Hotline 24/7
08983-08983

Chóng mặt có phải bệnh nguy hiểm?

Chóng mặt là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Nhiều người dễ lầm tưởng chóng mặt với một số bệnh lý khác, dẫn đến việc tự uống thuốc tại nhà, không mang lại hiểu quả còn gây ra dư một số chất, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong bài viết dưới đây, TS.BS Lê Viết Thắng - Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM sẽ chia sẻ cụ thể về tình trạng này.

1. Chóng mặt được mô tả như thế nào?

Xin hỏi BS tình trạng chóng mặt được mô tả ra sao?

TS.BS Lê Viết Thắng trả lời: Chóng mặt là triệu chứng khá phổ biến ở người bệnh khi đến phòng khám của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Tình trạng chóng mặt sẽ làm cho người bệnh cảm giác mất thăng bằng, đi đứng khó khăn. Người bệnh cảm giác muốn ngất xỉu, ảnh hưởng đến công việc sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

2. Phân biệt chóng mặt, hoa mắt, choáng váng như thế nào?

Nhiều người không phân biệt được tình trạng chóng mặt, hoa mắt, choáng váng. Xin BS khái quát 3 triệu chứng này khác nhau như thế nào?

TS.BS Lê Viết Thắng trả lời: Thực ra, đây là những triệu chứng được mô tả bằng từ ngữ khác nhau trên người bệnh. Chúng ta có thể chia chóng mặt thành 4 loại:

Thứ nhất, chóng mặt kịch xoay tròn: người bệnh cảm thấy bản thân họ hoặc thế giới xung quanh xoay tròn.

Thứ hai, cảm giác choáng váng, mất thăng bằng, đi không vững.

Thứ ba, ngất xỉu: tình trạng này xảy ra đặc biệt ở phụ nữ trẻ, huyết áp thấp hoặc có những bệnh lý về tim mạch. Người bệnh có cảm giác rất khó chịu khi ngồi lâu một tư thế, đứng dậy đột ngột làm họ muốn ngất xỉu.

Thứ tứ, một triệu chứng đi kèm với những rối loạn về lo lắng, lo âu, mất ngủ, mệt mỏi, cảm giác người không được thoải mái.

Đó là những triệu chứng khác nhau của chóng mặt hay rối loạn tiền đình.

3. Chóng mặt cảnh báo bệnh gì? Những bệnh lý nào phổ biến?

Chóng mặt là triệu chứng cảnh báo những nhóm bệnh lý gì? Ở Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM nơi BS đang công tác, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân chóng mặt do những bệnh lý phổ biến nào?

TS.BS Lê Viết Thắng trả lời: Chóng mặt là một trong những triệu chứng thể hiện có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, bệnh gây ra chóng mặt thường nhất là chóng mặt tư thế kích phát lành tính. Đây là cảm giác chóng mặt khi thay đổi tư thế, đặc biệt là tư thế đầu chuyển từ ngồi sang nằm hoặc nằm sang đứng. Người bệnh sẽ cảm thấy rất choáng váng, buồn nôn, nôn và vã mồ hôi.

Bệnh lý thứ hai thường gặp là tình trạng đau đầu tiền đình, migraine tiền đình hay tình trạng viêm hệ thống tiền đình về những chóng mặt sau khi chấn thương đầu hoặc tổn thương nội sọ. Đặc biệt là u bao dây thần kinh số 8, chèn ép não bộ gây ra tình trạng chóng mặt cho người bệnh. Đó là những bệnh lý có thể gặp trên lâm sàng gây chóng mặt cho người bệnh.

4. Tình trạng chóng mặt nào đáng lo nhất? Đâu là chóng mặt tư thế lành tính?

Tình trạng chóng mặt nào đáng lo nhất, tình huống nào là chóng mặt tư thế lành tính, thưa BS?

TS.BS Lê Viết Thắng trả lời: Những triệu chứng chóng mặt có dấu hiệu chèn ép thần kinh như chóng mặt kèm với tê nửa người, yếu nửa người, người bệnh co giật, ngất xỉu, mờ mắt hoặc điếc ù tai. Đây là những triệu chứng đi kèm với tình trạng chóng mặt mà chúng ta cần đến cơ sở y tế để được đánh giá, phát hiện nguyên nhân gây chóng mặt.

Chóng mặt lành tính thường là những chóng mặt xảy ra khi thay đổi tình trạng về tư thế đầu. Ví dụ, một người đang ngồi chuyển sang nằm đột ngột, người đó sẽ cảm thấy choáng váng hay chóng mặt, hoặc chúng ta đang nằm nhưng ngồi dậy quá nhanh cũng gây ra tình trạng chóng mặt. Đây là cảm giác cực kỳ khó chịu nhưng là dấu hiệu lành tính cho người bệnh.

5. Bệnh nhân chóng mặt ra sao thì cần đi khám? Có những phương pháp chẩn đoán nào?

Chóng mặt khi nào bệnh nhân cần được đi khám? Hiện nay có những phương tiện nào để chẩn đoán và tìm nguyên nhân chính xác tình trạng chóng mặt, thưa BS?

TS.BS Lê Viết Thắng trả lời: Khi bệnh nhân có triệu chứng chóng mặt đi kèm của chèn ép thần kinh hoặc những bệnh toàn thân. Ví dụ, người bệnh có dấu hiệu chóng mặt kèm mờ mắt, mù mắt, điếc tai, yếu liệt tay chân. Đây là những dấu hiệu cần phải đến khám ở cơ sở y tế gần nhất.

Hiện nay, có rất nhiều biện pháp cận lâm sàng hoặc lâm sàng để chẩn đoán nguyên nhân chóng mặt cho người bệnh. Ngoài CT, MRI, điện não hay những xét nghiệm về máu, test xác định về chức năng tiền đình cũng là biện pháp cận lâm sàng hỗ trợ rất hữu ích trong việc tìm ra nguyên nhân chóng mặt cho người bệnh.

6. Dấu hiệu nào cảnh báo thiếu máu, thiếu sắt? Có nên tự uống thuốc tại nhà?

Thưa BS, nhiều người cho rằng, bản thân họ chóng mặt có lẽ do thiếu máu hoặc thiếu Sắt. Thay vì đi khám, họ tự ý mua thuốc bổ sung. Dấu hiệu nào là cảnh bảo chóng mặt do thiếu máu hoặc thiếu Sắt và bệnh nhân có nên tự bổ sung thực phẩm và thuốc không?          

TS.BS Lê Viết Thắng trả lời: Chóng mặt do thiếu máu thiếu sắt là suy nghĩ khá phổ biến. Bệnh nhân thường xác định mình bị chóng mặt do hai tình trạng này. Tuy nhiên, tất cả nguyên nhân gây ra chóng mặt không chỉ đơn giản là thiếu máu. Khi không xác định được nguyên nhân cụ thể mà tự đi mua thực phẩm về bổ máu sẽ dẫn đến tình trạng dư Sắt, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn. Chúng ta không giải quyết được tình trạng chóng mặt mà còn gây ra tình trạng làm hại đến sức khỏe. Vì vậy, không nên tự mua sản các phẩm bổ sung sắt cho người bệnh chóng mặt.

7. Nhận diện chóng mặt do thiếu máu não như thế nào? Có nên bổ sung thực phẩm bổ não?

Xin BS cho quý khán giả biết, chóng mặt do thiếu máu não được nhận diện như thế nào? Khi chóng mặt, chúng ta có nên bổ sung các sản phẩm bổ não không?

TS.BS Lê Viết Thắng trả lời: Chóng mặt do thiếu máu não trong thuật ngữ chuyên ngành còn gọi là cơn thoáng thiếu máu não. 87% bệnh nhân có cơn thoáng thiếu máu não sẽ bị chóng mặt. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp chóng mặt đều có tình trạng thiếu máu não. Đây là vấn đề cần phân định rõ ràng.

Cơn thoáng thiếu máu não sẽ có một nguyên nhân là hẹp mạch máu trong nội sọ. Từ đó gây ra tình trạng cơn thoáng hoặc nhồi máu não diễn tiến. Không chỉ đơn thuần nghĩ rằng, chóng mặt là do thiếu máu não mà cần tìm ra nguyên nhân người bệnh có bị hẹp hoặc xơ vữa mạch máu não hay không. Từ đó, bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị chuyên sâu hơn.

Chúng ta không thể sử dụng thuốc bổ não trên thị trường để điều trị chóng mặt do cơn thoáng thiếu máu não. Vì thuốc không điều trị đúng nguyên nhân gây bệnh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta.

8. Bị chóng mặt phải xử trí như thế nào? Cần chú ý gì về tư thế trong sinh hoạt?

Một người khi bị chóng mặt cần được xử trí như thế nào để qua cơn này? Người bệnh cần lưu ý gì về động tác, tư thế, công việc mà họ đang sinh hoạt, thưa BS?

TS.BS Lê Viết Thắng trả lời: Khi người bệnh có tình trạng chóng mặt, nên ngồi nghỉ ngơi, nằm kê cao đầu trên 30˚, tránh thay đổi tư thế đầu nhanh và đột ngột. Bệnh nhân nên uống nhiều nước và cần tránh động tác di chuyển vì người bệnh dễ té, chấn thương đầu hoặc gây chấn thương cho người khác. Cần uống nhiều nước, việc bổ sung năng lượng và nghỉ ngơi tại giường sẽ giúp cho bệnh nhân tránh được cơn chóng mặt cấp tính này.

9. Người thường xuyên chóng mặt cần lưu ý gì trong chế độ dinh dưỡng?

Người thường xuyên bị chóng mặt cần tăng cường bổ sung loại thực phẩm nào và hạn chế thực phẩm nào trong chế độ dinh dưỡng, thưa BS?

TS.BS Lê Viết Thắng trả lời: Việc bổ sung dinh dưỡng cho người thường bị chóng mặt, cần tập trung về hiệu quả của những loại thực phẩm đó đối với nguyên nhân gây chóng mặt để mang lại hiệu quả tốt nhất. Trên lâm sàng, có thể sử dụng thực phẩm liên quan đến magie, có nhiều trong thịt bò, gan, cá, trứng, sữa, rau xanh. Người bệnh cần uống nhiều nước (khoảng 2 lít nước mỗi ngày). Người bệnh cần tập thể dục, giữ sức khỏe tốt, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng. Từ đó, mới có thể giảm được tình trạng chóng mặt.          

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X