Hotline 24/7
08983-08983

BS Nguyễn Quang Bảy cảnh báo tác hại khi dùng lại kim tiêm insulin

TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc dùng lại kim tiêm insulin nhiều lần sẽ có các nguy cơ: tiêm đau, dễ gây loạn dưỡng mỡ tại vị trí tiêm; lượng insulin vào được trong cơ thể thấp hơn liều định tiêm; nhiễm trùng…

Đó là một số thông tin trong bài chia sẻ mới nhất của TS.BS Nguyễn Quang Bảy trên trang cá nhân. Với mong muốn cảnh báo đến cộng đồng về tác hại của việc không thay kim tiêm insulin, nâng cao hiểu biết trong chăm sóc người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), AloBacsi xin phép được chia sẻ lại bài viết của vị chuyên gia.

Theo chia sẻ của TS.BS Nguyễn Quang Bảy, ngày 9/12/2024, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 1 bệnh nhân ĐTĐ nhập viện vì đường máu quá cao.

Tình trạng bệnh nhân khá nặng với khoảng 8 bệnh khác nhau và mới ra viện cách đây 2 tuần. Về nhà, người bệnh được cho tiêm 4 mũi insulin/ngày bằng bút tiêm (phác đồ khá tích cực).

Qua tìm hiểu lý do, bác sĩ cho biết bệnh nhân không thay kim tiêm, nên sau nhiều lần tiêm thì kim bị tắc, insulin hầu như không vào được cơ thể. Kiểm tra đơn thuốc của người bệnh, bác sĩ ghi rõ số lượng kim là 60 chiếc và phải thay kim hàng ngày. Nhưng khi bệnh nhân đi mua bút tiêm thì được phát kèm theo 3 kim cho mỗi bút (là hàng được tặng khuyến mại), và người bệnh nghĩ số kim này để dùng cho cả một tháng.

(Ảnh: TS.BS Nguyễn Quang Bảy)

TS.BS Nguyễn Quang Bảy cho biết, theo hướng dẫn điều trị của cả bệnh viện và nhà sản xuất insulin đều ghi rõ: phải thay kim tiêm sau mỗi lần tiêm. Tuy nhiên, chuyên gia thú thực, với điều kiện Việt Nam, các bác sĩ thường “khuyên” bệnh nhân có thể dùng 1 kim cho 2-3 mũi tiêm trong ngày, tức là lắp kim cho mũi tiêm buổi sáng và bỏ kim sau mũi tiêm cuối trong ngày.

Vị chuyên gia thông tin thêm, việc dùng lại kim tiêm insulin nhiều lần sẽ có các nguy cơ: tiêm đau, dễ gây loạn dưỡng mỡ tại vị trí tiêm; lượng insulin vào được trong cơ thể thấp hơn liều định tiêm; nhiễm trùng…

Đó là lý do bệnh nhân đã mắc ĐTĐ 20 năm, được hướng dẫn kỹ thuật tiêm insulin thuần thục trước khi ra viện, nhưng vẫn phải nhập viện cấp cứu. Tiết kiệm được một vài mũi kim nhưng phải trả giá bằng 1 tuần nằm viện!

Theo: TS.BS Nguyễn Quang Bảy – Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X