Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh lý nội tiêu hóa nào phải điều trị bằng kỹ thuật cao?

Những bệnh lý nội tiêu hóa nào phải điều trị bằng kỹ thuật cao? Kỹ thuật cao điều trị bệnh tiêu hóa là những kỹ thuật gì? Mời bạn đọc AloBacsi theo dõi phần tư vấn của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Gia An 115.

Tiếp theo phần 1: Đau bụng khi nào là dấu hiệu nguy hiểm, không nên tự chữa ở nhà?

Phần 2: Kỹ thuật cao điều trị bệnh tiêu hóa là những kỹ thuật gì?

1. Nội soi cắt túi mật và nội soi mật tụy ngược dòng được áp dụng trong trường hợp nào?

Xin hỏi BS, nội soi cắt túi mật và nội soi mật tụy ngược dòng được áp dụng trong trường hợp nào? Có giới hạn độ tuổi hay có chống chỉ định gì không ạ?

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn:

Nội soi cắt túi mật và nội soi mật tụy ngược dòng được phát triển trên thế giới khá lâu và gia nhập Việt Nam cũng hơn 20 năm.

Cả 2 kỹ thuật này không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, với cắt túi mật nội soi thì chỉ có một giới hạn đó là nếu bệnh nhân có tăng áp lực phổi quá nhiều, bởi trong quá trình nội soi cần phải bơm hơi ổ bụng làm cản trở hô hấp của bệnh nhân thì lúc đó mới có chống chỉ định.

Với nội soi mật tụy ngược dòng chống chỉ định khi bệnh nhân bị hẹp bất kỳ đoạn nào trên cuống họng đến tá tràng, tức là đoạn đầu của ruột non.

Hai kỹ thuật này phát triển trên sự tiến bộ của khoa học, và theo xu hướng điều trị bệnh càng ít xâm lấn cơ thể thể người bệnh càng tốt.

2. Tầm soát, khám bệnh tiêu hóa gồm xét nghiệm gì?

BS cho biết mình muốn tầm soát bệnh lý Nội tiêu hóa nên đến bệnh viện làm những xét nghiệm gì?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:

Hệ tiêu hóa gồm các bộ phận như miệng, thực quản, dạ dày, ruột và đại tràng, nó được sắp xếp giống hình chữ U ngược ở vùng bụng và ra ống hậu môn. Ngoài ra, còn có gan, mật cũng được xếp vào hệ tiêu hóa.

Đau bụng thường gặp ở hệ tiêu hóa, nhưng cũng không loại trừ một số trường hợp đau bụng còn là triệu chứng của thận, bàng quang thì liên quan đến bệnh của hệ tiết niệu. Ở phụ nữ đau bụng còn gặp ở tử cung và 2 buồng trứng.

Đôi khi triệu chứng đau bụng cũng rất mơ hồ, bệnh nhân thấy bụng càng ngày càng to ra, khi bác sĩ thăm khám và siêu âm thì phát hiện đã bị cổ chướng trong bệnh lý xơ gan. Xơ gan thì có rất nhiều nguyên nhân như viêm gan siêu vi B, C, hoặc xơ gan do bia rượu.

Có trường hợp người bệnh đã phát hiện bị xơ gan 5, 7 năm rồi, nhưng trong quá trình điều trị lại không thấy có triệu chứng vàng da, vàng mắt, hay đau đớn gì nên tự ý ngưng thuốc, và hậu quả hiện tại là bị xơ gan cổ chướng.

Với đau bụng do viêm dạ dày, nếu đau vùng thượng vị của dạ dày kèm rối loạn đi cầu (táo bón xen kẽ tiêu chảy hoặc ruột hay bị kích ứng ăn vào là tiêu chảy, hay táo bón 1 tuần mới đi ngoài 1 lần), thì bác sĩ sẽ chỉ định nội soi dạ dày để phát hiện ổ loét và nếu nghi ngờ ung thư thì bác sĩ sẽ làm sinh thiết bằng cách bấm 1 mẫu loét để giải phẫu bệnh.

Còn trường hợp rối loạn đại tiện, bác sĩ sẽ yêu cầu nội soi cả dạ dày và đại tràng. Ở Bệnh viện Gia An 115 có nội soi dạ dày - đại tràng an thần, không gây đau đớn cho bệnh nhân và giúp phát hiện ra polyp đại tràng, trực tràng, ung thư giai đoạn sớm,…

Ngoài ra, với những triệu chứng đau bụng thông thường thì có thể kiểm tra bằng siêu âm để định được cơ quan nào bị bệnh trong ổ bụng. Siêu âm cũng vô hại vì tia siêu âm không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Do đó, khi đau bụng cần làm xét nghiệm gì thì tùy thuộc vào việc thăm khám và quyết định của bác sĩ sau khi trao đổi với bệnh nhân. Lời khuyên của tôi là nếu bệnh nhân bị đau bụng mà không phân biệt được triệu chứng nguy hiểm hay không thì tốt nhất nên đến bệnh viện.

3. Bệnh viện Gia An 115 có những xét nghiệm, kỹ thuật gì để tầm soát bệnh tiêu hóa?

Trường hợp một người không bị đau gì nhưng vì quan tâm đến tình trạng sức khỏe mà muốn đến BV Gia An 115 để tầm soát các bệnh lý về đường tiêu hóa thì phải làm nhưng xét nghiệm hay kỹ thuật gì, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:

Thực sự bệnh nhân phải có ít nhất 1 triệu chứng gì đó bất thường thì mới nghĩ đến việc tầm soát tiêu hóa, chứ tôi nghĩ không có ai đang khỏe mạnh mà lại đi tầm soát tiêu hóa cả.

Trong tiêu hóa, triệu chứng thường gặp nhất là đau bụng hoặc nóng rát vùng sau xương ức, vùng họng nóng rát, ợ hơi, ợ chua, nhợn ói,… đây là là những dấu hiệu khiến người bệnh hay đi tầm soát tiêu hóa nhất.

Tuy nhiên, cũng trong tiêu hóa ví dụ như vàng da, vàng mắt, bệnh nhân đi cầu ra phân bạc màu thì đó là gợi ý của bệnh về gan mật; chẳng hạn như tắc mật thì bác sĩ sẽ đo chức năng của gan để xem bệnh nhân có nghẹt túi mật không, siêu âm vùng bụng xem có sỏi mật không, khó khăn hơn thì phải chụp cắt lớp vùng bụng.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân thử máu xem có thiếu đủ máu hay không và test vi khuẩn Hp. Hp nằm trong dạ dày, đa phần người Việt Nam bị rất nhiều do thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn ngoài đường hoặc chấm chung nước mắm,…

Tuy nhiên xét nghiệm tìm Hp chỉ đúng khoảng 70%, còn lại 30% là sai số, tức là mình có bị nhưng xét nghiệm máu không ra. Cho nên ít khi nào sử dụng biện pháp xét nghiệm máu để tìm Hp mà thường là nội soi dạ dày.

Ở BV Gia An 115 nội soi dạ dày có 2 phương pháp. Một là gây tê tại chỗ, nghĩa là bệnh nhân vẫn tỉnh táo và hợp tác trong quá trình nội soi nhưng lại gây nhợn ói và khó chịu cho bệnh nhân. Hai là nội soi dạ dày an thần, rất êm dịu với bệnh nhân. Ví dụ người lớn tuổi, người hay sợ hãi thì có thể lựa chọn phương pháp này sẽ nhẹ nhàng hơn.

Ngoài ra, cũng có thể thổi bóng để tìm Hp.

Trường hợp bệnh nhân bị viêm gan siêu vi thì ban đầu sẽ làm xét nghiệm máu xem đã từng có kháng thể nhiễm viêm gan siêu vi B, C chưa. Nếu có rồi thì sẽ làm thêm một số xét nghiệm như đo tải lượng virus trong máu xem có quyết định điều trị hay không, đo chức năng gan xem gan đã bị ảnh hưởng chưa.

Do đó, sẽ có rất nhiều biện pháp xét nghiệm, nên không có một khung cố định nào cho bệnh nhân không có triệu chứng mà đi tầm soát tiêu hóa.

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn - Phó Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn:

Muốn chẩn đoán một bệnh lý nào đó hoặc tìm xem ai đó có bệnh gì không để giải tỏa sự lo lắng về sức khỏe. Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi bệnh, thăm khám hết sức tỉ mỉ giúp cho người bệnh gợi nhớ lại những triệu chứng mơ hồ nào đó bị bỏ qua, hoặc hành động nào đó như ăn uống tại một nơi không an toàn vệ sinh, và khi về nhà cảm thấy thấy không yên tâm nên muốn đi khám xem có mắc bệnh gì không.

Hoặc tại sao bạn đang cố gắng giảm cân nhưng vẫn tiếp tục tăng cân và ngược lại mà không rõ nguyên nhân thì cần phải đi khám bác sĩ.

Tuy nhiên, việc thăm khám và hỏi bệnh đôi khi cũng chưa để chẩn đoán được chính xác bệnh nhân mắc bệnh gì, mà phải dùng các xét nghiệm. Xét nghiệm gồm 3 nhóm: nhóm không xâm lấn, nhóm xâm lấn tối thiểu và nhóm xâm lấn.

Ví dụ test hơi thở, siêu âm được gọi là xét nghiệm không xâm lấn, còn nội soi là xâm lấn tối thiểu và đôi khi bác sĩ sẽ cần thực hiện các xét nghiệm xâm lấn thì sẽ thảo luận với bệnh nhân để chọn phương pháp nào.

4. Tại sao việc điều trị ung thư tiêu hóa thường khó khăn?

Xin hỏi BS tại sao việc điều trị ung thư tiêu hóa thường khó khăn? Và giải pháp của BV Gia An 115 là gì ạ?

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn:

Để thăm khám, điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa nói chung và ung thư tiêu hóa nói riêng, ngoài các biện pháp nội soi thông thường, còn có nội soi viên nang, nội soi siêu âm và kết hợp các biện pháp với nhau để làm sao giúp bệnh nhân điều trị khỏi bệnh.

Đối với nội soi mật tụy ngược dòng hay kỹ thuật xuyên gan qua da, đầu tiên phải chẩn đoán đúng bệnh nhân bị bệnh gì; thứ 2 đặt ra kế hoạch điều trị và chọn lựa phương pháp điều trị cho bệnh nhân, lúc này phải phụ thuộc hoàn toàn vào phương tiện có trong tay và thể trạng bệnh nhân.

Theo xu hướng chung là càng ít dùng dao mổ lớn, nhiều để người bệnh có thể chịu đựng được thì càng tốt và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của họ sau khi can thiệp.

Tuy nhiên, đến giai đoạn thứ 3 của ung thư, nếu cần can thiệp thì nó lại phụ thuộc nhiều vào kỹ năng của bác sĩ chuyên khoa thực hiện hoặc phối hợp các kỹ thuật với nhau để làm sao đạt được hiệu quả tốt nhất.

5. Ung thư đường mật khiến cụ bà ngoài 80 bị tắc nghẽn ống gan được Bệnh viện Gia An 115 điều trị thế nào?

Trường hợp ung thư đường mật khiến cụ bà bị tắc nghẽn ống gan là một ca bệnh đặc biệt khi người bệnh đã ngoài 80. ThS.BS Nguyễn Thế Toàn có thể chia sẻ thêm về quá trình điều trị trường hợp này?

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn:

Trước khi đến gặp tôi để điều trị bệnh, bà cụ đã có khoảng 2 tháng bị vàng da, sốt từng cơn, cũng đã điều trị tại 1 hoặc 2 bệnh viện lớn và được can thiệp đường mật tối thiểu, đặt stent nhưng stent nhựa với kích thước nhỏ và sau đó stent bị tắc trong 1 thời gian ngắn gây nhiễm trùng, bệnh nhân phải nhập viện lần nữa để thay stent.

Như tôi vừa nói bên trên, thứ nhất cần chẩn đoán bệnh chính xác, thứ 2 đề ra phương án điều trị hợp lý, thứ 3 mới thực hiện phương án đó thì điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố kỹ năng, kỹ thuật là quan trọng nhất.

Thật ra, đối với bệnh nhân trên 80, 90 tuổi không có chống chỉ định mà vẫn tiến hành được nếu chuẩn bị tốt và có phương tiện hỗ trợ tốt.

6. Bệnh viện Gia An 115 hiện được trang bị, đầu tư các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị cho các bệnh lý tiêu hóa, gan mật như thế nào?

Từ đầu chương trình đến giờ được nghe các chuyên gia chia sẻ về nhiều trường hợp được điều trị, phẫu thuật thành công. MC cũng như bạn đọc đều có chung một sự “tò mò” đó là BV Gia An 115 hiện được trang bị, đầu tư các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị cho các bệnh lý tiêu hóa, gan mật như thế nào?

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn:

Tôi rất tự hào vì tại bệnh viện Gia An 115 có đầy đủ phương tiện chẩn đoán, đại khái trên Thế giới có gì thì bệnh viện chúng tôi hầu như có cái đó.

Đối với kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng hay xuyên gan qua da, kỹ thuật phẫu thuật nội soi ổ bụng, CT, MRI, DSA, chúng tôi cũng đã có và thậm chí là máy móc thế hệ mới, độ phân giải cao.

Ví dụ 1 ca bệnh, như ca bà cụ 80 tuổi bên trên thì ở bệnh viện khác mặc dù chẩn đoán đúng nhưng thực sự đi sâu vào vấn đề còn chưa chuẩn xác thì tại bệnh viện chúng tôi đã thực hiện xác định lại, chụp MRI lại, phân tích lại và đặt ra phương án điều trị cụ thể dễ dàng mà không gặp trở ngại gì.

7. Trường hợp đau bụng nào có thể tự xử trí ở nhà, trường hợp nào phải đến phải đến bệnh viện?

Để đúc kết cho chương trình hôm nay, nhờ BS chỉ ra những trường hợp đau bụng nào người dân có thể tự xử trí ở nhà và lắng nghe cơ thể, những trường hợp nào nhất thiết phải đến phải đến bệnh viện chứ không tự chữa ở nhà?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:

Đau bụng là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý trong cơ quan nội tạng.

Trường hợp đau thông thường như đau bụng hành kinh, đau vùng thượng vị, hay sau khi ăn một món ăn lạ, món ăn cũ rồi bị đau bụng và đi cầu vài lần, thì đa số người bệnh đều tự xử lý và thấy êm là ở nhà, nhưng tôi vẫn khuyên tốt nhất vẫn nên tới bệnh viện.

Tuy nhiên, với những trường hợp đau bụng cần cảnh giác đó là:

  • Cơn đau bụng kéo dài và cường độ đau dữ dội không thể chịu được. Bệnh nhân phải nằm co quắp lại hoặc nằm chổng mông để giảm cơn đau thì thường gặp trong viêm tụy cấp.
  • Đau bụng sau một bữa ăn thịnh soạn, nhiều chất béo, dầu mỡ, cơn đau đột ngột, dữ dội thì coi chưng đó cũng là cơn đau của viêm tụy cấp, bắt buộc phải tới bệnh viện.
  • Trong điều trị viêm tụy cấp bệnh nhân phải nhịn ăn uống, nếu chỉ ở nhà mà uống thuốc giảm đau rồi ăn nhẹ thì rất nguy hiểm, đôi khi sẽ gây hoại tử tuyến tụy và dẫn đến tử vong.
  • Ngoài ra, các trường hợp cũng cần đi khám bệnh ngay đó là đau kèm sốt vừa (38 độ C) hoặc cao (39, 40 độ C), sốt là biểu hiện có bệnh lý nhiễm trùng trong cơ thể thì phải tới bệnh viện xem ổ nhiễm trùng ở đâu.
  • Đau bụng kèm tiêu chảy, đặc biệt tiêu chảy phân đờm nhớt, kèm máu nên coi chừng. Hay đau bụng kèm rối loạn đại tiện, đi phân đen. Nhưng cần lưu ý, ví dụ một người uống huyết của động vật thì tình trạng đi cầu ra máu đó không phải từ cơ thể bài tiết ra. Còn phân đen, ví dụ một người thiếu máu do thiếu sắt đang uống thuốc bổ sung sắt thì có thể đi cầu phân đen.
  • Trường hợp đau bụng nhưng không đi cầu được và rất khó chịu thì có thể là dấu hiệu tắc ruột.
  • Đau kèm nôn ói dữ dội, ăn uống không được, ăn uống vào là bị ói ra thì cẩn thận dấu hiệu tắc ruột, thủng tạng rất nguy hiểm.
  • Đau vã mồ hôi, mặt màu xanh, tay chân lạnh, huyết áp tụt, bệnh nhân lơ mờ thì coi chừng chảy máu cấp của các cơ quan nội tạng trong vùng bụng hoặc nhiễm trùng huyết.

Do đó, các trường hợp trên bắt buộc phải đưa bệnh nhân tới bệnh viện dù trong đêm. Tốt nhất đưa đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ có thể cấp cứu kịp thời. Trường hợp nếu bệnh viện đó không giải quyết được thì sẽ đưa lên tuyến trên bằng xe cấp cứu có nhân viên y tế đi theo để đảm bảo tính mạng an toàn cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, khi đau bụng bình thường cũng không nên ỷ y. Ví dụ một người đã được chẩn đoán bị hội chứng ruột kích thích thì bây giờ gặp tình trạng đau bụng cũng nên đi thăm khám. Bởi vài năm trước đó có thể là triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, nhưng hiện tại nó có thể là dấu hiệu của của bệnh lý mới xuất hiện, chẳng hạn như ung thư đại tràng xuất hiện trên nền hội chứng ruột kích thích.

Hội chứng ruột kích thích thì lại rất mơ hồ, bệnh nhân có thể sống hòa bình bằng thay đổ chế độ ăn, nhưng vẫn cần coi chừng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X