Hotline 24/7
08983-08983

Can thiệp dinh dưỡng trong bệnh lý nhiễm trùng, đâu là vấn đề nổi bật?

Bệnh nhiễm trùng là thách thức sức khỏe toàn cầu. Trong giải pháp tổng thể, dinh dưỡng đóng vai trò “chìa khóa” quan trọng để tăng cường miễn dịch, mở ra cơ hội chiến thắng bệnh nhiễm trùng.

Đó là lý do Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ X do Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM tổ chức vào ngày 30/7 vừa qua lựa chọn chủ đề “Can thiệp dinh dưỡng trong bệnh lý nhiễm trùng” cho một sự kiện tầm quốc tế diễn ra hàng năm.

1. Bệnh lý nhiễm trùng vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của các rối loạn dinh dưỡng

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM nhận định, bệnh lý nhiễm trùng vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của các rối loạn dinh dưỡng. Rõ ràng nhất, trong đại dịch COVID-19 đã cho thấy vai trò của các giải pháp tổng thể, phối hợp để vượt qua thách thức của bệnh lý nhiễm trùng. Trong đó, giải pháp can thiệp dinh dưỡng, tăng cường miễn dịch giúp cơ thể phòng chống bệnh lý nhiễm trùng hiệu quả.

Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng mang tính quốc tế về dinh dưỡng, được tổ chức thường niên tại TPHCM vào đầu tháng 8 với sự tham dự của các nhà khoa học hàng đầu đến từ nhiều quốc gia. Năm 2022 có gần 500 hội viên tham dự hội nghị trực tiếp, song song đó nhiều tỉnh thành còn theo dõi trực tuyến qua nền tảng zoom.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp thông tin, năm nay, hội nghị có 12 bài báo cáo khoa học trong 3 phiên, với các chủ đề cụ thể, từ “Bệnh lý nhiễm trùng - Những thách thách và giải pháp can thiệp”, “Dinh dưỡng và sức khỏe miễn dịch”, đến “Can thiệp dinh dưỡng trong bệnh lý COVID-19”. Đáng chú ý, hội nghị lần thứ X quy tụ các chuyên gia về quản lý, bệnh lý nhiễm trùng, y tế công cộng, dinh dưỡng, miễn dịch cũng như khoa học thực phẩm hàng đầu Việt Nam đến tham gia báo cáo và điều hành các phiên khoa học.

PGS.TS.BS Phạm Ngọc Khái - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam

PGS.TS.BS Phạm Ngọc Khái - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam đánh giá cao chủ đề và nội dung của chương trình hội nghị. Ông nhìn nhận, LCH Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM có những trang lịch sử đáng tự hào và đặc biệt, LCH đã cho thấy tầm ảnh hưởng của dinh dưỡng trong đại dịch COVID-19 vừa qua.

Vị chuyên gia theo dõi hội nghị liên tục trong suốt một thập kỷ qua và nhìn nhận, đây là một trong những điểm sáng của khoa học công nghệ, khi tụ hội được các trường đại học, các viện nghiên cứu không chỉ trong khu vực TPHCM, Việt Nam mà nhiều tổ chức quốc tế cũng từng đóng góp bài báo cáo, phát biểu rất bổ ích.

Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ về nhiệm vụ của ngành dinh dưỡng Việt Nam trong nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội Dinh dưỡng Việt Nam, mà trong đó LCH Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM cũng cần góp sức đề phấn đấu đến mục tiêu mang lại thực phẩm an toàn, dinh dưỡng hợp lý, cân đối, tựu chung lại đều vì sức khỏe của nhân dân.

2. Bệnh lý nhiễm trùng: Những thách thức và giải pháp can thiệp

Phiên 1 của hội nghị với 4 bài báo cáo, mang đến những thông tin cập nhật về bệnh lý nhiễm trùng, thách thức cũng như vai trò của dinh dưỡng trong bệnh lý nhiễm trùng.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM mở đầu hội nghị và nhấn mạnh rằng, sự xuất hiện của các bệnh nhiễm trùng mới nổi đã tăng nhanh trong thời gian gần đây. Trong khi đó, bệnh truyền nhiễm luôn là một thách thức bất tận của y học. Cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm mãi mãi vẫn là cuộc đua không hồi kết, giữa sự hiểu biết giới hạn của con người và thế giới vi sinh vật.

Ông cho rằng, chúng ta cần phải có nhiều giải pháp tổng thể để loài người có thể vượt qua thách thức của bệnh nhiễm trùng, trong đó đặc biệt là các giải pháp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Để làm được điều đó, một số vitamin và các nguyên tố vi lượng đã được chứng minh “tiềm năng” trong việc hỗ trợ hệ thống miễn dịch của con người và giảm nguy cơ nhiễm trùng, như axit amin, axit béo, quan trọng nhất là kẽm và selen.

BS Trương Hữu Khanh

BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TPHCM trình bày tại hội nghị một bệnh nhiễm trùng phổ biến đó là viêm gan cấp ở trẻ em, trong đó có đề cập đến căn bệnh gây “nóng” trên toàn cầu - viêm gan bí ẩn. Đối với viêm gan cấp, ông cho rằng, tùy tuổi tác, tình trạng miễn dịch và tiền sử tiếp xúc có thể cung cấp thông tin để xác định tác nhân gây bệnh có khả năng xảy ra nhất.

Trong đó, viêm gan cấp thường gây ra bởi các tác nhân chủ yếu ái gan như virus viêm gan A, B, C, D, và E tại ra bệnh hầu như chỉ ở gan. Trong khi các tác nhân khác, chẳng hạn như cytomegalovirus (CMV), Epstein-virus barr (EBV), adenovirus và các virus gây sốt xuất huyết cũng gây viêm gan như một phần của bệnh toàn thân. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như bệnh tự miễn, rối loạn chuyển hóa, chất độc, thuốc hoặc các hóa chất khác.

Về viêm gan bí ẩn, BS Trương Hữu Khanh cho rằng, hiện nay các nhà khoa học vẫn còn đang giải mã nguyên nhân. Từ những nghi ngờ về virus SARS-CoV-2, đến Adenovirus loại 41 và gần đây là sự kết hợp giữa nhiễm AAV2 (Adeno-associated virus 2) và một adenovirus.

Tuy nhiên, vị chuyên gia thẳng thắn nhận định, hiện chúng ta không cần “bàn luận” đến vì gánh nặng không lớn. Vấn đề quan trọng nhất là xử lý khủng hoảng truyền thông, vì các thông tin dễ bị thổi phồng theo chiều hướng xấu và lan truyền rất nhanh.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng

Trong bài báo cáo của PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng - Trường Đại học Y Dược TPHCM, chuyên gia nhấn mạnh rằng, có thể tăng cường miễn dịch bằng chất dinh dưỡng, đặc biệt ở người thiếu hụt dinh dưỡng, tuy nhiên để hiệu quả thì cần có thời gian.

Do đó, dinh dưỡng nên chuẩn bị từ trước, không nên để bị động, đến khi có nguy cơ mắc bệnh hoặc mắc bệnh mới quan tâm thì vô nghĩa. Vì vậy, chế độ ăn đa dạng cung cấp cân bằng và đẩy đủ chất dinh dưỡng, lợi khuẩn và prebiotic là biện pháp tối ưu nhất để có hệ miễn dịch khỏe mạnh.

TS.BS Từ Ngữ

TS.BS Từ Ngữ - Tổng thư ký - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam tham gia hội nghị với một bài báo cáo thú vị, trong đó ông cho rằng, con người muốn sống trăm tuổi, ăn uống điều độ chiếm 25%, những thứ khác chiếm 25%, nhưng tâm lý cân bằng chiếm những 50%. “Áp lực hocmon” sẽ làm tổn thương cơ thể. Chính vì vậy, đâu tiên cần phải sống cân bằng, tránh stress, căng thẳng. Song song với đó, chuyên gia cũng nhấn mạnh vấn đề “vệ sinh” - đây là yếu tố chính yếu của dinh dưỡng.

3. Dinh dưỡng và sức khỏe miễn dịch

BS Takuya Sugimoto

Phiên 2 của hội nghị với 3 bài báo cáo, tập trung vào dinh dưỡng và sức khỏe miễn dịch. Bài báo cáo “Phòng ngừa biến chứng nhiễm trùng sau phẫu thuật bằng liệu pháp Synbiotics” đến từ BS Takuya Sugimoto dẫn chứng các nghiên cứu cho thấy, sự chuyển vị vi khuẩn có liên quan mật thiết đến các biến chứng nhiễm trùng sau phẫu thuật và việc cải thiện môi trường đường ruột để phòng ngừa có thể xem là rất quan trọng.

Qua các nghiên cứu ghi nhận kết quả, Synbiotics có khả năng phòng ngừa biến chứng nhiễm trùng sau phẫu thuật ở các phẫu thuật lớn có sự can thiệp lớn thông qua việc cải thiện môi trường đường ruột. Chẳng hạn như, ở nhóm bệnh nhân phẫu thuật cắt gan có sử dụng Synbiotics ổn định hơn về môi trường đường ruột hay hệ vi khuẩn ruột, và giảm tỷ lệ xuất hiện biến chứng nhiễm trùng sau phẫu thuật.

TS.BS Phạm Hùng Vân

Cũng chia sẻ thông tin về vấn đề này, TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Liên chi hội Vi sinh lâm sàng TPHCM đem đến một góc nhìn khác, đó là Synbiotics và tác động trục não ruột. Chuyên gia cho rằng, sự rối loạn của hệ vi khuẩn đường ruột sẽ dẫn đến các bệnh lý không chỉ ở tiêu hóa mà cả ngoài tiêu hóa thậm chí ảnh hưởng cả lên hoạt động của não bộ và thần kinh.

Một trong những giải pháp để giúp phục hồi lại hệ vi khuẩn đường ruột cũng như có thể tạm thời bổ sung hay thay thế hệ vi khuẩn đường ruột là sử dụng các lợi khuẩn hay các sản phẩm có liên quan. Trong đó, Synbiotic (bao gồm cả prebiotic và probiotic) có chứa cả lợi khuẩn còn sống và cả các nguyên liệu và sản phẩm giúp cho các hệ vi khuẩn đường ruột phục hồi và giúp cho lợi khuẩn phát triển.

Chuyên gia nhấn mạnh, synbiotic là một hỗn hợp bao gồm các lợi khuẩn và các chất nền sẽ được lợi khuẩn và hệ vi khuẩn đường ruột sử dụng một cách chọn lọc mang lợi ích sức khỏe cho con người. Tuy nhiên để sản phẩm có hiệu quả thì các tiêu chuẩn như an toàn, tồn tại để hoạt động trong ruột, đủ liều lượng, đảm bảo hiệu quả đặc hiệu và có nhiều nghiên cứu chứng minh trong phòng thí nghiệm và cả lâm sàng, và cuối cùng là dây chuyền sản xuất đảm bảo.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM đề cập chuyên sâu hơn đến các khuyến nghị dinh dưỡng trong bệnh lý nhiễm trùng. Bà cho biết, người mắc bệnh nhiễm trùng thường bị thiếu hụt nhiều vitamin và chất khoáng. Trong đó, khi nhiễm trùng kéo dài thường thiếu hụt vitamin A, vitamin B12, vitamin D, vitamin E, vitamin K, sắt và kẽm.

Do đó, tiếp cận điều trị cho người mắc bệnh lý nhiễm trùng phải đồng thời trên ba lĩnh vực: hỗ trợ dinh dưỡng sớm, điều trị đặc hiệu nhiễm trùng và phục hồi hệ thống miễn dịch. Trong đó, can thiệp dinh dưỡng ở người mắc bệnh lý nhiễm trùng cần phải bao gồm điều trị phục hồi tình trạng suy mòn, sụt giảm khối cơ, điều trị thiếu protein, thiếu vitamin và khoáng chất, bổ sung các chất dinh dưỡng có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa và phục hồi hệ vi sinh đường ruột.

Về nhu cầu protein, nên đảm bảo ở mức 15-20% tổng năng lượng. Nên cung cấp 1,2-1,5g protein/kg cân nặng và có thể tăng đến 2g protein/ kg cân nặng. Lưu ý, cần phân bố đều protein trong bữa ăn. Về nhu cầu lipid nên ở mức 20-30% tổng năng lượng khẩu phần, nên sử dụng chất béo không no MUFA, bổ sung omega-3 acid với liều 1,5-3g/ ngày với vai trò kháng viêm.

Về bổ sung vitamin và khoáng chất, vitamin D cần 400 đơn vị mỗi ngày, 800 đơn vị với người trên 60 tuổi. Kẽm bổ sung 40mg/ ngày, vitamin B12 là 2,4 micrograms/ ngày. Đặc biệt là cần lưu ý việc bổ sung tăng cường probiotics và luyện tập thể dục, tập các bài tập phục hồi chức năng trong trong thời gian 20-30 phút.

4. Can thiệp dinh dưỡng trong bệnh lý COVID-19

Phiên 3 của hội nghị mang đến 5 bài báo cáo hấp dẫn, níu kéo người tham dự lắng nghe đến phút cuối cùng, đồng thời cũng nhận được nhiều câu hỏi, phản biện nhất.

TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa

Trong báo cáo “Cập nhật chẩn đoán và điều trị hậu COVID-19”, TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa - Chủ nhiệm Bộ môn Nhiễm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã mang đến một bức tranh tổng quan về tình trạng hậu COVID-19. Ông nhấn mạnh lại một lần nữa, triệu chứng hậu COVID-19 biểu hiện trên đa cơ quan.

Với người lớn thì ở người già, phụ nữ (gặp nhiều hơn nam giới), bệnh nền là những yếu tố nguy cơ gặp phải tình trạng này. Với trẻ em, trẻ có tiền căn dị ứng và trẻ lớn dễ gặp hậu COVID-19 ở trẻ nhỏ. Trước đây cho rằng, hậu COVID-19 thường gặp ở người già hơn người trẻ. Song đã có nghiên cứu cho thấy kết quả ngược lại. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo, người trẻ cũng không nên chủ quan trước vấn đề này.

Bên cạnh các giải pháp đưa ra nhằm giải quyết 4 tình trạng thường gặp hậu COVID-19 như hội chứng mệt mỏi kéo dài; biểu hiện ở hệ hô hấp; tim mạch; hệ thần kinh thì chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của can thiệp dinh dưỡng ở bệnh nhân hậu COVID-19. Bởi vì COVID-19 gây chán ăn, mất mùi, mất vị; mệt mỏi, giảm khí sắc và gây thay đổi hệ vi sinh vật ở đường ruột. Chính vì vậy, chuyên gia khuyến cáo, nên có sự phối hợp đa ngành lồng ghép chăm sóc bệnh nhân hậu COVID-19, trong đó có chuyên gia dinh dưỡng.

TS.BS Trần Quốc Cường

Đi sâu hơn vào vấn đề suy dinh dưỡng và sụt giảm khối cơ (sarcopenia) trên bệnh nhân hậu COVID-19, TS.BS Trần Quốc Cường - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nêu ra mốc thời gian, suy dinh dưỡng hậu COVID-19 thường xảy ra trong giai đoạn tuần thứ 4 đến tuần thứ 12 nhưng cũng có những trường hợp kéo dài hơn. Trong khi đó, sụt giảm khối cơ là hậu quả của suy dinh dưỡng dạng suy mòn. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 16% ở người đã từng nằm hồi sức. Tỷ lệ này giảm dần theo thời gian và còn khoảng 4% sau 6 tháng.

Chuyên gia cho rằng, điều trị suy dinh dưỡng và sarcopenia không phải là vấn đề tăng năng lượng khẩu phần mà phải bao gồm cung cấp một lượng năng lượng phù hợp, trong đó đặc biệt chú ý đến cung cấp đủ chất đạm (1-1,5g dạm/kg/ngày), phân bố đều protein đều các bữa ăn, sử dụng nguồn đạm có giá trị sinh học cao và bổ sung các chất có tác dụng tăng cường tổng hợp khối cơ như leucine và HMB.

Ngoài ra còn bao gồm việc hướng dẫn những bài tập kháng lực và thăng bằng thích hợp cho người bệnh. Bên cạnh đó, việc điều trị dinh dưỡng cho người bệnh hậu COVID-19 còn bao gồm điều trị thiếu máu, thiếu vitamin và khoáng chất, phục hồi hệ vi sinh đường ruột bằng các chủng vi sinh tốt, chẩn đoán và điều trị tình trạng thiếu vitamiN D, sử dụng coenzym Q10 và NADH, bổ sung các chất có tác dụng chống gốc tự do và kháng viêm như Omega-2 và các polyphenol.

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư

Hai bài báo cáo tiếp theo đem đến “làn gió mới” cho hội nghị. Trong đó, BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư - Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế - Bệnh viện Quận Bình Thạnh đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý và can thiệp dinh dưỡng trong dịch COVID-19 tại Bệnh viện Quận Bình Thạnh TPHCM.

Theo đó, để đáp ứng dinh dưỡng người bệnh điều trị và phục hồi, bệnh viện phải tổ chức cung cấp suất ăn cho người bệnh từ cơm, cháo, điểm tâm đến bổ sung chế phẩm bđường uống (ONS) cao năng lượng, giàu đạm. Đây là nội dung mới trong hoạt động của khoa Dinh dưỡng, vì trước đây bệnh viện chỉ tổ chức cung cấp suất ăn bệnh lý cho người bệnh nội trú.

TS.BS Nguyễn Thanh Danh

Và báo cáo nghiên cứu “Ảnh hưởng của việc bổ sung các chất dinh dưỡng miễn dịch trên bệnh nhân nhiễm COVID-19 - Báo cáo một loạt trường hợp” từ TS.BS Nguyễn Thanh Danh - LCH Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM một lần nữa cho thấy tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của dinh dưỡng đến bệnh lý nhiễm trùng, đặc biệt là COVID-19.

Qua nghiên cứu ghi nhận, bổ sung chất dinh dưỡng miễn dịch cho 12 bệnh nhân COVID-19 có bệnh mạn tính bước đầu mang lại kết quả phục hồi tốt và ngăn ngừa hậu COVID-19. Vì vậy, chuyên gia cũng đề xuất rằng, các nghiên cứu sâu hơn cần được tiếp tục.

ThS.BS Phạm Ngọc Oanh

Bài báo cáo cuối cùng của phiên 3, “Hội chứng chuyển hóa và các yếu tố nguy cơ ở người trưởng thành tại TPHCM năm 2019”, theo BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp cũng là vấn đề gợi mở cho hàng loạt báo cáo dự kiến sẽ “góp mặt” cho Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần XI diễn ra vào năm 2023.

ThS.BS Phạm Ngọc Oanh - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM chia sẻ mối nguy cơ, hội chứng chuyển hóa ngày càng gia tăng tại Việt Nam, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2 và tăng tỷ lệ tử vong.

Nghiên cứu do nhóm của chuyên gia và các cộng sự thực hiện cho thấy kết quả, tỷ lệ người trưởng thành mắc hội chứng chuyển hóa là 36,2%, trong đó nữ mắc nhiều hơn nam. Tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa có mỗi liên quan rõ rệt với tuổi tác và tình trạng thừa cân, béo phì. Đáng chú ý, ở nhóm 18-29 tuổi, tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa cũng chiếm đến 10,8%. Vì vậy, chuyên gia cho rằng, với tỷ lệ mắc gia tăng, cần có chiến lược can thiệp dự phòng cho người dân trong thời gian tới.

Hội nghị nhận được rất nhiều câu hỏi, phản biện đắt giá từ các chuyên gia đầu ngành như PGS.TS.BS.Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng

...BS Nguyễn Thế Dũng - Nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM...

...và BS.CK2 Nguyễn Thị Hoa - chuyên gia giàu kinh nghiệm, nhiều năm gắn bó trong ngành dinh dưỡng

Và có thể, năm 2023, hội nghị của LCH Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM sẽ quay trở lại ấn tượng với nhiều nội dung hấp dẫn hơn, trong đó chú trọng bàn luận đến vấn đề này, như những chia sẻ tâm huyết từ BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp tại hội nghị năm 2022 vừa diễn ra.

Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM trao quà lưu niệm cho các chuyên gia tham dự và báo cáo trong hội nghị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X