Hotline 24/7
08983-08983

BS ám ảnh với những con số lạnh sống lưng, thái độ hồ hởi của teen khi phá thai

Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về tỷ lệ phá thai. Đa số tỷ lệ người phá thai ở độ tuổi sinh đẻ và chủ yếu là phá thai do nguyện vọng mà không phải do bệnh lý.

Ảnh minh họa

Những hài nhi bị bỏ vì "lỡ"

Có mặt tại Khoa Kế hoạch hóa Gia đình BV Phụ sản Hà Nội, chúng tôi thấy hàng chục phụ nữ đang ngồi chờ làm thủ thuật. Đa số gương mặt của họ buồn và rơi vào trạng thái mệt mỏi.

Khác với vào BV Phụ sản để sinh con, không khí vui cười râm ran từ đầu khoa đến cuối khoa. Khoa Kế hoạch hóa gia đình không khí u uất bởi vào đây mỗi người mang một câu chuyện buồn khác nhau.

Chị Mai Hồng H. trú tại Tây Hồ, Hà Nội nhăn nhó sau phẫu thuật. Chị H. kể, chị có hai con trai sinh mổ và không có kế hoạch sinh thêm con. Do sinh mổ nên không đặt vòng được, chị chỉ còn biết tránh thai bằng thuốc uống hàng ngày. Nhưng thuốc tránh thai có nhiều tác dụng phụ, chị hay bị đau đầu, chóng mặt. Chị đành tránh thai bằng phương pháp tự nhiên.

Nhờ thế 9 năm nay chị không bị nhỡ lần nào. Lần nay không may bị nhỡ nhưng chồng chị cho rằng “đó không phải con của anh ta vì anh ta chẳng bao giờ xuất bên trong”. Chị H. mang đau đớn bị chồng nghi kị lại còn mang thai trên vết mổ cũ nên các bác sĩ phải hết sức dè dặt khi giải quyết trường hợp của chị.

Những lá đơn xin phá thai của bệnh viện

Còn Kiến Thị M. trú tại Hậu Lộc, Thanh Hóa thì khác. M. đang là học sinh cấp 3 nhưng do yêu sớm và em có quan hệ tình dục. M. đã giấu bố mẹ đi giải quyết ở một phòng khám phá thai bằng thuốc. Về nhà, M. đinh ninh là cái thai đã không còn. Tuy nhiên, gần đây bụng em to hơn, mệt mỏi hơn. Bố mẹ đưa M. đi kiểm tra thì tá hỏa cái thai đã lên đến 17 tuần.

Sau khi cân nhắc để đẻ hay bỏ, gia đình M. đã quyết định đưa cô ra Hà Nội giải quyết. Các bác sĩ phải nong gắp thai ra vì thai to.

Bác sĩ cũng phải “lạnh sống lưng” vì thái độ thờ ơ

BS.CKI Nguyễn Thu Thủy – Khoa Kế hoạch hóa gia đình của BV Phụ sản Hà Nội tâm sự, mỗi ngày khoa tiếp nhận và phục vụ từ 50 - 60 ca có nhu cầu nạo phá thai. Trong đó có nhiều trường hợp thai nhi đã lên đến 30 tuần tuổi. Có những lúc, bác sĩ cũng phải giật mình vì thai quá to, giải thích thế nào người ta cũng đòi phải phá.

Lúc ấy, bác sĩ chỉ còn biết giải thích bằng luật là quy định của nhà nước chỉ cho phép phá thai dưới 22 tuần tuổi, còn trên 22 tuần thì không ai dám phá. Giải thích điều này, bác sĩ Thủy cho biết: "Khi thai trên 22 tuần đã có thể sống được rồi. Lúc đó các bé đã hoàn thiện về cơ thể".

Trung bình mỗi năm khoa Kế hoạch hóa gia đình tiếp nhận khoảng 10 nghìn ca phá thai trong đó từ 10 -15 % là phá thai bệnh lý, còn lại chủ yếu phá thai do “nhỡ”.

Tương tự, tại Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi ngày có hàng trăm người đến khám và xin tư vấn phá thai. Chỉ ít trong số đó từ bỏ ý định phá thai. Hầu như tâm lý của ai cũng nặng nề. Người thì buồn vì phải bỏ đứa bé trong bụng, kẻ thì xấu hổ sợ người khác phát hiện ra.

Một bác sĩ tại đây chia sẻ, có những ca phá thai hơn 20 tuần mà người ta coi nhẹ như lông hồng, gẩy cái là xong nhưng thực chất không phải như thế. Những người “đón xác hài nhi” đều lạnh sống lưng mỗi ca phá thai to.

Dù về mặt tâm linh cũng như chuyên môn họ đã cố gắng hết sức nhưng không thể không ám ảnh. Có những cô bé tuổi 14 -1 5 vào phá thai mặt vẫn hồn nhiên coi là chuyện bình thường, có lại phá, có lại phá. Những lúc đó, bác sĩ tư vấn để họ biết cách phòng tránh thai và bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình.

Chưa hết, bác sĩ còn giới thiệu sang nơi điều trị hiếm muộn để các bạn gái trẻ chứng kiến sự đau khổ khi không có con của nhiều cặp vợ chồng. Để từ đó các bạn gái "biết sợ" những hành động bản năng của mình, biết giữ gìn bản thân để không rơi vào bất hạnh về sau.

Theo Phương Thúy - Infonet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X