Hotline 24/7
08983-08983

Cách để chấm dứt chuỗi ngày giàn giụa nước mắt, nước mũi vì viêm mũi dị ứng

Hắt hơi liên tục kèm nước mũi chảy giàn giụa, khô họng, ngạt mũi là những triệu chứng xảy ra thường xuyên, gây khó chịu cho người mắc viêm mũi dị ứng. Trong buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân do Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh tổ chức ngày 21/7/2024, BS Nguyễn Thị Thương đã có phần trò chuyện gần gũi và thiết thực, nhằm hướng dẫn cộng đồng những cách điều trị viêm mũi dị ứng hiệu quả nhất.

Khói bụi từ nhà máy, phương tiện giao thông là yếu tố hàng đầu gây viêm mũi dị ứng

Theo Gloria 2011 định nghĩa, viêm mũi là tình trạng viêm niêm mạc mũi với các triệu chứng chảy mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi, mất người từ 1 tiếng trở lên và kéo dài trong nhiều ngày.

BS Nguyễn Thị Thương giải thích: Viêm mũi dị ứng là viêm mũi có các triệu chứng xuất hiện sau khi tiếp xúc với các dị nguyên trong không khí thông qua phải ứng miễn dịch trung gian IgE”.

Theo một nghiên cứu tại Mỹ, có đến khoảng 20% dân số của quốc gia này (tương đương 58 triệu người) bị viêm mũi dị ứng và khoảng 19 triệu người bị viêm mũi không dị ứng. Tại các phòng khám tai mũi họng, kết quả chẩn đoán thường là 50% bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng, phần còn lại mắc viêm mũi không dị ứng.

“Viêm mũi dị ứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là trên 3 tuổi. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân là 30” - BS Nguyễn Thị Thương cho biết thêm.

Các tác nhân gây viêm mũi dị ứng thường gặp: khói bụi, nấm mốc, lông thú cưng, mạt nhà, phấn hoa...

Tại các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội, khói bụi từ các phương tiện giao thông, từ các nhà máy là một trong các yếu tố hàng đầu gây viêm mũi dị ứng.

Các triệu chứng viêm mũi dị ứng thường gặp

Để chẩn đoán viêm mũi dị ứng, cần phải dựa vào bệnh sử, triệu chứng và các xét nghiệm. Bệnh sử cần khai thác gồm dị ứng nguyên nghi ngờ, bệnh sử liên quan đến môi trường, khởi phát (thời điểm, thời gian, mùa...) và độ nặng (triệu chứng kèm theo, các yếu tố làm nặng thêm).

Các triệu chứng viêm mũi dị ứng thường gặp nhất là hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi, ngứa mắt, đau mắt. Trong quá trình thăm khám, các triệu chứng thực thể được phát hiện là niêm nhợt, xuất tiết trong, nhầy trắng, cuốn mũi phù nề, cuốn dưới quá phát, ngắn tháp mũi.

Chảy mũi, ngạt tắc mũi là 2 triệu chứng thường gặp nhất khi mắc viêm mũi dị ứng

Ngoài các triệu chứng ở mũi, bệnh nhân viêm mũi dị ứng còn có các dấu hiệu ở những cơ quan khác như quầng thâm mắt, kết mạc đỏ, thành sau họng có nhiều hạt, khò khè, ran rít, ran ngáy, chàm da, viêm da dị ứng và mệt mỏi toàn thân.

Bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng thường kèm theo các bệnh lý viêm kết mạc mắt, viêm xoang, viêm tai giữa, ngủ ngáy - ngưng thở khi ngủ, ho mạn tính, hen, viêm da dị ứng...

Các triệu chứng nghẹt mũi, sưng và đau nức hốc mũi, ho nhiều và sốt, trẻ ăn uống kém, bỏ ăn sút cân, mất ngủ, phù nề khó thở cho thấy bệnh đã tiến triển nặng hơn.

“Bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài và lặp lại liên tục, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt thường ngày và giảm chất lượng cuộc sống” - BS Nguyễn Thị Thương khuyến cáo.

Để chẩn đoán viêm mũi dị ứng, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sau: phết dịch mũi, xét nghiệm da, xét nghiệm miễn dịch, xét nghiệm kích thích mũi.

Tình trạng viêm mũi dị ứng kéo dài và tái đi tái lại có thể dẫn đến các biến chứng như thoái hóa niêm mạc mũi, phù nề gây nghẹt mũi; viêm loét vùng tiền đình mũi; viêm họng; viêm phế quản; viêm xoang; viêm tai giữa.

Những phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng có thể điều trị theo hai phương pháp gồm điều trị đặc hiệu và điều trị không đặc hiệu. Với điều trị đặc hiệu, điều đầu tiên bệnh nhân cần làm là tránh tiếp xúc với dị nguyên. Việc này đòi hỏi bệnh nhân phải biết được tác nhân nào từ môi trường gây nên tình trạng dị ứng của mình.

Điều trị miễn dịch trị liệu có hiệu quả tốt trên những bệnh nhân bị dị ứng lông động vật, mạt nhà. Trong miễn dịch trị liệu, dị nguyên được đưa vào cơ thể bằng đường uống hoặc đường tiêm theo liều tăng dần. Phương pháp này đòi hỏi sự kiên trì vì phải kéo dài trong vòng 3 - 5 năm.

Thuốc điều trị được dùng trong điều trị không đặc hiệu gồm corticoid và kháng histamin dạng uống hoặc xịt. Bệnh nhân còn có thể áp dụng một số biện pháp khác như vật lý trị liệu, tập thể dục hoặc thay đổi khí hậu.

Xịt mũi nước muối, xông mặt được xem là biện pháp điều trị hỗ trợ viêm mũi dị ứng. “Chỉ được dùng kháng sinh trong trường hợp có tình trạng bội nhiễm và phải phẫu thuật khi có polyp gây bít tắc mũi” - BS Nguyễn Thị Thương lưu ý.

Bác sĩ nhấn mạnh, có thể phòng ngừa viêm mũi dị ứng bằng cách tăng cường miễn dịch bằng cách bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C, quercetin như gừng, mật ong, lá tía tô, giấm táo, men vi sinh.

BS Nguyễn Thị Thương khẳng định: “Tránh các tác nhân gây dị ứng là điều quan trọng nhất nếu muốn ngăn ngừa viêm mũi dị ứng”. Vệ sinh chăn ga gối đệm thường xuyên, làm vệ sinh máy lạnh định kỳ, quét dọn nhà cửa, hạn chế nuôi thú cưng trong nhà được xem là các biện pháp hạn chế với các tác nhân dị ứng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X