Hotline 24/7
08983-08983

Các ca mắc sốt rét tăng đột biến, có bất thường hay không?

Sốt rét là một bệnh chủ yếu lây truyền qua trung gian loài muỗi Anophen, do ký sinh trùng sốt rét truyền từ người bệnh sang người lành. Để hiểu rõ hơn về bệnh sốt rét, BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Liên chi Hội Truyền nhiễm TPHCM sẽ có những chia sẻ hữu ích trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh sốt rét gia tăng đột biến có phải điều bất thường?

Vì sao ca bệnh sốt rét lại có sự gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt tại tỉnh Khánh Hoà và sự gia tăng này liệu rằng có phải bất thường không thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thời điểm hiện tại, việc xuất hiện các ca bệnh sốt rét là một điều bất thường. Các bệnh viện lớn, thường chỉ tiếp nhận trường hợp sốt rét ở những người du nhập về từ Châu Phi. Trên thực tế, tại Việt Nam các ca bệnh sốt rét rất hiếm gặp.

2. Bệnh sốt rét lây truyền bằng cách nào?

Bệnh sốt rét do nguyên nhân nào gây ra và lây truyền bằng những cách nào, thưa BS? Thói quen nào trong sinh hoạt có thể khiến chúng ta mắc bệnh này ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sốt rét là bệnh lây truyền do một loại ký sinh trùng, tồn tại trong cơ thể muỗi. Khi chích vào người có nguồn bệnh sốt rét, muỗi sẽ hút máu, lúc này ký sinh trùng theo máu của người bệnh vào cơ thể muỗi để sinh trưởng và phát triển. Sau đó, muỗi bị nhiễm ký sinh trùng sẽ chích vào bất kỳ người lành bệnh và tiết ra ký sinh trùng sốt rét trong quá trình hút máu để lây truyền. Muỗi lây truyền bệnh sốt rét là một loại muỗi rừng, có tên gọi là Anophen, thường lây lan bệnh sốt rét ở người.

3. Những triệu chứng của sốt xuất huyết và sốt rét khác nhau như thế nào?

Những dấu hiệu nào cảnh báo bệnh sốt rét thưa BS? Cũng là do muỗi gây ra, bệnh sốt xuất huyết và sốt rét khác nhau thế nào? Làm sao phân biệt triệu chứng giữa 2 bệnh lý này ạ? 

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, nếu sinh sống ở những nơi không phải vùng rừng núi, nguy cơ nhiễm bệnh sốt rét gần như không thể xảy ra do bệnh tùy thuộc vào vùng sinh sống. Sốt rét thường có triệu chứng sốt và rét run, có thể phát sốt một lần trong ngày, tuy nhiên nếu bệnh diễn biến nặng có thể làm người bệnh sốt liên tục, thiếu máu và tổn thương nhiều cơ quan khác.

Bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng sốt trong 2-3 ngày liên tiếp và không tìm được nguyên nhân, cần phải xét nghiệm máu để chẩn đoán và điều trị. Bệnh sốt rét cũng cần phải xét nghiệm để tìm ra ký sinh nhiễm hoặc tìm kháng nguyên của sốt rét. Cả hai trường hợp bệnh đều phải đến gặp bác sĩ để được thăm khám.

Tuy nhiên, nếu không phải là người sinh sống và không di chuyển đến vùng rừng núi trong vòng 6 tháng, người bệnh không nên tự suy đoán bệnh khi có những triệu chứng tương tự, nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán một cách chính xác nhất.

4. Sốt rét có để lại biến chứng/di chứng khi không điều trị kịp thời hay không?

Bệnh sốt rét nguy hiểm ra sao? Các biến chứng - di chứng có thể gặp phải nếu bệnh không được điều trị kịp thời là gì ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu mắc phải sốt rét cấp tính hoặc ác tính sẽ đe doạ đến tính mạng người bệnh và dẫn đến tử vong trong bệnh cảnh thiếu máu, suy thận, suy nhược các cơ quan khác. Nếu mắc sốt rét mãn tính sẽ làm cho người bệnh thường xuyên gặp phải tình trạng thiếu máu, gan phình to.

Sốt rét là một bệnh lý khá nặng nếu người bệnh không được phát hiện kịp thời, có thể đe doạ đến tính mạng.

5. Sự khác nhau giữa sốt rét thông thường và sốt rét ác tính?

Sốt rét thông thường và sốt rét ác tính khác nhau thế nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sốt rét cấp tính là tình trạng bệnh diễn tiến rất nhanh, có thể trước đó không có bất cứ biểu hiện gì bất thường. Người bệnh sẽ sốt liên tục, thiếu máu, đau đầu, lừ đừ và có thể xuất hiện tình trạng vàng da hoặc thay đổi về tri giác tùy thuộc vào ký sinh trùng sốt rét tấn công vào cơ quan nào của cơ thể người bệnh.

Trường hợp sốt rét mãn tính, người bệnh có thể phát sốt 1 ngày/lần hoặc 2 ngày/lần, diễn tiến liên tục và kéo dài âm ỉ từ ngày này qua ngày khác, dẫn đến tình trạng suy giảm về mặt sức khoẻ cho người bệnh, thậm chí là thiếu máu. Người bệnh sốt rét mãn tính vẫn có thể sinh hoạt như bình thường và bản thân họ chính là nguồn lây truyền sốt rét thông qua loài muỗi Anophen. Sau khi chích vào người có nguồn bệnh, muỗi sẽ đi chích vào người lành và lây truyền sốt rét.

6. Chẩn đoán bệnh sốt rét bằng cách nào?

Hiện nay có những phương pháp nào để chẩn đoán bệnh sốt rét ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hiện nay, trong việc chẩn đoán điều trị sốt rét không có những điểm mới. Điều quan trọng là các bác sĩ phải suy nghĩ đến việc bệnh nhân sốt và không giải thích được, không tìm được nguyên nhân phát bệnh. Cần thăm hỏi xem người bệnh đến từ vùng nào để có thể chẩn đoán được chính xác tình trạng bệnh.

Việc đầu tiên là phết máu ra để xem có ký sinh trùng sốt rét không, về sau có phương pháp lấy máu làm test nhanh để tìm được kháng nguyên của sốt rét trong máu, để có thể định dạng là bệnh sốt rét.

7. Sốt rét được điều trị như thế nào?

Điều trị bệnh sốt rét như thế nào, thưa BS? 

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hiện nay, Việt Nam có một loại thuốc kháng sốt rét, có tác dụng kháng khá tốt. Tuy nhiên, trên thế giới theo nhiều nghiên cứu cho thấy về sau các loại thuốc sốt rét cũng có thể bị loại ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ngược lại. Kháng lại những loại thuốc cơ bản như Artesuna hoặc Artemisinin. Tại Việt Nam, hiện nay chưa xuất hiện tình trạng kháng thuốc.

8. Một lần mắc bệnh sốt rét có sinh ra kháng thể phòng bệnh cả đời không?

Bệnh sốt rét có nguy cơ tái phát không ạ? Hay mắc bệnh 1 lần sẽ có kháng thể chống lại bệnh này suốt đời ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Những người bệnh mắc sốt rét mãn tính, có các thể ký sinh trùng tồn tại trong máu trong một thời gian dài, cần phải điều trị đúng mới có thể khỏi hẳn bệnh. Đặc biệt khi mắc phải sốt rét và sau khi được điều trị khỏi bệnh, người bệnh cần phải uống một loại thuốc diệt tất cả các dao bào trong cơ thể để tránh tình trạng tái phát bệnh hoặc không ngăn việc lây lan sang cho người khác. Việc uống thuốc này có phát đồ riêng và có hai loại thuốc, một loại dành cho việc điều trị, một loại để tiêu diệt các dao bào.

9. Cần làm gì để phòng ngừa bệnh sốt rét?

Để phòng ngừa bệnh sốt rét, chúng ta cần làm gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Để phòng ngừa bệnh sốt rét, cần phải thực hiện biện pháp ngủ mùng. Người dân sinh sống trong khu vực có bệnh sốt rét cần tẩm chăn màn bằng các loại hoá chất chống muỗi và diệt muỗi. Tuy nhiên, trong rừng rất khó để diệt muỗi một cách triệt để. Nếu mắc bệnh sốt rét cần đến bệnh viện điều trị ngay để giảm nguồn lây bệnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X