Hotline 24/7
08983-08983

Chẩn đoán sớm ung thư vú, tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể đạt đến 97%

Đó là một trong những chia sẻ quan trọng được BS.CK1 Nguyễn Đặng Uy Bảo - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM nhấn mạnh trong bối cảnh tỷ lệ ung thư vú tại Việt Nam đã tăng gấp hơn 2 lần trong 20 năm trở lai đây.

Trong khi phiên Tổng quát 1 của Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện Ung Bướu TPHCM năm 2023 cung cấp những tiến bộ mới trong phương pháp điều trị ung thư, thì phiên Tổng quát 2 mang lại 5 nghiên cứu tập trung vào các kỹ thuật mới về chẩn đoán, tầm soát và điều trị ung thư ở giai đoạn sớm.

Với bài báo cáo “Đánh giá đáp ứng điều trị lymphôm không hodgkin amiđan giai đoạn sớm với phác đồ có Rituximab”, BS.CK2 Nguyễn Thị Trang Dung - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho biết, Lymphôm không Hodgkin (LKH) là nhóm bệnh lý tăng sinh tế bào lymphô ác tính. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2012, LKH có tỷ lệ ca mắc mới xếp thứ 8 đối với nam giới và thứ 10 đối với nữ giới.

Chủ đề “Đánh giá đáp ứng điều trị lymphôm không hodgkin amiđan giai đoạn sớm với phác đồ có Rituximab”, BS.CK2 Nguyễn Thị Trang Dung - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

Theo nghiên cứu, khảo sát 68 bệnh nhân LKH Amidan nguyên phát giai đoạn sớm tại bệnh viện Ung Bướu, trong đó 31 ca hóa trị có Rituximab (R) và 37 ca hóa trị đơn thuần không có Rituximab. BS.CK2 Nguyễn Thị Trang Dung kết luận, tỉ lệ đáp ứng điều trị của nhóm có R cao hơn hẳn nhóm không R với đáp ứng hoàn toàn là 80,6% so với 48,6%. Tỉ lệ sống còn toàn bộ, sống còn không bệnh cao hơn 100% so với 71,8%. Do vậy, chuyên gia kiến nghị, nên sử dụng Rituximab phối hợp với hóa trị đối với lymphôm không Hodgkin amiđan nguyên phát có CD20(+) để tăng hiệu quả điều trị.

Trong báo cáo “Tình hình sử dụng đường truyền tĩnh mạch trung tâm tại khoa Ung Bướu Huyết Học Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố”, CNĐD. Quách Thanh Tuyền - Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cho biết, nghiên cứu bắt đầu tiến hành từ tháng 12/2019 đến tháng 12/2022, ghi nhận 78 bệnh nhân được chăm sóc buồng tiêm dưới da trong quá trình điều trị tại Khoa Huyết học Lâm sàng, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. Trong các bệnh lý ung thư cần sử dụng buồng tiêm dưới da, bạch cầu cấp dòng lympho chiếm tỉ lệ cao nhất (60,3%).

Bài báo cáo “Tình hình sử dụng đường truyền tĩnh mạch trung tâm tại khoa Ung Bướu Huyết Học Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố” của CNĐD. Quách Thanh Tuyền - Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Qua nghiên cứu, CNĐD. Quách Thanh Tuyền kết luận, buồng tiêm dưới da là đường truyền tĩnh mạch thường được sử dụng cho bệnh nhân ung thư. Kết quả cho thấy, số bệnh nhân không mắc biến chứng chiếm 78,3%, bệnh nhân gặp biến chứng khi sử dụng buồng tiêm dưới da chiếm tỉ lệ 21,7%. Trong đó, tỉ lệ nhiễm trùng huyết liên quan buồng tiêm dưới da chiếm 9%, tương ứng 0,43/1000 ngày chăm sóc catheter. Các tác nhân nhiễm trùng thường gây nên biến chứng là Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae. Từ đó cho thấy kỹ thuật chăm sóc của điều dưỡng và việc theo dõi, chăm sóc buồng tiêm dưới da của thân nhân là vô cùng quan trọng đối với những bệnh nhân sử dụng loại đường truyền tĩnh mạch trung ương này.

Tiếp nối phiên báo cáo, BS.CK1 Nguyễn Hoàng Nhật Khanh - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM mang đến nghiên cứu “Chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp - Hệ thống LUNG-RADS trong tầm soát ung thư phổi”.

Nghiên cứu “Chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp – Hệ thống LUNG-RADS trong tầm soát ung thư phổi” do BS.CK1 Nguyễn Hoàng Nhật Khanh – Bệnh viện Ung Bướu TPHCM trình bày

Chia sẻ về hệ thống LUNG-RADS, vị chuyên gia cho biết, đây được coi là tiêu chuẩn vàng trong việc đánh giá và phân loại kết quả liều thấp (LDCT) cho phổi. Hệ thống này được phát triển bởi Tổ chức Nghiên cứu và Đánh giá Sức khỏe (ACR) vào năm 2014, và cập nhật gần đây nhất vào 11/2022, với mục đích giúp các chuyên gia y tế đánh giá kết quả của LDCT một cách chính xác và đồng nhất.

Bên cạnh đó, BS.CK1 Nguyễn Hoàng Nhật Khanh nhấn mạnh, sử dụng hệ thống LUNG-RADS, việc phát triển chiến lược phòng chống ung thư phổi trở nên thuận lợi hơn với khả năng tiếp cận từ giai đoạn sớm. Đồng thời, giúp bệnh nhân và gia đình giảm bớt gánh nặng về chi phí điều trị, thời gian sống còn cho bệnh bệnh nhân tăng lên. Tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên Y tế.

Báo cáo về nghiên cứu “Sinh thiết vú định vị nổi có hỗ trợ hút chân không trong chẩn đoán và quản lý vi vôi hóa nghi ngờ ác tính dưới nhũ ảnh”, BS.CK1 Nguyễn Đặng Uy Bảo - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho biết, ung thư vú là một trong những loại ung thư hay gặp nhất ở phụ nữ. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1 triệu người mới được chẩn đoán mắc ung thư vú.

“Sinh thiết vú định vị nổi có hỗ trợ hút chân không trong chẩn đoán và quản lý vi vôi hóa nghi ngờ ác tính dưới nhũ ảnh” của BS.CK1 Nguyễn Đặng Uy Bảo – Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư vú tăng hơn 2 lần trong 20 năm trở lại đây. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, Việt Nam có 21.555 ca mắc mới ung thư vú, là loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới, chiếm đến 25,8% tổng các loại ung thư ở phụ nữ. Cùng năm, hơn 9.345 trường hợp tử vong vì căn bệnh này, đứng thứ ba sau ung thư gan và ung thư phổi.

Vị chuyên gia thông tin thêm, ung thư vú nếu được chẩn đoán sớm, tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể đạt đến 97%. Vi vôi hóa là một trong các dấu hiệu sớm của bệnh, gần 1/2 trường hợp ung thư vú có vi vôi hóa và 1/3 trường hợp chỉ có vi vôi hóa nghi ngờ trên nhũ.

Qua trình bày về kỹ thuật triển khai sinh thiết vú, BS.CK1 Nguyễn Đặng Uy Bảo kết luận, kỹ thuật sinh thiết vú định vị nổi có hỗ trợ hút chân không là kĩ thuật chẩn đoán ít xâm lấn, chính xác cao, ít gây biến chứng, chất lượng mẫu mô sinh thiết tốt, giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị dễ dàng.

Cùng nghiên cứu về kỹ thuật chẩn đoán ung thư vú, BS.CK1 Nguyễn Hòa Chí Phong - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM mang đến một phương pháp chẩn đoán ung thư vú mới qua hình ảnh. Với bài báo cáo “Nhũ ảnh có tiêm cản quang (Contrasted-enhanced mammography) - (CEM): Giới thiệu và ứng dụng trong chẩn đoán Ung thư vú”, BS Chí Phong kết luận, độ nhạy và đặc hiệu CEM chẩn đoán ung thư vú lần lượt 85% và 77% - CEM khả năng chẩn đoán tốt hơn nhũ ảnh thường quy trong tầm soát ung thư vú, đặc biệt ở phụ nữ vú đặc.

Nhũ ảnh có tiêm cản quang (Contrasted-enhanced mammography) – (CEM): Giới thiệu và ứng dụng trong chẩn đoán Ung thư vú”, BS.CK1 Nguyễn Hòa Chí Phong – Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

Bên cạnh đó, do độ nhạy CEM cao hơn giúp giảm tỷ lệ âm tính giả. Bệnh nhân có nguy cơ cao thường muốn tầm soát ung thư vú bằng CEM hơn MRI vú do: dễ chịu hơn, rút ngắn thời gian có kết quả, chi phí thấp. Liều bức xạ của CEM ở mức giới hạn cho phép trong các hướng dẫn chất lượng nhũ ảnh tại châu Âu và Anh.

Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện Ung Bướu TPHCM là sự kiện nhân kỷ niệm 38 năm thành lập bệnh viện (15/5/1985 - 15/5/2023). Đây là lần đầu tiên hội nghị được diễn ra tại cơ sở mới (số 12 Đường 400, Phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) vào ngày 12/5/2023 vừa qua, với 36 bài báo cáo diễn ra trong 1 ngày. Trong đó, có 1 phiên Toàn thể và 6 phiên chuyên đề về Ung thư tổng quát, Nội khoa và Phẫu thuật và 3 phiên hội thảo vệ tinh.

Hội nghị thu hút đông đảo các chuyên gia đầu ngành về điều trị ung thư trong và ngoài nước, bao gồm: Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông. Các chuyên gia đến từ nhiều tỉnh, thành  phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ,... cùng các Đơn vị Y tế, Trường Đại học Y khoa, Công ty Dược, Trang thiết bị y tế trên cả nước quy tụ về.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X