Cha mẹ cần lưu ý gì khi chăm sóc trẻ F0 tại nhà?
Bạn có con nhỏ mắc COVID-19 và đang theo dõi tại nhà? Bạn lo lắng không biết nên làm gì? Hãy lắng nghe những chia sẻ của PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Chủ nhiệm Bộ môn Nhi - Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng đơn vị điều trị COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 1 về vấn đề này, để có kinh nghiệm chăm sóc trẻ F0 đúng cách.
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Biến thể Delta khiến trẻ nhập viện và tử vong cao
Thưa PGS, nhiều phụ huynh rất lo lắng khi số trẻ em bị bệnh COVID-19 ngày càng nhiều, và mới đây có bản tin “thành phố ghi nhận 14.800 trẻ mắc COVID-19, trong đó đã có 13 trường hợp tử vong từ đầu năm đến nay”. Xin BS cho biết có phải biến thể Delta làm cho trẻ nhập viện và tử vong nhiều hơn, và có phải là nghiêm trọng không ạ?
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên:
Hiện, Việt Nam đã trải qua 3 làn sóng dịch COVID-19 lớn và đang phải chống chọi với đợt bùng dịch thứ 4, số ca nhiễm ghi nhận hàng ngày rất nhiều. Trong đó, có 15.000 trẻ em mắc COVID-19, khoảng 20 trẻ nhỏ đã tử vong.
Biến thể Delta làm cho tỷ lệ lây nhiễm tăng lên nhanh chóng, khiến cho số lượng người lớn và trẻ nhỏ nhập viện tăng cao. Ở Việt Nam đã ghi nhận trường hợp trẻ tử vong do biến thể Delta, đa phần ở trẻ có cơ địa đặc biệt.
2. Trẻ em bị lây nhiễm SARS-CoV-2 như thế nào?
Con đường lây truyền SARS-CoV-2 ở trẻ em có khác gì so với người lớn, thưa PGS? Trong đó, có cả trẻ sơ sinh cũng bị bệnh COVID-19 thì có phải là lây qua sữa mẹ không ạ?
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên:
Con đường lây nhiễm SARS-CoV-2 giữa người lớn và trẻ em đa phần giống nhau là đều lây qua đường hô hấp, giọt bắn, chất tiết, lây khi tiếp xúc hoặc không khí. Tuy nhiên, trẻ nhỏ có thể bị lây nhiễm từ người lớn và ngược lại trẻ cũng có khả năng lây ngược cho người lớn.
Đối với trẻ sơ sinh, mẹ có thể truyền bệnh sang con khi nhiễm bệnh ở tam cá nguyệt thứ 3, nhưng tỷ lệ này rất thấp.
Hiện, mặc dù đã có nghiên cứu virus có trong sữa, nhưng điều này vẫn chưa đủ để xác định đây là một nguồn lây. Theo Tổ chức Y tế Thế giới và CDC khuyến cáo, các bà mẹ vẫn nên cho trẻ bú sữa mẹ bình thường.
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Chủ nhiệm Bộ môn Nhi - Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng đơn vị điều trị COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 1
3. Các mức độ khi mắc bệnh COVID-19 ở trẻ nhỏ?
Bệnh COVID-19 ở trẻ em được chia thành bao nhiêu mức độ? Và đa số trẻ đang ở mức độ nào?
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên:
Bệnh COVID-19 ở trẻ nhỏ chia thành 5 mức độ:
- Thứ nhất, không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Hầu hết trẻ đều nằm ở mức độ này.
- Thứ 2, mức trung bình như người lớn, nghĩa là đã có tổn thương phổi nhưng không nặng.
- Thứ 3, khoảng 2% trẻ có thể nặng (người lớn 5-10%) và mức độ nguy kịch là 0,7%.
Điều đó cho thấy, mức độ nặng và nguy kịch ở trẻ sẽ ít hơn người lớn.
4. Đối tượng trẻ nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ bệnh chuyển nặng?
Những trẻ nào có nguy cơ bệnh chuyển nặng rất nhanh sau khi dương tính với SARS-CoV-2 ạ?
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên:
Ở người lớn sẽ có nhiều yếu tố nguy cơ khiến bệnh chuyển nặng như béo phì, bệnh nền (tim mạch, tiểu đường, huyết áp), người lớn tuổi,…
Nhưng ở trẻ em, đối tượng nặng nằm ở 2 nhóm chính là trẻ béo phì và có cơ địa bệnh nền đặc biệt như: suy giảm miễn dịch, bệnh lý thần kinh cơ (chậm phát triển, bại não, bệnh hô hấp mãn tính, vận động kém, hội chứng Down).
Đối với trẻ sơ sinh, nếu sanh non cũng là một yếu tố nguy cơ nặng.
Nhưng nhìn chung nguy cơ chuyển nặng ở trẻ em sẽ ít hơn so với người lớn.
5. Dấu hiệu cảnh báo trẻ nhiễm COVID-19 chuyển nặng?
Theo PGS, thường thì trẻ bị bệnh COVID-19 trong bao nhiêu ngày? Các dấu hiệu cảnh báo bệnh của trẻ trở nặng là gì? Đặc biệt với gia đình chưa mua được máy SpO2 thì cần quan sát trẻ thế nào ạ?
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên:
Giai đoạn nặng ở trẻ cũng giống như người lớn thường là 5-10 ngày khi bị nhiễm SARS-CoV-2.
Triệu chứng trẻ chuyển nặng cần lưu ý đó là đo SpO2 thấy chỉ số nằm ở ngưỡng 93-95%, đặc biệt dưới 93% và có các biểu hiện nặng như tím tái, thở co lõm lồng ngực, thở gắng sức, mệt mỏi.
6. Thuốc điều trị trẻ F0 gồm những gì?
Nhờ PGS hướng dẫn phụ huynh cần chuẩn bị những thuốc gì để điều trị cho trẻ F0 ạ?
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên:
Hiện, có khoảng 15.000 trẻ F0, nhưng đa phần đều được chăm sóc ở nhà hoặc tại cơ sở tập trung, các bệnh viện tầng 2, tỷ lệ tầng 3 chỉ hơn 10 trẻ.
Ở người lớn sẽ có các gói thuốc A, B, C, nhưng ở trẻ em không có nhiều gói thuốc chia như vậy.
Thuốc ở trẻ em cần chuẩn bị giống như gói thuốc A là thuốc hạ sốt (sử dụng tùy theo cân nặng mỗi trẻ), vitamin, bổ sung vitamin D để phòng thiếu hụt,…
Ngoài ra, tôi không khuyến khích sử dụng gói thuốc B tại nhà vì kháng đông bằng đường uống được chống chỉ định ở trẻ em dưới 18 tuổi, kháng viêm cũng vậy. Tất cả các thuốc này phải được sử dụng và theo dõi của bác sĩ.
Hiện, các bệnh viện Nhi không quá tải, do đó khi trẻ có dấu hiệu thở nhanh, khó thở, đo SpO2 giảm dưới 95% thì phụ huynh nên đưa trẻ tới bệnh viện.
7. Trẻ thừa cân, béo phì cần lưu ý gì trong mùa dịch COVID-19?
Những phụ huynh có con thừa cân, béo phì rất lo lắng khi con mình dương tính với SARS-CoV-2, PGS có lưu ý riêng dành cho các trẻ này?
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên:
Thừa cân, béo phì là 1 nỗi lo lớn nếu trẻ chẳng may nhiễm SARS-CoV-2.
Hiện, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều trẻ bị thừa cân, ví dụ 10 tuổi đã nặng 100 cân, thậm chí 6, 7 tuổi đã đạt 40 cân. Những trẻ này khi nhiễm bệnh sẽ có dấu hiệu tổn thương phổi nặng.
Do đó, khi chăm sóc trẻ, quan trọng nhất là phụ huynh phải theo dõi trẻ kỹ và cận thận hơn. Nếu thấy con khó thở, than mệt, vã mồ hôi, thở gắng sức,… thì nên đưa đến bệnh viện khám.
Bên cạnh đó, để làm giảm nguy cơ huyết khối cho trẻ thì cha mẹ nên cho con vận động thay vì nằm 1 chỗ quá lâu như đi bộ trong nhà, tập ngồi nên đứng xuống.
Ngoài ra, cũng cần uống nhiều nước để không cô đặc máu.
8. Có nên truyền dịch để trẻ nhanh khỏe?
Nhiều phụ huynh thấy sốt ruột khi con mình cứ mệt hoài, muốn cho trẻ truyền dịch cho mau khỏe thì có nên không ạ?
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên:
Khác với các tổn thương khác, khi tổn thương phổi, đặc biệt là do SARS-CoV-2 sẽ lan tỏa hết phổi, do đó cả người lớn và trẻ em nên bỏ thói quen truyền dịch.
Bởi khi truyền dịch, lượng nước dư trong phổi sẽ khiến trẻ nhanh khó thở và nhanh suy hô hấp hơn.
Có thể thấy, hiện nay người lớn và trẻ nhỏ nhập viện hiếm khi được truyền dịch. Tuy nhiên, mọi người vẫn cần cung cấp đủ nước cho cơ thể, nếu không đàm nhớt khó đào thải, cơ thể mất nước sẽ rất mệt mỏi và làm tổn thương các cơ quan, đặc biệt là suy thận.
9. Trẻ F0 hay buồn bã, cha mẹ nên làm gì?
Thời gian giãn cách đã nhiều tuần, không ít trẻ rơi vào tâm trạng buồn bã, mà bây giờ còn trở thành F0 nữa. Với những trẻ này, khi chăm sóc, cha mẹ cần chú ý điều gì ạ?
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên:
Hiện đang là mùa tựu trường của trẻ, nên việc trẻ F0 không thể đi học hay chơi đùa bình thường là điều khiến trẻ dễ rơi vào tâm trạng buồn bã.
Bên cạnh việc chăm sóc bệnh để tránh lây nhiễm cho các thành viên gia đình và cộng đồng, chăm sóc phát hiện triệu chứng trẻ chuyển nặng để đưa vào bệnh viện kịp thời, thì cha mẹ nên quan tâm đến tâm lý của trẻ.
Để trẻ không trầm cảm, lo âu, suy nghĩ tiêu cực thì cha mẹ hãy quan tâm con nhiều hơn, giúp con hòa nhập vào các hoạt động bổ ích.
Trẻ hiện nay cũng rất hiểu biết về COVID-19, nên cha mẹ có thể cung cấp cho con những thông tin tốt bệnh để giúp cho con cảm thấy tích cực hơn.
10. Quá trình phục hồi của trẻ F0 diễn ra như thế nào?
Quá trình phục hồi của trẻ F0 có gặp nhiều triệu chứng “hậu COVID” không ạ? Trẻ có cần tiếp tục tập thở, tập phục hồi chức năng không, thưa PGS?
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên:
Sau gần 2 năm đại dịch COVID-19 xảy ra, đến nay người ta hay đề cập đến từ “hậu COVID” hoặc “COVID kéo dài”, “COVID mãn tính”,… tuy nhiên, nhiều người lớn và trẻ em vẫn chưa hiểu hết được những thuật ngữ này.
Tỷ lệ ở người lớn bị “hậu COVID” chiếm hơn 25%, ở trẻ khoảng 10%.
Ở trẻ em, các triệu chứng “hậu COVID” có thể kéo dài sau 4 tuần và hồi phục hoàn toàn sau 3 - 4 tháng (tùy theo mức độ bệnh).
Nếu bệnh nặng, mức độ hồi phục sẽ từ từ, và thời gian này có thể kéo dài. Do đó, trẻ nên tập thở, tập thể dục 10-15 phút/ngày để thể lực nhanh chóng hồi phục trở lại như trước.
Sau “hậu COVID” nếu thấy trẻ có những triệu chứng sau thì cần đưa đi bệnh viện ngay: khó thở trở lại, đo SpO2 dưới 92%, đau ngực, phù chân, dấu hiệu thần kinh mới (nghi ngờ thuyên tắc),…
11. Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị COVID-19 tại nhà?
Xin PGS đúc kết về việc điều trị trẻ em bị COVID-19 tại nhà, phụ huynh cần chú trọng nhất là điều gì?
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên:
Khi để trẻ điều trị tại nhà, nghĩa là trẻ mắc COVID không triệu chứng hoặc mức độ nhẹ, nó sẽ giống như cảm cúm thông thường, do đó không cần quá lo lắng.
Chỉ 1 tỷ lệ nhỏ trẻ diễn tiến nặng, cha mẹ cần biết triệu chứng để theo dõi. Đặc biệt, nên chú ý dinh dưỡng, uống đủ nước và tâm lý của trẻ.
Khác với người lớn, khi trẻ bị nhiễm COVID cho dù không triệu chứng, nhưng sau 2-6 tuần sẽ gặp hội chứng tổn thương đa cơ quan, biểu hiện bao bồm: sốt 3 ngày trở lên, đỏ mắt, rát ở da, khó thở, thở mệt, tiêu chảy, đau bụng, tay chân lạnh,… Do sau giai đoạn nhiễm COVID, cơ thể trẻ đáp ứng với tình trạng trên bằng cách tăng tình trạng viêm, tăng cytokine và gây tổn thương các cơ quan.
Nên khi đưa vào bệnh viện, bác sĩ sẽ chẩn đoán dễ dàng và hiện hầu hết trẻ khi điều trị đều đáp ứng với việc sử dụng thuốc điều hòa miễn dịch.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp nặng phải điều trị ECMO do đến trễ. Vì vậy, khi gặp các triệu chứng nguy hiểm, cha mẹ nên đưa con tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
12. Trẻ có thể mắc bệnh gì trong tháng 9?
Thời điểm hiện tại là tháng 9, là đầu năm học hằng năm, vì giãn cách nên nhiều trẻ học online ở nhà. Ngoài COVID-19 thì trẻ có cần lưu ý đến những bệnh gì trong mùa này nữa ạ?
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên:
Hiện, chúng tôi không chỉ nhận điều trị các trường hợp mắc COVID-19, mà còn điều trị các bệnh khác như nhiễm khuẩn (viêm màng não, sốc nhiễm trùng), thiếu máu, thiếu sắt. Có nhiều trường hợp do COVID mà trì hoãn việc đưa trẻ tới bệnh viện, nên khi điều trị trẻ đã ở trong tình trạng nặng hoặc tổn thương không hồi phục.
Bây giờ cũng đang là mùa mưa nên sốt xuất huyết có thể tăng trở lại.
Tất cả trẻ, dù mắc COVID hay bệnh khác nếu được đưa tới bệnh viện điều trị sớm đều có tiên lượng rất tốt.
Do đó, khi trẻ có dấu hiệu bệnh nặng như không ăn uống được, nôn ói mọi thứ, sốt cao, khó thở, tiêu chảy kéo dài,… hay đến lượt tái khám thì không nên để quá lâu mà hãy đưa trẻ tới bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình