Ca ghép tim xuyên Việt: Bệnh nhân đã tự đi lại, khỏe hơn trước khi ghép và sắp xuất viện
Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã thành công ghép tim cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối. Sau 17 ngày ghép tim, đến nay, bệnh nhân có thể đi lại, tự vận động, sinh hoạt cá nhân mà không cần sự trợ giúp của bác sĩ.
Ngày 25/8/2024 vừa qua, một ca ghép tim xuyên Việt kéo dài 10 giờ với sự tham gia của gần 100 nhân viên y tế từ các bệnh viện hàng đầu đã thành công. Điều này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực ghép tạng của ngành y Việt Nam.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước đó bác sĩ dự đoán sự sống của bệnh nhân chỉ kéo dài 3 năm, nếu không kịp thời ghép tim có thể đột tử bất cứ lúc nào.
TS.BS Bùi Thế Dũng - Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM cho biết, đến ngày thứ 17 ghép tim, bệnh nhân đã tiến triển ổn định. Mọi thông số khám lâm sàng và cận lâm sàng đều diễn tiến ổn định. Dự kiến, bệnh nhân sẽ xuất viện sau khoảng 2 tuần nữa.
Hiện tại, khả năng vận động ăn uống của bệnh nhân tốt hơn so với trước khi ghép tim. Bệnh nhân có thể sinh hoạt một mình trong phòng, không cảm thấy mệt, khó thở sau khi vệ sinh cá nhân. Bệnh nhân ăn uống ngon miệng hơn, ăn được nhiều, thức ăn tiêu hóa tốt. Có thể thấy rõ sự cải thiện về triệu chứng cũng như chức năng so với trước khi phẫu thuật.
Sau khi ghép tim xong, bệnh nhân sẽ được theo dõi tại bệnh viện, trong môi trường cách ly vô khuẩn. Bệnh cạnh đó, bệnh nhân phải sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch chống thải ghép. Sau khi nằm viện 1 tháng, bệnh nhân có thể ra về. Khi ra viện, bệnh nhân cũng phải uống thuốc chống thải ghép, đồng thời bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách sinh hoạt, hạn chế tình trạng nhiễm trùng liên quan đến uống thuốc chống thải ghép.
Bệnh nhân cũng hồi hộp chia sẻ: “Cảm giác nhận được cuộc gọi được tặng trái tim, vừa sợ, lo lắng lung tung, hỗn độn nhiều thứ”.
BS Thế Dũng chia sẻ, ghép tim là một điều trị tuyệt vời nhất, bác sĩ rất vui, gia đình người bệnh cũng rất hạnh phúc với thành quả đó.
Vợ bệnh nhân chia sẻ: “Mình cảm thấy hạnh phúc vì anh đã được sống. Thứ nhất là sống cho bản thân anh, thứ hai là sống vì con, vì gia đình; anh sẽ được nhìn thấy con trưởng thành. Do con còn nhỏ, anh cũng còn trẻ, nếu sống tiếp mới hi vọng chăm soc gia đình, con cái”.
BS Thế Dũng cũng cho biết, việc thực hiện thành công ca ghép tim này tạo cột mốc đáng kể cho bệnh viện, ghi nhận thành công trong hành trình khoa học của bệnh và nhân viên y tế nói chung. Đó là cơ sở, tiền đề để bệnh viện ngày càng phát triển hơn trong lĩnh vực ghép tạng, đặc biệt là ghép tim.
BS Dũng cũng dặn dò: “Sau khi ra viện, bệnh nhân phải tuân thủ theo liệu trình điều trị mà bác sĩ hướng dẫn. Bên cạnh dùng thuốc theo toa, bệnh nhân cần tuân thủ các biện pháp khác như hạn chế tiếp xúc đông người, tránh lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, cần hạn chế đi ra môi trường không trong sạch, nên ở tại nhà, tốt nhất có phòng riêng tư, sạch sẽ thoáng mát để hạn chế tiếp xúc với nguồn nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, người bệnh cần vận động vừa phải, bác sĩ có tài liệu bằng giấy cũng như hình ảnh để hoặc các tips trên Youtube để bệnh nhân tuân theo. Tập thở, tập vận động theo đúng hướng dẫn của các tổ chức chuyên ghép tim trên thế giới. Sau những lần tái khám, bệnh viện có chế độ tập luyện phục hồi chức năng tim mạch cho người bệnh. Bệnh viện có trang bị hệ thống tim phổi gắng sức tim, phổi, hô hấp. Khi người bệnh thực hiện những biện pháp này sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn để người bệnh cải thiện càng sớm càng tốt”.
Ca ghép tim này không chỉ mang lại sự sống mới cho bệnh nhân, mà còn là hành động đầy nhân văn của người hiến tặng. Sự cống hiến vô giá của họ đã tạo nên phép màu cho cuộc sống của một người khác, mang lại niềm vui không thể đong đếm. Niềm hạnh phúc và sự hồi sinh từ ca phẫu thuật này cũng minh chứng cho sức mạnh và sự cống hiến của đội ngũ y tế Việt Nam.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình