Hotline 24/7
08983-08983

Chàng trai 15 năm không há được miệng

Nhập viện trong tình trạng đau nhức xương hàm, không thể nói hay nhai thức ăn, anh Tùng bất ngờ khi được biết mình bị cứng khớp thái dương hàm.

Anh Tùng (Thái nguyên) là một trong số rất nhiều người bị cứng khớp thái dương hàm, tới khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt và cuộc sống.

Chàng trai 27 tuổi này cho biết, 15 năm trước, khi mẹ mới mất, bố anh sinh ra nghiện rượu, và hay đánh mắng các con. Nhiều lần anh bị bố đấm mạnh vào mặt vì những chuyện cỏn con. Khi đó, anh thấy rất đau vùng hàm tới thái dương, nhưng không dám nói với ai. Dần dần mồm anh cứ cứng lại không thể nào há to ra được, cuối cùng Tùng chỉ còn há miệng được khoảng 2-3 mm.

Suốt mười mấy năm liền anh chỉ ăn uống được các loại cháo, súp sau khi đã ninh nhừ và húp qua các kẽ răng. Sau này khi có điều kiện bà con họ hàng cũng đưa Tùng lên bệnh viện huyện khám nhưng các bác sỹ cũng chỉ biết lắc đầu. "Khi ấy, ước mơ của tôi chỉ giản dị là có thể há miệng lớn để ăn miếng cơm hay miếng thịt thật to", anh kể lại.

Một ca mổ phối hợp với chuyên gia nước ngoài tại khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt, BV Việt Đức. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Cũng tìm tới BV Việt Đức sau khi đã đi khám ở không ít bệnh viện và sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau mà chỉ há miệng được 5 mm, anh Quang (Bắc Ninh) được chẩn đoán cứng khớp thái dương hàm. Khi hỏi chuyện, các bác sĩ phát hiện, anh vốn bị động kinh và hồi nhỏ từng ngã đập đầu khi lên cơn. Sau đó, vì chấn thương không nặng nên anh không điều trị gì. Nhưng từ đó, thỉnh thoảng anh lại thấy bị đau cứng khớp hàm, và tình trạng ngày càng nặng hơn, tới khi không thể nói năng hay ăn uống gì được thì mới tìm tới bác sĩ.

Cả hai bệnh nhân Quang và Tùng đã được các bác sỹ khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt, BV Việt Đức chẩn đoán mắc bệnh cốt hóa khớp thái dương hàm. Hai người đã được phẫu thuật cắt bỏ lồi cầu và ghép mỡ tự thân cho kết quả tốt. Sau mổ bệnh nhân có thể há miệng đủ to để đút vừa 2-3 ngón tay, sức khỏe dần dần hồi phục, cũng như đã có thể nói, ăn uống được.

BS Bùi Mai Anh cho biết, cứng khớp thái dương hàm hay còn gọi là cốt hóa khớp thái dương hàm là bệnh lý khá phức tạp nhưng ít người biết tới kể cả với các nhân viên y tế. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, thường là sau chấn thương (do tai nạn giao thông, bị đánh, ngã đập hàm...), hoặc do tia xạ chiếu vào vùng đó. Một số trường hợp bị bệnh do viêm nhiễm gây dính và dần dần dẫn tới thoái hóa khớp hàm. 

Kết quả từ phim chup CT cho thấy hình ảnh dính khớp thái dương hàm của một bệnh nhân.
Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đa số người bệnh thường không để ý trong thời gian đầu mắc, và thường nhập viện trong tình trạng bệnh đã rất nặng, ảnh hưởng tới sinh hoạt và các chức năng nói, ăn uống.

Trong khi đó, theo BS Bùi Mai Anh, nếu đi khám sớm, bệnh nhân có thể chỉ cần được nắn lại khớp xương hàm cho về vị trí đúng rồi tập phục hồi chức năng là khỏi.

Bác sĩ khuyến cáo, người bệnh khi thấy các triệu chứng như: đau nhức vùng xương hàm thái dương, nhất là khi ăn đồ cứng, khi há miệng thấy có tiếng kêu lục khục trong tai; dần dần hạn chế há miệng thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám ngay.

Từ ngày 26/3, giáo sư Keller (Đại học Mayo Clinic, Mỹ) chuyên gia hàng đầu thế giới về khớp thái dương hàm và phẫu thuật nắn chỉnh xương hàm cho các bệnh nhân dị tật hàm mặt sẽ kết hợp cùng các bác sĩ khoa phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt, BV Việt Đức, khám bệnh và phối hợp phẫu thuật.

Các bệnh nhân có thể tới khám từ thứ 2 tới thứ 6 trong tuần tại khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt Tầng 3 nhà B5 BV Việt Đức (Số 14 phố Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoặc gọi theo số: 0438253531 (số máy lẻ 350) hay 043.9381820 để được tư vấn.

 AloBacsi.vn  (Theo VnExpress)
* Tên các nhân vật đã được thay đổi
 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X