Hotline 24/7
08983-08983

Chăm sóc vết bỏng ở người tiểu đường sao cho nhanh lành?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương khuyến cáo, với người tiểu đường nếu các vết thương mà chăm sóc tại nhà lâu lành là cần phải đến khám lại tại chuyên khoa Nội tiết để được hướng dẫn, xử trí đúng cách, tránh tình trạng nhiễm trùng lan rộng.

Ba em bị phỏng mà nó lâu lành quá, từ ngày 14/11 đến ngày 22/11 rồi mà nó vẫn chảy dịch vàng như thế thì có sao không? Ba em có tiền sử tiểu đường type 2 khoảng hơn 10 năm cao huyết áp và suy thận nhẹ do biến chứng tiểu đường.

Lê Tiến Đạt - aloneo...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Tiến Đạt thân mến,

Nước vàng trong rỉ ra từ vết thương chính là huyết tương, là dịch vô trùng có tác dụng làm mát, ẩm và che chắn vết thương. Tuy nhiên dịch này là môi trường tốt để vi khuẩn xâm nhập, đặc biệt là người bệnh tiểu đường thì càng dễ nhiễm trùng hơn.

Để vết thương lành tốt thì phải vừa phối hợp chăm sóc vết thương hằng ngày đúng cách và kiểm soát đường huyết (không để quá cao hay quá thấp), có dấu hiệu nhiễm trùng là phải xử lý ngay tránh nhiễm trùng lan rộng.

Cho nên, bất kỳ vết thương nào ở bệnh nhân tiểu đường mà chăm sóc tại nhà lâu lành là cần phải đến khám lại tại chuyên khoa Nội tiết, để BS trực tiếp đánh giá vết thương, kiểm tra lại đường huyết, dấu hiệu nhiễm trùng, cách chăm sóc hàng ngày ra... từ đó mới đưa ra hướng xử lý thích hợp được. Em đưa ba đi khám lại tại chuyên khoa Nội tiết càng sớm càng tốt, em nhé!

Bị mèo đang mang thai cắn, có cần tiêm ngừa dại?

Em bị con mèo đang mang thai cắn, vết thương khoảng 2mm rướm máu. Em đã rửa xà phòng, máu không chảy ra thì có cần tiêm không ạ? Em bị cắn trên bàn tay phải ạ.

Trân - traniun...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Em thân mến,

Trên nguyên tắc khi bị chó mèo cắn là cần tiêm phòng dại sớm, đặt biệt là chó mèo hoang, đang có biểu hiện dại hay đã xác định bị dại là phải đi chích ngừa ngay trong ngày. Nhưng mà, có 1 số trường hợp ít có nguy cơ bị dại, như trong trường hợp mèo đang mang thai, thì em có 2 hướng giải quyết.

Một là, theo dõi con mèo này thêm 10 ngày, nếu nó vẫn còn sống thì chứng tỏ thời điểm cắn em là nó không bị dại, và vì thế em cũng không nhiễm dại, không cần chích ngừa. Hai là, vừa chích ngừa vừa theo dõi con mèo đó, nếu nó còn sống sau 10 ngày thì ngừng tiêm ngừa dại 2 mũi dại cuối cùng - lúc này là em tiêm ngừa được 3 mũi rồi (liệu trình tiêm ngừa dại đến 5 mũi lận), còn nếu nó chết đi vì bất kể lý do gì hay mất dấu theo dõi thì chích đủ 5 mũi vắc xin ngừa dại.

Chó vẫn sống sau 15 ngày cắn người, liệu có nhiễm dại?

Xin chào bác sĩ,

Em bị chó cắn ngày 28/9 năm 2020 em có chích 3 mũi vào ngày 0-3-7 đến mũi thứ tư thì bác sĩ bảo ngừng tiêm vì sau 15 ngày nó vẫn sống khỏe, không có biểu hiện dại. Tính nay là đã được gần hai tháng chó cắn nó vẫn sống bình thường. Em xin hỏi bác sĩ là lúc chó cắn nó đã dại chưa ạ. Em lo đến mất ăn mất ngủ. Mong bác sĩ hồi đáp sớm. Em cám ơn.

Lê Quý Bửu Châu - Lequyb...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Bửu Châu thân mến,

Trong tình huống của em, tại thời điểm con chó con cắn em thì chắc chắn nó không bị nhiễm dại, vì nó vẫn còn sống qua mốc 15 ngày sau đó, do đó tại thời điểm đó chắc chắn em không bị lây virus dại, và vì thế em có thể không cần tiêm phòng dại tiếp tục 2 mũi còn lại đâu.

Nếu em cảm thấy mình lo lắng mỗi việc này mà đến mất ăn mất ngủ, cần xem lại mình có bị rối loạn lo âu hay không, nếu có thì nên điều trị bệnh này ở chuyên khoa Nội thần kinh, vì rối loạn lo âu có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày của mình lắm, không nên xem nhẹ hay tự cho rằng "thần kinh yếu", em nhé.

Vết thương do chuột cắn sưng và chảy mủ, nên làm gì?

Chào BS, tôi bị chuột nhà cắn được 1 hôm nay rồi, tại vết cắn bị sưng lên và có mủ màu trắng chảy ra, liệu có nguy hiểm không và nên dùng thuốc gì ạ?

Lò Văn Tiển - lotjen19...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Thứ nhất, vết thương chảy máu từ chuột nhắt, chuột cống cắn (không phải dòng thú cưng nuôi trong nhà như chuột Hamster) có thể lây truyền các bệnh sau: bệnh dại, uốn ván, sốt do nhiễm (Spirillum minus hoặc Streptobacillus moniliformis)…

Hiện nay chúng ta có vắc xin phòng ngừa dại và uốn ván do chuột cắn, nhưng các bệnh còn lại thì phải theo dõi thêm vì chưa có vắc xin phòng ngừa. Điều này không có nghĩa là khi bị chuột cắn thì sẽ bị tất cả các bệnh có thể nhiễm từ chuột, cho nên, bạn đừng lo lắng quá, cứ theo dõi sức khỏe của mình, chăm sóc vết thương cho tốt, khi có biểu hiện bất thường như sốt, nổi ban, đau cơ... thì đến bệnh viện để kiểm tra và cung cấp thông tin tiền sử bị chuột cắn cho BS.

Thứ hai, vết thương của bạn đang có dấu hiệu nhiễm trùng, cần phải được làm sạch và dùng thuốc kháng sinh. Vì thế, bạn cần đến trạm y tế gần nhà để được xử lý vết thương, kê thuốc uống và tiêm ngừa dại, tiêm ngừa uốn ván, bạn nhé!

Chỉ số Lym và Gran tăng nhẹ, có bất thường?

Chỉ số lym và gran của xét nghiệm tổng phân tích của em hơi tang hơn chỉ số bình thường thì có sao không ạ?

Đặng Viết Dũng - dutod...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Bạn thân mến,

Xét nghiệm cho các chỉ số của tế bào máu hiện nay đang dùng rộng rãi là xét nghiệm “tổng phân tích tế bào máu bằng tia laser”. Lym và Gran là hai chỉ số của 2 dòng bạch cầu trong máu. Khi quét qua tia laser, máy có thể có lầm lẫn trong giới hạn cho phép khi phân định các loại tế bào máu, nói cách khác là có thể có sai số khách quan.

Do đó, nếu hai chỉ số này chỉ hơi tăng nhẹ, các chỉ số khác thì bình thường, cơ thể cảm thấy không có gì khó chịu, các loại xét nghiệm khác cũng bình thường thì có thể an tâm rằng nhiều khả năng đây chỉ là sai số trong công thức máu mà thôi, không có bệnh.

Ngược lại, nếu cơ thể đang gặp vấn đề gì khó chịu, thì em cần trao đổi với bác sĩ kê chỉ định này cho mình, để bác sĩ kết hợp với các thông tin khi khám lâm sàng, bệnh sử và tiền sử, các xét nghiệm còn lại để đưa ra lời lý giải hợp lý và hướng xử lý thích hợp cho em, em nhé

Mất ngủ, làm sao để ngủ được?

Tôi bị mất ngủ, ngủ không được, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi. Mong bác sĩ tư vấn giúp thuốc chữa và phương pháp với ạ?

Lê Văn Nam - Baonam...@gmai.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Bạn thân mến,

Giấc ngủ rất là quan trọng đối với sức khỏe, mất ngủ sẽ gây ảnh hưởng hàng loạt lên sức khỏe thể chất (đau đầu, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt…), và cả tinh thần (suy nghĩ lung tung, trầm cảm…).

Đầu tiên hết là phải tìm nguyên nhân gây mất ngủ, bao gồm các nguyên nhân thường gặp như rối loạn tuần hoàn máu não, trầm cảm, lo âu, suy nhược thần kinh, stress, do thuốc, thay đổi chế độ sinh hoạt (uống cafe, tập thể dục trước ngủ, không gian ngủ bị thay đổi...); sau đó là các bệnh lý có thể gây rối loạn giấc ngủ như bệnh lý nội tiết, bệnh gan...

Do đó, bạn nên khám chuyên khoa nội tổng quát để tìm xem có bệnh lý gì gây mất ngủ hay không, để bác sĩ kê thuốc hỗ trợ điều trị tương ứng.

Song song đó, để cải thiện tình trạng mất ngủ, bạn có thể áp dụng những điều sau: Không nằm hoặc ngủ vặt ban ngày, chỉ ngủ trưa 30 phút đến 1 giờ; Nên tắm nước ấm trước khi ngủ tối; Phòng ngủ bố trí thoáng mát, yên tĩnh, ít ánh sáng; Không sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà, rượu, bia, đồ uống có ga và các gia vị cay nóng và không ăn no và ăn các chất khó tiêu trước khi ngủ tối; Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, hạn chế suy nghĩ bi quan, căng thẳng.

Hay bị đỏ mặt, nguyên nhân do đâu và cách điều trị thế nào?

BS cho em hỏi, da mặt em lúc nào cũng bị đỏ hết. Thời tiết nào cũng vậy. Bắt đầu từ buổi trưa trở đi hay bị đỏ. BS cho em hỏi nguyên nhân là bị gì vậy ạ?

Hà Thị Ngọc Trinh - hatrinh65...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Ngọc Trinh thân mến,

Hiện tượng đỏ mặt đơn thuần (không kèm theo mụn trứng cá, không do hóa chất, thuốc (corticoid), không do bệnh lý như lupus) là do hệ mạch máu dưới da phong phú và đáp ứng co dãn mạch cũng mạnh mẽ hơn người bình thường khác nên khi có các yếu tố kích thích gây dãn mạch như tăng cảm xúc, chất cồn, tăng nhiệt độ môi trường... thì mặt sẽ bừng đỏ nhanh chóng. Đây là do yếu tố cơ địa, không phải là bệnh nên không cần điều trị.

Khi đỏ mặt mà có kèm mụn trứng cá (dù là trước đây nhưng nhiều), có sử dụng mỹ phẩm, bôi thuốc, đỏ mặt kèm ngứa, bong da, phù nề hay đỏ khu trú quanh cánh mũi khi tiếp xúc ánh nắng (lupus) thì không còn là đỏ mặt đơn thuần, cần phải khám BS để kiểm tra.

Để điều trị bệnh đỏ mặt cần thời gian dài, em nên đến khám BS da liễu để kiểm tra chi tiết và chọn lựa điều trị thích hợp.

Nhờ AloBacsi xem giúp em kết quả xét nghiệm giun

Bác sĩ cho em hỏi kết quả xét nghiệm vậy có bị nhiễm giun không ạ:

Strongyloides stercoralis IgG Pot 0.37 OD (<0.2OD : grayzone :0.2-0.3 Toxocara IgG (Elisa) Pọt 0.46 OD (<0.25 OD grayzone : 0.25-0.35)

Vi Văn anh - Anhl...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Em thân mến,

Kết quả này cho thấy em có nhiễm giun lươn (Strongyloides stercoralis) và giun đũa chó mèo (Toxocara). Người đã từng bị nhiễm nhưng đã trị hết hay người mới nhiễm 2 loại giun này đều có thể cho kết quả dương tính như trên.

Do đó, em cần đến gặp BS chuyên khoa Nhiễm để BS xem xét triệu chứng hiện tại của em (như ngứa), tiền căn sử dụng thuốc tẩy giun, các xét nghiệm còn lại (như công thức máu...) để quyết định chọn lựa điều trị ra sao, em nhé!

Vết thương dạng áp xe nên thay băng như thế nào?

Bác sĩ ơi em mới mổ áp xe vùng nách, khi mổ BS phẫu thuật có nhét gạc vào trong vết mổ để mở miệng vết thương. BS cho em hỏi khi nào thì có thể lấy miếng gạc đó ra ạ, em cần đến viện để lấy không hay tư lấy tại nhà được ạ? Em cảm ơn.

Ngọc Phạm - Ngocpham...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Ngọc Phạm thân mến,

Với vết thương dạng áp xe, sau khi BS mổ dẫn lưu mủ, sẽ nhét gạc vào trong hốc của ổ áp xe để mở miệng vết thương và dẫn lưu mủ ra ngoài, giúp cho vết thương đầy dần lên.

Gạc này cần phải được lấy ra mỗi ngày, sau đó rửa và sát khuẩn vết thương rồi nhét gạc mới vào, sau đó băng lại. Việc này sẽ lặp lại mỗi ngày cho đến khi hốc của ổ áp xe nông dần, hay đầy dần lên thì không cần nhét gạc nữa mà chỉ rửa và thay băng mỗi ngày thôi.

Mới ban đầu em sẽ chưa quen với việc thay băng đâu, cho nên, em nên đến bệnh viện để nhân viên y tế thay băng cho em vài lần, rồi em quen dần thì có thể tự làm ở nhà, em nhé!

Đang điều trị ung thư, có được bổ sung glucosamine?

Thưa BS, mẹ cháu bị ung thư và đang trong quá trình điều trị nhưng mẹ cháu bị xương khớp. Cháu muốn bổ sung glucosamine cho mẹ cháu liệu có uống được không ạ?

Mai Thị - ltma...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Glucosamine là thực phẩm chức năng giúp tăng tạo chất nhờn cho khớp. Glucosamine khá là "lành tính" vì ít tương tác với các thuốc điều trị khác, trong đó có thuốc trị ung thư. Cho nên, mẹ em có thể bổ sung thêm glucosamine trong quá trình điều trị ung thư.

Tuy nhiên, chưa chắc gì mẹ em đau là do thiếu chất nhờn ở khớp, mà có thể mẹ em đau xương khớp do nguyên nhân khác (như thiếu calci, viêm khớp, do bệnh ung thư...), vì thế em nên hỏi BS điều trị cho mẹ em về nguyên nhân gây đau xương khớp của mẹ, để uống đúng thuốc thì sẽ tốt hơn, dù chỉ là thực phẩm chức năng đi nữa, em nhé.

Tay bị tật và cong hơn 20 năm mới điều chỉnh liệu có hiệu quả?

Kính chào quý bác sĩ,

Tôi năm nay 28, bị gãy khuỷu tay trái lúc 5 tuổi và sau đó tay bị tật và bị cong. Tôi muốn hỏi trường hợp của mình có cách nào chữa trị được không? Có thể nán bóp hay là phải phẫu thuật. Nếu phẫu thuật thì chi phí khoảng bao nhiêu? Rất mong được sự phản hồi của quý bác sĩ. Xin cảm ơn nhiều.

Phụng Thiên - phungthien...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Em thân mến,

Sau khi gãy khuỷu tay, trật khớp khuỷu tay, nếu không được xử lý đúng cách có thể gây ra khớp giả, khớp xấu làm biến dạng và hạn chế cử động ở khuỷu tay. Việc xử lý không đúng cách có thể từ việc bó lá, bó thuốc, có khi là bó bột nhưng tự ý tháo bột sớm, hay tháo bột đúng hẹn nhưng thấy khớp xấu không sửa sớm...

Các trường hợp khớp giả khớp xấu lẽ ra xử trí càng sớm càng tốt, ngay khi tháo bột, tháo vải bó mà thấy tay cong cong, không duỗi thẳng được là phải khám chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để chụp phim X-quang kiểm tra để điều chỉnh ngay, để càng lâu như hiện nay là khó điều chỉnh hơn nhiều vì can xương ở chỗ khớp giả khớp xấu đã mọc chắc rồi.

Tình trạng này vẫn có thể điều chỉnh được nhưng phải làm ở trung tâm chấn thương chỉnh hình - phục hồi chức năng lớn, còn điều chỉnh bằng cách nào (tập vật lý trị liệu hay phẫu thuật lại) thì em phải khám bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để đánh giá mức độ, từ đó BS mới đưa ra hướng điều trị thích hợp được, cùng với chi phí tương ứng để em chuẩn bị. Càng trẻ và xương mới liền thì dễ trị hơn người lớn tuổi, bệnh để lâu, em nhé!

Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X