Hotline 24/7
08983-08983

Bí quyết sống khỏe của vị giáo sư không có tuổi già

Qua sự giới thiệu của ông Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tôi tìm đến tư gia của NGND.GS.TS Lê Quang Long trên phố Nguyễn Đổng Chi.

90 tuổi, GS.TS Lê Quang Long vẫn miệt mài biên soạn, dịch hàng chục cuốn sách, từ điển; Đi du lịch khắp nơi cùng con cháu; Vẫn đi bộ gần 2km mỗi ngày và tập yoga đều đặn; Tích cực tham gia các hoạt động của khu phố và tự nấu nướng, làm mọi việc sinh hoạt cá nhân mà không phải phiền đến con cháu,… Vậy bí quyết sống khỏe mạnh, có ích của vị Giáo sư không tuổi này là gì?

Suy nghĩ tích cực, lạc quan

NGND.GS.TS Nguyễn Lân Dũng – cựu sinh viên khoa Sinh học, trường ĐHSP Hà Nội nhận xét: “Với NXB Giáo dục Việt Nam, GS Long là một trong những tác giả viết nhiều sách nhất. Là một trong những nhà khoa học đã nêu gương trong việc áp dụng những kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống, như góp phần nâng cao sản lượng cá rô phi, thụ tinh nhân tạo cho lợn, đặc biệt còn tham gia 3 đề tài nghiên cứu “tuyệt mật” của Bộ Quốc phòng. Ít có ai biết đến 8 ngoại ngữ như thầy. Vì vậy, thầy đã dịch hàng chục đầu sách từ ngoại ngữ sang tiếng Việt và ngược lại. Thầy còn đi dạy học ở châu Phi và tham dự nhiều Hội nghị khoa học quốc tế. Ở cương vị công việc nào, thầy cũng say mê, trách nhiệm chứ không bao giờ làm việc qua loa lấy lệ”.


Qua sự giới thiệu của ông Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tôi tìm đến tư gia của Nhà giáo Nhân dân (NGND)- GS.TS Lê Quang Long trên phố Nguyễn Đổng Chi (Mỹ Đình-Hà Nội).

Dù đã được nghe qua về cụ nhưng khi gặp tôi vẫn rất bất ngờ. Bởi nhìn cụ khá trẻ so với tuổi, đôi mắt tinh anh, cử chỉ hoạt bát. Không chỉ ra tận đầu ngõ để đón khách, cụ còn giúp tôi đẩy xe lên sân rồi lấy kẹo, pha nước cam mời khách.

Cụ hồ hởi giới thiệu: “Đây là nhà của con gái tôi, cả gia đình mới chuyển về đây khoảng 5 năm thôi. Con gái đang đi công tác ở Trung Quốc, mấy hôm nữa mới về. Bọn trẻ thì đi học, đi làm cả, nhà có mình tôi thôi”. Vừa nói, cụ vừa đi lại thoăn thoắt bê một chồng sách, ảnh ra cho tôi xem. Tôi ngỏ ý muốn giúp nhưng cụ bảo tự làm được và coi như tập thể dục luôn.

Với dáng người to cao, nước da hồng hào, người đàn ông gốc Huế - Lê Quang Long dù có gần 70 năm sống ở Thủ đô nhưng “chất” Huế trong cụ không hề phai nhạt. Cụ vẫn nói giọng Huế nhẹ nhàng, trầm ấm tuy có phần hơi khó nghe; Cách nói chuyện khiêm tốn và thường kèm theo từ “cảm ơn”. Trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, cụ rất hay cười nhưng có lúc tuôn trào nước mắt khi nhắc về chuyện xưa.

Vốn xuất thân dòng dõi hoàng tộc, GS Lê Quang Long là cháu ngoại vua Thành Thái và gọi vua Duy Tân bằng cậu ruột. Cả hai đều là những vị vua yêu nước của triều đình nhà Nguyễn, có tư tưởng chống Pháp. Khi mưu sự chống Pháp bại lộ đã bị đầy ra đảo Réunion (châu Phi).

Gần 40 năm công tác, cụ là 1 trong 3 nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. GS Long thông thạo tới 3 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga và có thể giao tiếp bằng 5 ngoại ngữ khác nữa.

Chuyện gia đình GS Long cũng lắm bi ai. Cả hai người con trai của cụ đều mất sớm. Năm 1990, người vợ Lê Kim Khương sau bao năm gắn bó cũng bỏ cụ ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Anh em ruột thịt thì ở cách xa cả nửa vòng trái đất, chỉ còn cụ và cô con gái trong ngôi nhà tập thể lạnh ngắt. Căn phòng hạnh phúc của vợ chồng giờ thành nơi đặt ban thờ vợ và hai người con vắn số.

Chỉ vào chồng thư cao vút, giọng nói nghẹn lại, đôi mắt rưng rưng, GS Long xúc động nói: “Vợ con bạc mệnh nên bỏ tôi đi sớm. Còn cha mẹ, anh em ruột thịt sống bên Mỹ, suốt từ năm 1945 đến giờ chỉ liên lạc qua thư. Đây, hơn hai ngàn bức thư, với tôi là một báu vật. Dù số lần đi công tác nước ngoài lên đến cả trăm lần nhưng mãi tới khi về hưu cả chục năm, tôi mới được đoàn tụ với gia đình. Nếu không suy nghĩ tích cực, đơn giản hóa mọi chuyện thì có lẽ tinh thần tôi cũng suy kiệt mà về với vợ con rồi”.

Ở độ tuổi 90, khi rất nhiều thế hệ học trò của cụ là Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân thì cuối năm 2014 vừa qua, cụ mới được đặc cách phong tặng danh hiệu này. Nhưng với GS Long, chuyện danh hiệu không phải là thứ gì đó quá quan trọng. Với cụ thứ quan trọng nhất nằm ở đạo đức, nhân cách và hiệu quả làm việc.

Suốt bao nhiêu năm cống hiến cho ngành Giáo dục nước nhà, dù không danh hiệu, không phần thưởng song cụ vẫn luôn tâm niệm: “Theo cách mạng, tôi là nhà giáo yêu nước. Tôi đã có cả giang sơn, dân tộc, độc lập và thống nhất”.

Ở tuổi 90, GS Long mới được đặc cách phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Say mê công việc

Gạt qua bao muộn phiền, cụ suy nghĩ lạc quan, tích cực và dành nhiều thời gian, tình yêu cho việc làm khoa học, biên soạn - dịch sách, làm từ điển… Mang cho tôi xem hàng chục đầu sách mới xuất bản vài năm gần đây, cụ cười dí dỏm: “Chả mấy khi có cơ hội được “khoe” nên hôm nay có bao nhiêu là phải mang ra khoe hết”.

Với sự lao động miệt mài, 21 năm từ khi nghỉ hưu tới nay, cụ đã cho ra đời trên 50 đầu sách với đủ các chủng loại. Trong khi đó, cụ vẫn đi thỉnh giảng ở hàng chục trường đại học khắp trong và ngoài nước; Hướng dẫn sinh viên, học viên làm luận văn, luận án; Cố vấn cho nhiều tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế.

Ngoài những đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Nhà nước được đánh giá cao, đến nay, NGND.GS.TS Lê Quang Long đã xuất bản khoảng 100 đầu sách, trong đó có 50 đầu sách được biên soạn/dịch khi đã nghỉ hưu. Có cuốn sách, cụ chỉ làm trong khoảng 5,6 tháng nhưng có cuốn phải biên dịch và chỉnh sửa suốt 8 năm mới xuất bản được. Đó cũng chính là cuốn từ điển danh giá bậc nhất hiện nay – từ điển Bách khoa Mĩ Britannicus.

“Trong cuốn từ điển Britannicus, tôi được phân công dịch 2.000 thuật ngữ về động vật học, thực vật học và hiệu đính cho nửa phần khoa học tự nhiên. Sau 8 năm biên dịch, chỉnh đi chỉnh lại, mới đây bộ từ điển Bách khoa Mĩ Britannicus (bộ Từ điển nổi tiếng nhất thế giới hiện nay-PV) mới được NXB Giáo dục phát hành đầu năm 2015.

Từ điển được xuất bản, họ cho tôi lựa chọn giữa việc lấy tiền thù lao hoặc nhận một bộ từ điển Britannicus (gồm hai tập và có giá bìa khoảng 3 triệu đồng - PV). Tôi đã chọn lấy từ điển vì tiền thì tiêu rồi cũng hết nhưng nhiều cuốn sách có tiền cũng không mua được. Tôi già rồi, lương hưu 10 triệu đồng/tháng cũng đủ sống. Tôi làm việc vì đam mê, yêu thích và giúp tinh thần thoải mái, trí óc mẫn tiệp đến giờ” – vị Giáo sư không có tuổi già cho hay.

Đi bộ và tập yoga mỗi ngày

Để giữ gìn trí tuệ mẫn tiệp, sức khỏe ổn định, ngoài việc thường xuyên lao động trí óc, GS Long còn duy trì một chế độ sinh hoạt khoa học. Vốn là sinh viên trường Y nên ngay từ thời thanh niên, cụ đặc biệt coi trọng sức khỏe. Cụ nói không với bia rượu, chè, cà phê, không lạm dụng các loại thuốc và ăn uống đơn giản, giàu chất xơ, hạn chế chất béo.

“Từ ngày còn công tác, tôi có chế độ được sử dụng thuốc lá nhưng tôi cho lại anh em chứ cũng không hút bao giờ. Ngoài nước lọc, nước ép trái cây, tôi không sử dụng nước chè, cà phê, bia rượu, kể cả các loại nước ngọt đóng chai”, cụ Long chia sẻ.

Về khoản ăn uống, tuy xuất thân trong dòng dõi quý tộc nhưng cách ăn uống của cụ cũng rất đơn giản và đó cũng là một phần “bí quyết” để lão niên cửu tuần vẫn có sức khỏe dẻo dai. GS “tiết lộ”: “Tôi thuộc diện ăn uống tốt. Bây giờ 90 tuổi nhưng ăn uống lúc nào cũng thấy ngon miệng và có cảm giác thèm ăn. Những lúc ấy, tôi chế ngự nó bằng việc tăng thêm nhiều bữa phụ khi trái cây, lúc cốc sữa. Còn bữa chính, tôi ăn rất ít thịt, cơm mà chủ yếu ăn rau xanh và các loại cá”.

Ngoài ra, việc tập luyện thể dục thể thao và giải trí cũng cực kỳ quan trọng để duy trì tâm thần thoải mái và sức khỏe ổn định. Cụ thường đi ngủ lúc 10g đêm, dậy lúc 7g sáng. Một ngày hai lần, sáng ngủ dậy và trước khi ngủ, cụ đều tập yoga 30 phút. 5g chiều, cụ cùng với mấy người bạn già đi bộ quanh làng khoảng 1-2 km. Cụ cũng tích cực tham gia các hoạt động của khu phố, đặc biệt là Hội Người cao tuổi và Hội cựu Giáo chức.

Nói về bí quyết sống khỏe, sống có ích của mình, NGND Lê Quang Long nhận định: “Càng cao tuổi, càng ngồi một chỗ, lười vận động chân tay hay trí óc thì càng mắc nhiều bệnh, đặc biệt là chứng mất trí nhớ ở người già.

Do đó, dù sức khỏe không tốt nhưng nên cố gắng vận động mỗi ngày một ít, hoặc nhẹ nhàng nhất là tập yoga. Cộng với chế độ ăn uống khoa học, tinh thần thoải mái. Chắc chắn sẽ đẩy lui nhiều bệnh tật, nhất là những bệnh hay mắc ở người già như mắt kém, tai điếc, chân tay run, trí nhớ kém”.  

Theo Tường Vy - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X