Hotline 24/7
08983-08983

Báo động bệnh nhân đột quỵ đến trễ giờ vàng vì tâm lý “đầu năm không vào bệnh viện”

Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cho biết dịp tết Tân Sửu, bệnh nhân đột quỵ tăng gấp đôi năm ngoái, nhưng đa số đến viện quá trễ.

Tính đến mùng 5 tết, số ca cấp cứu đột quỵ nhập viện vào Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ (S.I.S) tăng hơn gấp đôi năm ngoái, với hơn 20 ca/ngày.

Nhiều ca được triển khai cấp cứu thành công, là món quà xuân ý nghĩa cho các bác sĩ bệnh viện SIS. Điển hình là trường hợp bác Phạm Kim Th. 80 tuổi, tuy bệnh rất nặng, nhờ đến bệnh viện kịp thời mà được cứu sống.

Bệnh nhân bị đau ngực dữ dội vào viện, chẩn đoán "Nhồi máu cơ tim cấp", tắc mạn tính động mạch vành bên phải. Máu nuôi cơ tim chủ yếu ở động mạch vành bên trái. Không may, động mạch bên trái hẹp rất nặng dài lan tỏa từ đoạn xa đến đoạn giữa đến đoạn gần hẹp luôn gốc. Tim có thể ngưng bất cứ lúc nào.

May mắn, nhờ bệnh nhân được đưa đi viện sớm, các bác sĩ cho chụp và can thiệp động mạch vành cấp cứu, can thiệp thành công đặt stent LAD II-III, LAD I-II, LM-LADI.

Phòng ICU đông đúc tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ mùa tết Tân SửuPhòng ICU đông đúc tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ mùa tết Tân Sửu

Trong khi đó, một số trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện trễ, quá "giờ vàng cấp cứu đột quỵ" nên việc cứu chữa gặp nhiều khó khăn.

TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc bệnh viện S.I.S cho rằng, việc đưa đi cấp cứu trễ do người nhà có tâm lý ngại tết, kiêng kỵ đầu năm không vào bệnh viện nên khi bệnh nhân chuyển nặng mới đưa đến bệnh viện.

Đau lòng nhất là bệnh nhân nữ, đau nặng ngực kéo dài đến 4 ngày, tình trạng ngày càng nặng, bệnh nhân khó thở.

Mùng 2 tết, khi nhập viện bệnh nhân đã rơi vào tình trạng choáng, ngưng tim. Dù hết sức cố gắng hồi sức cấp cứu nhưng, do bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp chuyển thành biến chứng, không thể cứu được.

Giọng đầy bức xúc, BS Cường chia sẻ, các ca như trên để bệnh nhân tử vong là vô cùng đáng tiếc, chỉ cần đến sớm là "chắc chắn cứu sống".

Mùng 5 tết, bác sĩ đã lập lại quyết tâm đồng hành cùng AloBacsi tiếp tục truyền thông về câu chuyện thời gian vàng. Tiếp tục cuộc chiến: tăng cường nhận thức về thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ để thêm nhiều bệnh nhân được cứu sống.

Thái Tâm

[DAP]Đối với bệnh đột quỵ, chẩn đoán và điều trị sớm luôn đạt hiệu quả cao nhất, giúp bệnh nhân có cơ may phục hồi tốt nhất.

Ý nghĩa của thời gian vàng trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ: Ngày nay, đối với các trường hợp tắc nghẽn mạch máu nhỏ, trong 4h30 từ lúc bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên đến lúc nhập viện. Nếu người bệnh đến trong khoảng thời gian 4h30 sẽ được sàng lọc và điều trị bằng thuốc làm tan cục máu đông. Thuốc này chỉ được sử dụng tại bệnh viện, bác sĩ chích thuốc vào tĩnh mạch bệnh nhân, thuốc đó đi vào vòng tuần hoàn làm tan các cục máu đông nhỏ.

Các bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch lớn, thời gian vàng được nới rộng một chút, tuy nhiên thời gian để điều trị hiệu quả nhất là 6h đầu. Có nghĩa là nếu bệnh nhân bị đột quỵ tắc nghẽn các mạch máu lớn trên não nhưng không dược điều trị tốt trong khoảng thời gian 6h đầu thì việc điều trị càng xa, tổn thường não càng nặng và thậm chí có nhiều trường hợp lẽ ra cứu được thì bệnh nhân lại tử vong bởi đến bệnh viện quá muộn.

Khi chúng ta đã hiểu biết về thời gian vàng thì sẽ tránh được những quan niệm sai lầm như: coi bệnh đột quỵ là trúng gió nên cạo gió, vắt chanh, giật tóc mai, chích lễ… Nếu làm như thế, thì 1 phút trôi qua bệnh nhân đột quỵ sẽ mất 2 triệu tế bào thần kinh. Nếu nhân lên theo thời gian thì trong khoảng 1 giờ não của người bệnh gần như tàn phế.

Có những trường hợp rất gần bệnh viện nhưng mất 4 ngày mới đến bệnh viện do người bệnh được điều trị ở nhà, uống thuốc nam, thuốc bắc, châm cứu, chích lễ, đông y gia truyền… Vì vậy bà con nên tránh xa những sai lầm đó và điều trị sớm, phòng ngừa di chứng và điều trị dự phòng tái phát.

Đối với một bệnh viện có thể điều trị đột quỵ, điều kiện tối thiểu là chụp CT. Nếu bệnh viện không có máy CT thì không thể biết được bệnh nhân bị xuất huyết não hay nhồi máu não. Đối với bệnh nhân bị xuất huyết não không được phép chích thuốc làm tan máu đông, vì điều này sẽ tiễn bệnh nhân ra đi sớm hơn.

Xuất huyết não hay nhồi máu não được phân định sau khi chụp CT. Bệnh nhân đến bệnh viện có các triệu chứng điển hình của đột quỵ nhưng không thể biết được ở thể xuất huyết não hay nhồi máu não.

Theo thống kê, có 80% bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não, 20% là xuất huyết não. Mặc dù tỉ lệ đột quỵ nhồi máu não nhiều hơn nhưng chúng ta không được phép sử dụng các loại thuốc lẫn lộn giữa 2 nhóm. Cần phải chụp CT càng sớm càng tốt để trả lời bệnh nhân bị đột quỵ thể nào nhằm điều trị tốt nhất.

Có thể xử lý bằng các phương pháp can thiệp trong lòng động mạch để lấy cục máu đông ra nếu bệnh nhân có những tắc nghẽn mạch máu lớn. Trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện muộn việc tái thông thường không hiệu quả và để lại di chứng nặng nề, thậm chí có thể tử vong.

Cùng là mạch máu nên có thể khai thông được khi đến trong vòng 6h hay 10h, nhưng bệnh nhân đến trước 6h thì việc khai thông mạch máu não sẽ phục hồi tốt, nhưng sau 10h thì não không thể phục hồi được. Đó là ý nghĩa của thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ.[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X