Bỏ bữa, dùng thuốc không đúng liều làm tăng nguy cơ hạ đường huyết
TS.BS Trần Viết Thắng - Phó Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, nếu dùng thuốc hạ đường huyết nhưng chế độ ăn không phù hợp, bỏ bữa, ăn trễ, sử dụng thuốc quá liều hoặc không phù hợp sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.
1. Đường huyết dưới 70 mg/dL được xem là hạ đường huyết
Trước tiên xin hỏi BS, khi nào được xem là hạ đường huyết ở người bệnh người bệnh đái tháo đường (tiểu đường)? Tình trạng này nếu không được xử trí kịp thời có thể đưa đến những hậu quả nào?
TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Hạ đường huyết là khi bệnh nhân có lượng đường trong máu (đường huyết) dưới 70 mg/dL. Thông thường, hạ đường huyết được chia làm 3 nhóm:
Mức độ 1, đường huyết của người bệnh <70 mg/dL
Mức độ 2, người bệnh có đường huyết <54 mg/dL
Mức độ 3, người bệnh có triệu chứng hạ đường hoặc hôn mê hạ đường, cần sự hỗ trợ từ người thứ 3 bất kể ở mức đường như thế nào.
2. Dùng thuốc hạ đường huyết nhưng bỏ bữa tăng nguy cơ hạ đường huyết
Những nguyên nhân khiến người bệnh đái tháo đường bị hạ đường huyết thưa BS?
TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Nguyên nhân hạ đường huyết phổ biến nhất là sử dụng thuốc hạ đường huyết nhưng chế độ ăn uống hoặc dùng thuốc không phù hợp.
Ví dụ, uống thuốc hạ đường huyết nhưng bỏ bữa hoặc dùng thuốc nhưng ăn uống trễ hơn bình thường. Các loại thuốc hạ đường huyết có thể uống hoặc tiêm trước bữa ăn 15 - 30 phút, nhưng 60 phút sau người bệnh mới dùng bữa, điều này làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Ngoài ra, có thể người bệnh vận động quá mức, có các bệnh lý đi kèm như cảm cúm, ăn uống ít hơn nhưng dùng lượng thuốc như cũ, nguy cơ hạ đường huyết tăng cao.
3. Bệnh lý đi kèm có thể là yếu tố thúc đẩy hạ đường huyết
Trong quá trình thăm khám, BS tiếp nhận trường hợp bệnh nhân tiểu đường bị hạ đường huyết nhập viện trong tình huống nào?
TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Khi bệnh nhân vào viện với tình trạng hạ đường huyết, thường đang ở giai đoạn nặng của bệnh với các triệu chứng khi nhập viện là ngủ gà, lơ mơ, hôn mê, co giật. Đôi khi, bệnh nhân có các bệnh lý khác đi kèm, những bệnh lý này có thể là một trong các yếu tố thúc đẩy tình trạng hạ đường huyết của người bệnh.
4. Nguy cơ hạ đường vẫn xảy ra ở người có đường huyết cao
Đâu là những sai lầm trong điều trị, thói quen sinh hoạt khiến người bệnh bị hạ đường huyết ạ?
TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Những thói quen sai lầm liên quan đến việc dùng thuốc hạ đường huyết, có thể là thuốc uống hoặc thuốc tiêm insulin như: người bệnh tiêm liều insulin cao hơn so với liều bác sĩ chỉ định. Hoặc bệnh nhân thấy đường huyết cao nên bỏ ăn sau khi tiêm insulin, điều đó làm tăng nguy cơ hạ đường.
Trước đây, đường càng thấp nguy cơ hạ đường càng cao, tuy nhiên, nguy cơ hạ đường vẫn xảy ra ở người có đường huyết cao. Bởi vì, khi thấy đường huyết cao, người bệnh thường có xu hướng dùng thuốc hoặc tiêm thuốc liều cao hơn, đồng thời bỏ ăn làm tăng nguy cơ hạ đường.
Trường hợp chức năng thận của người bệnh bị suy giảm nhưng vẫn sử dụng thuốc hạ đường huyết theo liều cũ, không giảm theo tình trạng của chức năng thận cũng sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường cho người bệnh.
5. Ăn uống không điều độ khi dùng thuốc, tăng nguy cơ đường huyết không ổn định
Xin nhờ BS giải thích cho khán thính giả hiểu rõ hơn, vì sao người bệnh tiểu đường không nên bỏ ăn, nhịn ăn để tránh hạ đường huyết ạ?
TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Thuốc hạ đường huyết, đặc biệt là những loại insulin, khi tiêm vào có tác dụng hạ đường huyết, nếu là insulin hỗn hợp, chủ yếu sẽ giúp hạ đường huyết sau ăn. Do đó, khi sử dụng thuốc để hạ đường huyết nhưng không bổ sung chất bột đường vào cơ thể sẽ tăng nguy cơ hạ đường. Sau khi tiêm thuốc, nếu ăn quá nhiều hoặc ăn thêm bữa phụ sẽ làm đường tăng cao.
Như vậy, nếu sử dụng thuốc hạ đường huyết nhưng không tuân thủ ăn uống hợp lý, dẫn đến tình trạng đường huyết người bệnh bị tăng cao hoặc xuống thấp. Liều thuốc bác sĩ cho thường là liều cố định, sử dụng trong thời gian đợi lần tái khám kế tiếp. Ví dụ, bác sĩ hẹn người bệnh tái khám sau 1 tháng, liều thuốc bác sĩ cho người bệnh sẽ cố định trong vòng 1 tháng.
Như vậy, đối với những ngày người bệnh ăn nhiều hơn, đường sẽ gia tăng, còn nếu bỏ bữa sẽ tăng nguy cơ hạ đường. Do đó, nên duy trì một chế độ ăn hợp lý, tránh việc ăn quá nhiều trong một bữa và ăn ít lại vào bữa kế tiếp. Có thể lượng thức ăn nạp vào trong một ngày không thay đổi, nhưng ăn quá nhiều trong một bữa và bỏ các bữa còn lại sẽ dẫn đến nguy cơ hạ đường xen kẽ tăng đường huyết.
6. Rơi vào hôn mê nếu hạ đường huyết tái lại nhiều lần
Các triệu chứng cảnh báo hạ đường huyết ở người tiểu đường là gì, thưa BS?
TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Thông thường, khi hạ đường huyết, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như đói, vã mồ hôi, hồi hộp, tim đập nhanh,… Nặng hơn sẽ có các triệu chứng của thần kinh như mờ mắt, nhức đầu, lú lẫn, thậm chí co giật và hôn mê.
Tuy nhiên, những triệu chứng báo động sẽ được xuất hiện trước như đói, vã mồ hôi, người bệnh thử đường, nếu hạ đường huyết, nên ăn để bù đường. Một số bệnh nhân bị hạ đường huyết tái lại nhiều lần, các triệu chứng giao cảm báo động sẽ mất đi, người bệnh có thể đột ngột rơi vào cơn hôn mê.
7. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất nếu bắt đầu rối loạn tri giác, lơ mơ
Nhờ BS chia sẻ các bước xử trí cụ thể khi người tiểu đường bị hạ đường huyết ạ? Trường hợp nào cần đến bệnh viện ngay, thưa BS?
TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Khi người bệnh có các triệu chứng nhẹ như đói, vã mồ hôi, run tay, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên có máy theo dõi đường tại nhà để chủ động thử đường trong trường hợp này.
Nếu đường huyết dưới 70 mg/dL, người bệnh nên ăn hoặc uống lượng đồ ngọt thích hợp. Ví dụ, hòa 3 muỗng đường vào nước để uống, hoặc uống nửa lon cocacola, 1 hộp sữa,… làm sao nâng đường lên càng sớm càng tốt.
Sau đó, tùy thuộc vào nguyên nhân của hạ đường để xử trí, phòng ngừa cơn hạ đường tiếp diễn. Ví dụ, nếu liều thuốc quá mức với người bệnh, nên giảm liều thuốc. Trường hợp hạ đường huyết có liên quan đến bỏ bữa, cần hướng dẫn người bệnh ở những bữa ăn kế tiếp để tránh tình trạng bỏ bữa ăn ở người bệnh.
Khi tình trạng nặng hơn, người bệnh bắt đầu rối loạn tri giác, lơ mơ,… cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Đã có nhiều trường hợp, bệnh nhân ở quê, người nhà không đưa vào cơ sở y tế địa phương mà bắt thẳng xe lên bệnh viện thành phố, điều đó đã vô tình bỏ qua thời gian can thiệp hiệu quả cho người bệnh, dẫn đến hậu quả thương tâm. Vì vậy, người nhà nên đưa tới cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ xét nghiệm và xử trí tình trạng hạ đường huyết kịp thời.
8. Sai lầm nào cần tránh khi xử trí hạ đường huyết?
Những sai lầm cần tránh khi xử trí người tiểu đường bị hạ đường huyết là gì, thưa BS? Sau khi qua cơn nguy hiểm vì hạ đường huyết, người bệnh tiểu đường nên lưu ý những gì ạ?
TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Một trong những vấn đề cần chú ý là khi bệnh nhân bị rối loạn tri giác, lúc này, bệnh nhân đang cần sự hỗ trợ, người nhà không nên cạy miệng họ để đổ nước đường vào, làm tăng nguy cơ hít sặc hoặc viêm phổi cho người bệnh, điều đó vô cùng nguy hiểm.
Nhiều người chữa bằng các phương pháp dân gian khi người bệnh đang trong tình trạng rối loạn tri giác. Thay vì đưa người bệnh đến bệnh viện thì để họ nằm ở nhà và mời người đến chữa. Điều này đã bỏ lỡ thời gian điều trị cho bệnh nhân.
Khi người bệnh đã ổn định tình trạng hạ đường, nên đưa đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân hạ đường. Nếu liên quan đến thuốc, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc, hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống nếu có liên quan đến vấn đề này, làm sao để tránh cơn hạ đường kế tiếp cho người bệnh là điều quan trọng.
9. Luôn mang theo kẹo, sữa bên người để xử trí cơn hạ đường huyết kịp thời
Để phòng ngừa hạ đường huyết, người bệnh tiểu đường cần làm gì?
TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Bên cạnh việc tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, ăn đúng bữa, không bỏ bữa,… đôi khi người bệnh có thể xuất hiện cơn hạ đường huyết. Do đó, để phòng ngừa, người bệnh cần luôn mang theo kẹo bên người hoặc hộp sữa để xử trí kịp thời. Đặc biệt khi đi xa, những nơi ít người hoặc tập thể dục một mình. Do đó, khi tập thể dục nên có người đi kèm, nếu đi một mình nên mang theo kẹo, nước,…
Những lần tái khám, nếu có triệu chứng, nên báo cho bác sĩ biết, để bác sĩ xem xét và điều chỉnh liều thuốc phù hợp.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình