó có gọi là dấu hiệu đột quỵ hay không?

TS.BS Trần Chí Cường:

Nếu tình trạng đau đầu kèm theo tê tay chân xảy ra thường xuyên, bạn nên đi tầm soát để kiểm tra những vấn đề bất thường. Nếu đau đầu kèm tê tay chân liên quan đến thói quen sinh hoạt như thức khuya, sử dụng điện thoại quá nhiều, uống rượu bia, bạn nên thay đổi lối sống sinh hoạt.

Nếu những trường hợp sau khi đã ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi, thay đổi thói quen sinh hoạt nhưng vẫn còn tình trạng đau đầu thì nên đi khám chuyên khoa thần kinh để tầm soát, loại trừ những nguyên nhân gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Mỏi chân và tay phải, đó có phải dấu hiệu của đột quỵ? Nên chữa theo phương pháp nào?

TS.BS Trần Chí Cường:

Nếu mỏi tay chân đơn thuần do ngủ sai tư thế hoặc cơ thể bị tì đè thì đó không phải là dấu hiệu của đột quỵ. Nếu như tình trạng mỏi tay chân lặp lại nhiều lần, cầm nắm khó khăn hoặc không kiểm soát tay chân trong khoảnh khắc, kèm theo nói đớ, chóng mặt thì đó là dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ nhẹ.

4. Nghe âm thanh lạ trong đầu, tiếng kêu o o như tiếng muỗi là biểu hiện bệnh gì?

TS.BS Trần Chí Cường:

Ở Việt Nam, tỷ lệ chấn thương sọ não do tai nạn giao thông rất cao. Liên quan đến tai nạn giao thông có bệnh cảnh rất điển hình là rò động mạch cảnh xoang hang. Trong quá trình chúng ta bị té ngã, va chạm ở đầu, một số mạch máu lớn trong não sẽ bị vỡ, trong đó có động mạch cảnh, nơi vỡ là sau lỗ tai.

Bệnh nhân mắc bệnh này sẽ có những tiếng kêu rất lớn trong đầu. Tiếng kêu như tiếng cối xay, tiếng nước chảy róc rách,... rất nhiều âm thanh khác nhau được bệnh nhân mô tả.

Nếu bệnh nhân có va chạm ở đầu thì không được phép loại trừ bệnh cảnh này - đây là bệnh đặc thù liên quan đến chấn thương, đa phần bệnh nhân đều được chẩn đoán muộn.

Khi bệnh nhân được chẩn đoán muộn sẽ gây  ù tai, có âm thổi, đỏ mắt, lồi mắt dẫn đến việc đi khám mắt. Các bác sĩ khoa mắt sẽ nghi ngờ bệnh rò động mạch cảnh - xoang hang và chuyển bệnh nhân về lại khoa thần kinh để điều trị.

Từ năm 2005, tôi đã tiếp nhận điều trị cho hàng trăm trường hợp như vậy.

Với bệnh nhân có tiếng kêu nhỏ trong đầu thì nên đi khám để loại trừ những tổn thương tai như viêm tai, tắc vòi tai, thay đổi áp suất trong hòm nhĩ khi đi máy bay.

Nếu tiếng kêu lớn hơn khi đi ngủ, bệnh nhân nên đi tầm soát chuyên khoa thần kinh để loại trừ những bất thường hệ thống mạch máu não.

5. Ông ngoại 77 tuổi bị đột quỵ não gần đây, có điều trị thành công hay không?

TS.BS Trần Chí Cường:

Khi bị đột quỵ, quan trọng nhất là phải chẩn đoán được đột quỵ do nhồi máu não hay xuất huyết não để đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.

Trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu não đến bệnh viện trước 6 giờ thì cơ hội điều trị thành công rất cao. Có 2 phương pháp:

  • Chích thuốc tiêu sợi huyết làm tan máu đông trong thời gian 4,5 giờ
  • Lấy huyết khối nếu tắc nghẽn mạch máu lớn trong thời gian dưới 6 giờ

Trường hợp bệnh nhân đã xảy ra đột quỵ 1 ngày trước thì có thể tầm soát nguyên nhân đột quỵ. Một số nguyên nhân đột quỵ có thể điều trị muộn, giúp cho bệnh nhân phục hồi.

Trường hợp bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu lớn, hẹp lòng mạch máu não hoặc phình mạch máu não, nếu không điều trị thì nguy cơ tái phát rất cao. Do đó, nên đưa người nhà đến những bệnh viện có trung tâm đột quỵ để tầm soát và điều trị đột quỵ từng nguyên nhân, phòng ngừa tái phát bệnh.

6. Hẹp động mạch não giữa điều trị như thế nào?

Hẹp nặng động mạch não giữa và tổn thương não phải, có khả năng nhồi máu não. Như vậy phải điều trị như thế nào? Cách phòng ngừa như thế nào?

TS.BS Trần Chí Cường:

Nếu động mạch não giữa hẹp ở mức độ nhẹ, dưới 70%, thì được khuyến cáo điều trị nội khoa (thuốc). Sau vài tháng, sẽ đánh giá lại bằng hình ảnh học để xem mạch máu não đã trở lại bình thường hay chưa.

Nếu sau liệu trình điều trị sau khoảng 3 tháng hoặc 6 tháng, bệnh nhân vẫn còn triệu chứng đột quỵ, yếu tay chân liên quan đến đối bên (ví dụ: hẹp mạch máu trái gây yếu tay chân bên phải) dù đã điều trị nội khoa tối ưu. Nếu mức độ hẹp trên 90% mà điều trị nội khoa không cải thiện thì phải can thiệp đặt stent động mạch não giữa để tránh tắc động mạch, giúp giảm nguy cơ đột quỵ tái phát.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã điều trị thành công rất nhiều trường hợp bằng phương pháp này, phục hồi vấn đề yếu liệt cho bệnh nhân một cách ngoạn ngục.

7. Di chứng tai biến mạch máu não, uống thuốc 6 tháng thấy cơ thể khỏe. Bệnh này có điều trị dứt điểm được không?

TS.BS Trần Chí Cường:

Dù không cải thiện 100% nhưng nếu người nhà đã tầm soát nguyên nhân đột quỵ sẽ dễ dàng điều trị và giảm nguy cơ đột quỵ tái phát.

Một số nguyên nhân đột quỵ không thể kiểm soát được là tuổi tác. Nghĩa là khi lớn tuổi, cơ thể lão hóa thì nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Phần lớn các nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, huyết áp cao, người hút thuốc lá nhiều đều có thể loại trừ và giảm tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tái phát trong cộng đồng. Trường hợp người nhà của bạn nên tiếp tục liệu trình điều trị và kiểm soát các yếu tố nguy cơ bằng thuốc, thay đổi lối sống sinh hoạt.

Với những người từng đột quỵ, bệnh nhân phải có tinh thần lạc quan, suy nghĩ hướng tích cực, nếu suy nghĩ tiêu cực thì việc điều trị rất khó khăn.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X