Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh thủy đậu ở trẻ: Khi nào theo dõi tại nhà và dấu hiệu nào cần nhập viện?

Bạn có biết rằng, thủy đậu là một trong 5 bệnh có tỷ lệ lây nhiễm cao hàng đầu trong những năm gần đây tại Việt Nam? Nếu không kịp thời điều trị có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não.

Phần 2: Cha mẹ cần chuẩn bị những gì khi đưa con đi chủng ngừa thủy đậu?

Lời khuyên từ TS.BS Phạm Quang Thái - Phó trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh truyền nhiễm - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) sẽ hữu ích cho các bậc phụ huynh đang chăm sóc con nhỏ.

1. Tỷ lệ mắc thủy đậu tại Việt Nam ra sao?

Thưa BS, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm trên thế giới có đến 4,2 triệu ca mắc thủy đậu phải nhập viện, trong đó có 4.200 ca tử vong. Vậy còn ở Việt Nam thì có con số, tỷ lệ cụ thể ra sao ạ?

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Thủy đậu không phải là căn bệnh khiến Bộ Y tế yêu cầu phải báo cáo từng ca bệnh. Tuy nhiên, vẫn yêu cầu báo cáo theo tổng số lượng. Đến thời điểm hiện tại, hằng năm các bệnh viện vẫn báo cáo số lượng bệnh thủy đậu được ghi nhận.

Trước thời điểm COVID-19, mỗi năm chúng tôi ghi nhận khoảng 30.000 - 40.000 trường hợp, trong đó có khoảng vài trường hợp tử vong. Với số lượng mắc này thì thủy đậu cũng là căn bệnh truyền nhiễm hàng đầu nếu so với các bệnh truyền nhiễm khác.

Sau khi COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, tỷ lệ mắc thủy đậu giảm, điều này có thể liên quan đến tâm lý e ngại đến bệnh viện, dự phòng COVID-19 đồng thời có giá trị trong dự phòng bệnh thủy đậu. Do đó, số lượng ca mắc trong 2 năm gần đây, 2020-2021 vào khoảng 15.000 - 20.000 trường hợp.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý, phần lớn trẻ bị thủy đậu người lớn thường giữ ở nhà, ít khi đưa đến bệnh viện. Chỉ khi nào thật nặng, thật băn khoăn mới đưa vào bệnh viện. Vì vậy, tỷ lệ ghi nhận tại bệnh viện không sát so với con số ghi nhận thực tế.

Theo những nghiên cứu chúng tôi vẫn đánh giá từ trước đến nay thì số lượng các trường hợp mắc thủy đậu hằng năm tương đương với khoảng độ tuổi trẻ sinh ra trong năm. Ví dụ như Việt Nam, mỗi năm sinh ra khoảng 1,5 - 1,7 triệu trẻ thì số lượng mắc thủy đậu hằng năm cũng tương đương như vậy. Song, như tôi đã nói ở trên, phần lớn trẻ được giữ ở nhà, con số nhập viện chỉ khoảng 30.000 - 40.000.

2. Thủy đậu thường xảy ra ở độ tuổi nào?

Thủy đậu thường xảy ra ở độ tuổi nào, có phải tất cả mọi trẻ em đều phải trải qua căn bệnh này, thưa BS?

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Ở những quốc gia chưa phổ biến vắc xin, về cơ bản trong những năm đầu tiên của cuộc đời sẽ có nguy cơ tiếp xúc và mắc bệnh. Thủy đậu rất dễ lây, vì vậy về cơ bản sẽ lây lan ở độ tuổi nhỏ. Nhưng trong những năm gần đây, tại Việt Nam đã xuất hiện những vụ dịch mà người lớn cũng mắc bệnh. Ở độ tuổi lớn cũng có trường hợp biểu hiện rất nặng.

Do đó, nếu nói thủy đậu là bệnh hoàn toàn của trẻ nhỏ sẽ không đúng hoàn toàn, mà phụ thuộc vào việc có xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng hay không. Do số lượng ca nặng không quá nhiều như những bệnh khác, vì thế mặc dù ghi nhận các vụ dịch về thủy đậu nhưng các biện pháp chống dịch cho đến thời điểm này vẫn chủ yếu vệ sinh là chính, chưa có biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn.

Chương trình livestream thủy đậu trên AloBacsi cùng chuyên gia TS.BS Phạm Quang Thái nhận được sự quan tâm lớn của các bậc phụ huynh đang chăm con nhỏ

3. Bệnh thủy đậu lây nhiễm từ giai đoạn nào?

Như BS vừa chia sẻ, tại Việt Nam, thủy đậu là 1 trong 5 bệnh có tỷ lệ nhiễm cao nhất trong những năm gần đây. Vậy tỷ lệ và tốc độ lây nhiễm của bệnh thủy đậu ra sao?

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Trong đợt dịch COVID-19, hầu hết đều tạm ngưng các trường học, đây cũng là nguyên nhân đưa đến tỷ lệ mắc thủy đậu giảm những năm gần đây. Nhưng, chúng ta cần biết rằng, mầm bệnh vẫn lưu hành trong cộng đồng, chỉ cần trường học mở cửa thì tỷ lệ mắc thủy đậu sẽ quay trở lại như trước thời điểm dịch COVID-19.

Thông thường, khi phát hiện một ca thủy đậu thì nó đã lây lan rất mạnh mẽ. Do đó, chắc chắn sẽ xuất hiện sớm các vụ dịch thủy đậu liên quan đến trường học, các cơ sở chăm sóc trẻ khi các hoạt động này được nối lại sau dịch bệnh.

4. Mùa nào trong năm bệnh thủy đậu bùng phát mạnh nhất?

Mùa nào trong năm là thời điểm bệnh thủy đậu bùng phát mạnh mẽ nhất, thưa BS? Vì sao?

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Những nước thuộc khí hậu ôn đới có tính mùa rất rõ ràng, thường những mùa đặc biệt từ đông-xuân, xuân-hè tỷ lệ nhiễm thủy đậy cao. Những quốc gia có khí hậu pha trộn như Việt Nam - cận nhiệt, xích đạo thì thủy đậu lưu hành quanh năm. Đây là điểm thú vị và cũng là khó khăn trong việc xử lý. Bởi vì chúng ta gần như phải đối diện với các vụ dịch thủy đậu quanh năm.

Mầm bệnh gây bệnh thủy đậu Varicella Zoster phải có vật chủ - chính là con người, không thể sống ngoài môi trường. Sự tồn tại những ca bệnh trong quần thể sẽ là nguồn để tiếp tục lưu hành bệnh này trong cộng đồng.

Dù có thực hiện bất kỳ biện pháp nào như hiện tại vẫn đang áp dụng cũng không thể chấm dứt các vụ dịch, nguồn lây được. Vì vậy trong thời gian tới, chắc chắc những ổ dịch tương tự như các vụ dịch như chúng tôi đã phát hiện trước giai đoạn COVID-19 vẫn sẽ xuất hiện.

Và xu hướng của nó cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam chưa đưa được vắc xin thủy đậu vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nên việc dự phòng đối với thủy đậu rất khó để kiểm soát toàn diện. Chúng ta vẫn dừng lại ở mức hạn chế tốt nhất có thể và việc tiếp cận nguồn vắc xin càng sớm càng tốt ở tất cả các nhóm quần thể là rất quan trọng. Còn như trong thời điểm hiện tại, khi việc tiếp cận vẫn phụ thuộc vào sự xuất phát từ yếu tố cá nhân thì rõ ràng chúng ta cần phải dự phòng các ổ dịch trong tương lai.

5. Thời gian ủ bệnh của thủy đậu bao lâu, dấu hiệu nào nhận biết?

Bệnh thủy đậu diễn biến qua những giai đoạn nào thưa BS? Trong đó, bệnh lây lan mạnh nhất ở giai đoạn nào?

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Trên phương diện lâm sàng, điều trị, thủy đậu có thời gian ủ bệnh khá dài, có thể 14-16 ngày, thậm chí có thể là từ 10 - 21 ngày. Chúng ta cũng biết rằng, trong dịch COVID-19, người ta căn cứ vào thời gian ủ bệnh để quyết định thời gian cách ly.

Đối với thủy đậu có khoảng thời gian ủ bệnh dài như vậy sẽ rất khó khăn trong công tác phòng chống. Bởi vì ngay trong thời gian ủ bệnh, thủy đậu đã có thể lây lan. Người lây bệnh trong điều kiện không có bất kỳ dấu hiệu nào. Tuy nhiên, khi bắt đầu biểu hiện bệnh cũng không đặc hiệu, có thể mệt mỏi, đau bụng, sau đó mới sốt và có phát ban. Đặc biệt, khi có dấu hiệu phát ban thì bệnh đã lây “tưng bừng” rồi.

Ví dụ, ở trong trường học phát hiện một trẻ bị thủy đậu, dù lúc đó cho trẻ nghỉ thì về cơ bản lớp học đó đã lây xong. Khi đó, chúng ta chỉ bàn đến việc phòng để tránh lây lan cho các lớp khác. Nhưng ngay cả các lớp học khác có hoạt động tập thể, vui chơi cùng nhau thì cũng gần như không thể tránh khỏi.

Rõ ràng, thủy đậu có thể lây lan từ rất sớm. Hai nữa, biểu hiện lâm sàng của thủy đậu cũng rất nhẹ, dẫn đến sự chủ quan. Thậm chí, nhiều trường hợp còn có những thói quen chăm sóc không đúng cách, ví dụ như kiêng tắm rửa, vệ sinh khiến các nốt phỏng bội nhiễm và khi đó trẻ sẽ mắc các bệnh cảnh liên quan đến da, nhiễm trùng huyết… Nếu xử trí không tốt có thể đưa đến biến chứng phổi, não…

Tương tự, vấn đề nhập viện muộn cũng vậy. Khi các triệu chứng lâm sàng đã đầy đủ và điển hình nhưng gia đình vẫn giữ trẻ ở nhà, không đưa đến bệnh viện. Đến khi vào các cơ sở y tế thì biểu hiện đã rất nặng. Đôi khi, người ta không chẩn đoán vào triệu chứng của thủy đậu mà chẩn đoán một trường hợp viêm não, do đó, cuối cùng lại có một ca bệnh viêm não, trong khi thực tế đây là một ca bệnh thủy đậu gây viêm não. Đây là những vấn đề cần cảnh giác liên quan đến bệnh thủy đậu.

Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Quang Thái hiện đang là Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, chuyên gia dịch tễ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: VnExpress

6. Những biến chứng của bệnh thủy đậu

Thực tế, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa nhận diện rõ được mức độ nguy hiểm của thủy đậu dẫn đến nhiều câu chuyện đáng tiếc. Xin hỏi BS, điều gì sẽ xảy ra nếu thủy đậu không được phát hiện và điều trị kịp thời? Biến chứng nào là thường gặp nhất là hay xảy ra trong độ tuổi nào?

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Đầu tiên, biến chứng dễ nhìn thấy nhất liên quan đến các nốt phỏng, đó là bội nhiễm và nhiễm trùng huyết. Dù là nhiễm trùng huyết do bản thân vi khuẩn gây ra hay nhiễm phát sinh, thứ phát sau khi bị thủy đậu thì đều nguy hiểm như nhau. Đặc biệt, trẻ em sau khi nhiễm thủy đậu thì miễn dịch sẽ giảm và rất dễ bị bội nhiễm bởi các vi khuẩn khác.

Ngoài ra còn có biến chứng viêm phổi, viêm não. Trong đó, viêm não có thể liên quan trực tiếp đến vi khuẩn, nhưng cũng có thể phát sinh do một tác nhân khác sau khi suy giảm miễn dịch liên quan đến thủy đậu tấn công và gây ra viêm não. Thậm chí, có những trẻ vào viện đã xuất hiện tình trạng lơ mơ, co giật, kích thích hoặc rối loạn hành vi, biểu hiện liên quan đến mất thăng bằng vì tổn thương của tiểu não.

Với những biểu hiện như vậy thì người ta sẽ nghĩ đến một bệnh cảnh khác thay vì thủy đậu. Tuy nhiên, dù là bệnh lý nào thì việc phát hiện sớm các biến chứng liên quan đến thủy đậu cũng rất cần thiết để giúp gia đình nhận ra thời điểm nào là quan trọng nhất, đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng có điều kiện để thoát ra khỏi các biến chứng nguy hiểm.

7. Phân biệt triệu chứng của bệnh thủy đậu như thế nào?

Vậy làm sao để phân biệt thủy đậu với các bệnh khác như bác sĩ đã nói ở trên?

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Điều này cũng rất khó. Ví dụ ở giai đoạn sớm, hay còn gọi là tiền triệu, chỉ xuất hiện các triệu chứng đau bụng, sốt. Hiện tại, nếu trẻ có sốt thì thường chúng ta nghĩ ngay đến COVID-19. Trẻ em sốt cũng có thể do một đáp ứng thông thường của trẻ do cảm lạnh, nhưng đây cũng có thể là triệu chứng chỉ điểm sớm của thủy đậu. Vì vậy, nếu các bậc phụ huynh phát hiện trẻ có dấu hiệu sốt, phỏng nước thì nên đưa đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị phù hợp.

8. Dấu hiệu nào trẻ bị thủy đậu có thể theo dõi tại nhà, khi nào cần đến bệnh viện?

Khi phát hiện trẻ bị thủy đậu, triệu chứng nào cho thấy có thể tự theo dõi tại nhà? Những triệu chứng nào cảnh báo bệnh đã trở nặng và cần đến bệnh viện ngay?

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Khi trẻ bị thủy đậu, có một số biểu hiện mà các bậc phụ huynh cần lưu ý để đưa trẻ đến bệnh viện ngay:

- Thứ nhất, các biến chứng da. Các nốt phỏng không còn màu trong mà chuyển sang dạng đục, nghĩa là đã bội nhiễm, nhiễm khuẩn.

- Thứ hai, trẻ có các biểu hiện liên quan đến phổi như khò khè, khó thở, rối loạn hô hấp, ho kéo dài.

- Thứ ba, trẻ xuất hiện kèm các triệu chứng lơ mơ, mất phương hướng, mất kiểm soát liên quan đến não.

Nếu trẻ bị thủy đậu với các nốt phỏng nước trong thì có thể theo dõi, điều trị tại nhà. Nhưng trong quá trình chăm sóc thì cần phải lưu ý các triệu chứng vừa nhắc đến để đưa trẻ đi bệnh viện kịp thời.

Không chỉ thủy đậu, với bất kỳ bệnh lý nào cũng vậy, sự theo dõi của gia đình với trẻ là vô cùng cần thiết. Việc theo dõi này giúp tránh rất nhiều rủi ro chứ không riêng gì bệnh truyền nhiễm.

9. Trẻ mắc thủy đậu, làm sao tránh lây lan cho người trong nhà?

Trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, cha mẹ nên làm gì để trẻ nhanh chóng vượt qua căn bệnh này? Trong nhà có trẻ bị thủy đậu, cần làm gì để phòng tránh lây nhiễm cho những người khác, nhất là trẻ em và phụ nữ mang thai?

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Như đã nói ở trên, thủy đậu có thời gian ủ bệnh kéo dài. Khi phát hiện một trẻ bị thủy đậu và đã xuất hiện các biểu hiện thì bệnh đã kịp lây cho người khác. Do đó, chúng ta sẽ bàn đến việc dự phòng sau phơi nhiễm. Nếu một người trong điều kiện phơi nhiễm, chưa từng bị thủy đậu thì có thể tiêm vắc xin. Việc tiêm vắc xin sau khi phơi nhiễm vẫn có giá trị nhất định trong bảo vệ những người đã tiếp xúc với người bệnh thủy đậu.

Vì vậy, khi trong gia đình có người mắc thủy đậu thì nên thông báo với những người có nguy cơ, người đã tiếp xúc để dự phòng sau phơi nhiễm, giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc, người đến thăm/ chơi nhà. Tập tục của người Việt Nam là thường thăm người ốm, đây là văn hóa tốt đẹp nhưng nếu trong nhà có người bị thủy đậu, việc đến thăm này vô hình chung có thể đem bệnh đến hoặc đem bệnh về.

10. Bí quyết nào giúp phòng ngừa sẹo xấu sau thủy đậu?

Những sai lầm nào cần tránh để bệnh không tiến triển nặng hơn, để lại sẹo xấu cho trẻ? Hiện nay, khi con bị thủy đậu, một số bậc phụ huynh thường quan niệm không được tắm, tránh ra gió và tránh một số loại thực phẩm như thịt dê, hải sản tôm, thịt bò để hạn chế sẹo cho bé. Theo BS, việc kiêng khem này có cần thiết?

TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Nốt phỏng của thủy đậu chỉ dừng lại ở lớp trung bì và thượng bì. Tức là khi nốt phỏng xẹp xuống chúng ta sẽ không bị sẹo. Nhưng nếu trẻ không được vệ sinh, lau rửa cơ thể thường xuyên…, hơn nữa đặc trưng của nốt phỏng thủy đậu là gây ngứa, vì vậy trẻ có thể đưa tay lên gãi, làm tổn thương phần dưới của da, gây ra sẹo.

Vì vậy, chúng ta phải tránh đến mức tối đa nguy cơ có những tổn thương sâu bằng cách:

- Đảm bảo vệ sinh cho trẻ, tắm rửa bằng nước ấm, nước sạch. Sau đó, có thể sử dụng dung dịch như sữa tắm để làm sạch da.

- Đảm bảo tránh các vấn đề nhiễm trùng. Khi không nhiễm trùng thì không để lại sẹo.

- Ngoài vấn đề vệ sinh, nếu được tư vấn tốt với thầy thuốc khi đi khám thì trẻ có thể dùng thêm thuốc kháng virus, ví dụ như Acyclovir. Vấn đề quan trọng là cần phải tư vấn, chỉ định bởi bác sĩ, chứ không phải tự ý ra hiệu thuốc mua sử dụng. Việc lạm dụng kháng sinh, dùng thuốc không đúng cách sẽ dẫn đến tổn thương da và nhiều cơ quan khác.

Trân trọng cảm ơn Liên Chi Hội Bác sĩ Gia Đình TPHCM và VPĐD GSK đã đồng hành cùng chương trình!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X