Hotline 24/7
08983-08983

Câu chuyện “trường kỳ kháng chiến” 21 ngày chăm vợ đột quỵ xuất huyết não: tình yêu chiến thắng thần chết

Họ đã chứng minh rằng tình yêu đích thực là một cái gì có sức mạnh vô song, đẩy lùi được cái chết và đem lại chút ánh sáng cho cuộc đời. Và những người thầy thuốc như chúng tôi học được một bài học sâu sắc thêm rằng không bao giờ ngừng chiến đấu ngay cả lúc tuyệt vọng nhất.

Hồi chúng tôi còn học, thầy có dạy rằng: “Thầy thuốc không nên từ bỏ hi vọng cứu người, dù chỉ còn chút gì đó. Y học là một khoa học bất định nên chúng ta không bao giờ ngừng chiến đấu với tử thần cho dù chỉ còn một phần nghìn khả năng hay ít hơn nữa”.

Câu chuyện sau đây là một trải nghiệm của chúng tôi trong cuộc đời làm thầy thuốc mà chúng tôi muốn viết lại cho đàn em để ngẫm nghĩ câu nói: “Tận nhân lực mới tri thiên mệnh” (gắng hết sức mình, mới biết số mệnh)

Câu chuyện này nhắc cho chúng ta biết rằng không nên bỏ cuộc khi gặp điều tưởng chừng không thể vượt qua. Thua cuộc chỉ là tạm thời, bỏ cuộc mới là vĩnh viễn.

****

Không phải cuộc đời thày thuốc lúc nào cũng nếm trải những nỗi buồn cay đắng. Đôi khi chúng ta cũng hái được những trái ngọt hiếm hoi nhưng quý giá vô cùng. Đó là những bông hoa ngào ngạt làm chúng ta có lúc quên đi những máu đã đổ do gai nhọn dẫy đầy trên đường chúng ta đi.

Bệnh viện Phú Tân, 1984

Buổi chiều một ngày đầu năm, một người đàn ông hối hả đưa đến một thân xác hôn mê, mà thoạt nhìn chúng tôi cho là vô phương cứu chữa. Đó là một phụ nữ trạc bốn mươi ngoài, tầm vóc trung bình, có một vẻ ngoài mộc mạc, không chút phấn son.

Huyết áp 20/12, mạch nhanh 100 l/p. Bệnh nhân hôn mê sâu, không phản ứng với kích thích đau, đồng tử nở to 4mm hai bên, không đều. Kích thích giác mạc cũng không đáp ứng. Nhịp thở khi nhanh khi chậm. Xuất huyết não. Tôi thầm nghĩ, có lẽ bà ta sẽ không qua khỏi đêm nay chăng?

Mọi biện pháp cấp cứu triển khai ngay: thở oxy, thiết lập đường truyền mạch, đặt thông tiểu, hút đàm nhớt, đặt sonde dạ dày… Bấy giờ tôi mới có dịp quan sát ông chồng. Đó là một người đàn ông có vẻ hơi nhỏ bé, tuổi chừng chưa đến năm mươi, gầy, ăn mặc đơn giản với chiếc sơ mi bạc màu với vài chiếc khuy sắp long ra, râu ria chưa kịp cạo. Ông ta gần như muốn khóc:

- Tôi làm ăn xa ở thành phố, về ngay vì nghe tin dữ, bác sĩ làm ơn cứu cho vợ tôi, tốn kém bao nhiêu tôi cũng ráng.

Nước mắt lăn tròn trên đôi má rám nắng của người đàn ông. Ông đưa bàn tay thô ráp, đầy vết chai chứng tỏ một đời vất vả sờ lên mái tóc người đàn bà thiêm thiếp kia:

- Hai vợ chồng tôi không có con nên bà ấy là tất cả niềm vui và lẽ sống của đời tôi. Bà ấy đã vì tôi chịu đựng gian khổ cả cuộc đời. Bao năm qua tôi lận đận phương xa là mong muốn ngày về già, có chút của cải bảo đảm cuộc sống. Nhưng bây giờ thì của cải cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa nếu một mai tôi trơ trọi trên cõi đời.

- Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức. Ông cứ bình tĩnh!

Tôi im lặng không nói gì nữa, vì có thể làm đau đớn thêm một con người đã quá chịu đựng những khắc khổ của cuộc sống.

Bắt đầu một cuộc “trường kỳ kháng chiến” theo cách gọi của phòng hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân tai biến mạch máu não. Săn sóc một bệnh nhân không có khả năng tự mình sinh hoạt là một gánh nặng thật sự cho nhân viên y tế. Phải lăn trở, chống loét, hút đàm nhớt, lau mình, dọn vệ sinh khi họ tiêu tiểu tại chỗ. Phải đạt sonde dạ dày, bơm thức ăn, thông tiểu, lưu giữ đường truyền mạch, theo dõi lượng oxy thở, vv…vv... Một bệnh như thế có thể nằm phòng đến cả tháng trời và thường là chấm dứt hoặc tử vong hoặc người nhà đem về trong tuyệt vọng. Những trường hợp hiếm hoi tốt nhất là bệnh nhân hồi tỉnh nhưng bị tàn phế vì liệt bán thân suốt đời.

Chưa bao giờ thấy ai săn sóc người thân kỹ như người đàn ông này. Ông ta xoay trở vợ mình mỗi 2 giờ, lau rửa sạch sẽ chất bài tiết, bơm thức ăn qua sonde dạ dày. Gần như điều dưỡng không cần làm gì cả cho người bệnh, ngoại trừ các thủ thuật y khoa như tiêm chích, truyền dịch…

Những đêm về sáng khi khó ngủ, tôi đi quanh phòng bệnh, nhìn thấy con người đó ngồi ở đầu giường nắn bóp tay chân cho hình hài người mình thương một cách miệt mài, lặng lẽ. Có những lúc người ta trông thấy ông ta nói thầm vào tai cái xác còn ấm kia những lời thống thiết vô cùng, kèm theo đó là những dòng nước mắt tuôn rơi. Hình như con người hôn mê đó nghe được vì dưới ánh đèn ta thấy thấp thoáng rịn ra hai dòng nước bên khóe.

2 ngày đầu cuộc chiến vô cùng gian nan, nhịp thở người bệnh dao động khi nhanh khi chậm, huyết áp cũng thế, toàn thân thỉnh thoảng có cơn co giật, gồng cứng, khò khè đầy đàm nhớt. Đồng tử khi đều khi không, co giãn vô định. Nhiều lúc chúng tôi tưởng chừng tuyệt vọng khi không giữ được người bệnh qua những cơn nguy kịch.

Trong những lúc đó, con người đàn ông kia lại rất can trường chịu đựng cảnh quằn quại của người vợ yêu của mình khi lui về một góc phòng kiên nhẫn chờ đợi. Thuốc men ngày ấy rất thiếu, hầu hết chỉ có việc săn sóc tích cực là đóng vai trò cao nhất giúp cho bệnh nhân hồi phục tự thân.

Sau 3 ngày, trái với dự đoán của chúng tôi, bệnh nhân vẫn sống, nhịp thở lại có vẻ tốt hơn. Không thấy xuất hiện những vết loét vì được xoay trở liên tục. Không thấy bị bội nhiễm vì thân nhiệt bình thường. Người đàn ông đó vẫn không tỏ ra mỏi mệt, giống như một cái máy chạy không ngừng nghỉ, tiếp tục săn sóc cho vợ ngày lẫn đêm.

Gần như không ai thấy ông ta ngủ vì  trong đêm tua trực khi đi đo sinh hiệu cho bệnh nhân, thấy ông ta lầm lũi chăm sóc cho vợ không một lời kêu ca. Họa hoằn lắm người ta mới thấy ông gục bên giường ngủ như một đứa trẻ vì mỏi mệt, nhưng tay vẫn vịn vào vai vợ như sợ thần chết nhân lúc ông ngủ, cướp mất đi người vợ thân yêu.

Mỗi đêm trực ông thường mua bánh trái, cà phê cho tua trực “để lấy sức chịu đựng” theo lời ông nói. Không phải vì những thứ “bồi dưỡng” đó mà nhân viên trực chúng tôi hết lòng với ông mà chính tình thương bao la của ông dành cho vợ đã làm rung động những trái tim con người nơi mỗi chúng tôi.

Một tuần trôi qua, nơi cái thân xác cứng đờ kia đã có những dấu hiệu tích cực, các phản xạ giác mạc, đồng tử xuất hiện, rồi đến phản xạ đau cũng dần trở lại. Người bệnh đã có thể tự chuyển động cơ thể, bắt đầu từ những ngón tay, ngón chân. Tất cả chúng tôi đều lạ lùng và mừng rỡ, dĩ nhiên kẻ hân hoan nhất vẫn là người đàn ông hết lòng với vợ kia.

Rồi đến một buổi sáng nọ người đàn ông nhảy lên vì vui sướng:

- Vợ tôi đã tỉnh rồi! Cám ơn tất cả mọi người!

Dưới ánh nắng ban mai, người đàn bà hôn mê đã mở mắt nhìn trong thầm lặng cái thế gian mà có lẽ bà tưởng chừng đã rời bỏ nó. Và gương mặt đầu tiên bà gặp chính là cái kẻ đã bấy lâu nay ngày đêm chăm sóc một cách cuồng nhiệt cho một cái xác vô vọng với một tình thương vô bờ bến.

Tuy không nói nhưng với cái nhìn tha thiết, chúng ta có thể hiểu được những thương mến mà người vợ đã trao cho chồng trong cái nhìn đầu tiên khi trở về từ cõi chết đó. Những lời nói trên đôi môi khô cứng là những tiếng rời rạc nhưng có lẽ đó là những âm thanh êm đềm, thánh thót nhất mà người đàn ông đã đi hai phần ba cuộc đời đó nghe được…

21 ngày, đó là khoảng thời gian mà con người chu du địa phủ kia trở về nghe tiếng chim hót ngoài song cửa, nhìn thấy mặt trời vươn lên trên cánh đồng, nhìn thấy lại dáng hình người đàn ông yêu mến của mình sau những ngày phủ phục bên giường bệnh.

Một tháng sau, người bệnh có thể đi lại theo sự dìu dắt của chồng. Gặp chúng tôi, bà nở nụ cười thật tươi. Không thể tin được một cái xác từ những phút nhập viện, giờ đã trở thành một con người với đầy đủ xúc cảm và hiểu biết. Trong thời gian hôn mê bà vẫn có thể nghe và biết những sự việc xảy ra chung quanh. Và lạ lùng thay bà không bị liệt, dù di chuyển còn khó khăn.

Theo yêu cầu của hai vợ chồng chúng tôi vẫn giữ người đàn bà đó ở luôn trong khoa cấp cứu cho đến ngày ra viện, thay vì chuyển khoa nội. Tất cả bác sĩ bệnh viện và nhân viên khoa cấp cứu đều yêu mến cặp vợ chồng kỳ diệu nọ. Rõ ràng về mặt khoa học chúng tôi không đem lại gì cho họ hơn những kẻ khác, và người chồng kia cũng không đem lại gì cho vợ ngoài trừ tình thương và sự tận tụy.

Họ đã đem lại cho chúng tôi một niềm tin về cái không thể có. Họ đã chứng minh rằng tình yêu đích thực là một cái gì có sức mạnh vô song, đẩy lùi được cái chết và đem lại chút ánh sáng cho cuộc đời chúng ta vốn dĩ luôn bị chìm đắm trong thất vọng, đau thương, mất mát.

Và những người thầy thuốc như chúng tôi học được một bài học sâu sắc thêm rằng không bao giờ ngừng chiến đấu ngay cả lúc tuyệt vọng nhất. Kẻ nào thấy khó không dám chiến đấu kẻ đó đã thất bại ngay trước khi cuộc chiến xảy ra. Danh dự không chỉ thuộc về kẻ chiến thắng, nó cũng xứng được trao cho những người gục ngã trên chiến trường trên tay vẫn còn cầm chắc vũ khí.

Chúng ta có thể là những người lính yếu nhưng không được là người lính hèn.

Đồng Tháp 3/11/2010

FB bác sĩ Lê Ngọc Dũng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X