Hotline 24/7
08983-08983

AloBacsi, DHG Pharma và Daisy Media về Gia Lai: Hành trình của những nhịp đập tử tế

Giữa mùa gặt ở Ia Nan, đoàn công tác của AloBacsi, DHG Pharma và Daisy Media không chỉ là những bác sĩ giàu kinh nghiệm từ thành phố, mang theo thuốc men chất lượng mà còn là những mảnh ghép yêu thương. 1.300 lượt khám bệnh, những suất ăn trưa suốt một năm học nuôi giấc mơ con chữ, tủ sách - nhà vệ sinh cho trường, thiết bị cho trạm xá... Tất cả gói ghém trong một hành trình ngắn nhưng để lại dấu chân dài của sẻ chia, để sức khỏe và tri thức cùng nở hoa nơi vùng biên.

Khám bệnh ở vùng biên - nơi mỗi lượt khám là một cuộc đời

Từ núi đá Hà Giang rét mướt đến miền Tây ngập mặn, từ đảo xa gió lộng đến vùng rốn lũ miền Trung - miền Bắc, rồi những thôn bản tận cùng biên giới… Những chuyến xe của AloBacsi, DHG Pharma và Daisy Media đã lặng lẽ băng qua khắp dải đất hình chữ S, mang theo y tế và sẻ chia đến tận nơi khó chạm nhất. Mỗi hành trình là một điểm chạm ký ức, khắc sâu trong tim bằng ánh mắt hoe đỏ, bàn tay siết chặt, và những cái ôm không lời mà ấm đến lặng người.

Hành trình đến Ia Nan cũng đặc biệt như thế. Không chỉ vì quãng đường hơn 660km, không chỉ vì nắng đổ lửa 40°C giữa mùa gặt, mà bởi đây là lần đầu tiên, người dân vùng biên được thăm khám bởi gần 40 y bác sĩ từ các bệnh viện lớn của TPHCM cùng hệ thống máy móc hiện đại, những món quà thiết thực và trên hết là sự lắng nghe tận tụy dành cho nhiều mảnh đời lam lũ giữa đại ngàn.

Là xã vùng biên của huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai - Ia Nan có hơn 8.700 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Gia-rai. Cuộc sống nơi đây gắn với nương rẫy, hạn hán, thiên tai. Y tế vẫn còn xa lạ. Có sản phụ mang thai 15 tuần mà vẫn ngỡ bụng to vì ăn no. Có người mấy mươi năm trong đời mới lần đầu được gặp bác sĩ. Có người huyết áp chót vót, mạch đập vội vã, nhưng vẫn ăn mặn từng bữa vì chưa bao giờ được ai cảnh báo.

Ngôn ngữ là một rào cản khác. Có người không biết năm sinh. Có cụ già ngồi lặng suốt buổi khám, chỉ gật đầu rồi quay đi. Trên hơn 25 bàn khám, bác sĩ phải học cách lắng nghe bằng ánh mắt, trao đổi bằng cử chỉ, nét mặt. Mỗi lượt khám là một cuộc trò chuyện không lời nhưng đầy kiên nhẫn và thấu cảm. Cứ thế, các y bác sĩ làm việc không ngơi nghỉ, khám cho 1.300 người - vượt xa con số dự kiến ban đầu là 1.000.

Phía sau mỗi lượt khám là một đời người và có những phận đời khiến tim ai cũng chùng lại. Nhưng ngay giữa những lát cắt tưởng chừng u tối ấy, vẫn ánh lên một điều đẹp đẽ: cảm giác được lắng nghe, được quan tâm và không còn một mình.

Có những bệnh nhân đến khám trong im lặng, nhưng cơ thể họ đã lên tiếng từ rất lâu rồi. Như bà Ro Nich H’Lách (75 tuổi, làng Sơn) được phát hiện cùng lúc 3 khối u gan, khối lớn nhất tới 82mm, nghi ngờ ung thư gan. Sống một mình, không nguồn thu nhập, không ai chăm sóc. Bác sĩ phải nhờ phiên dịch mới biết hoàn cảnh của bà. Cháu trai đi cùng cũng bị nghi ngờ u gan.

Có người đến trong tình trạng nguy kịch, nhưng lại lặng lẽ từ chối điều trị vì nghèo. Cụ Rơ Lan H’Pham (90 tuổi, làng Nú) - sốt cao, được chẩn đoán thận ứ nước, nguy cơ nhiễm trùng nặng. Khi được khuyên nhập viện, cụ chỉ lắc đầu: “Không đi đâu. Con khổ, nhà nghèo. Ở nhà nằm thôi”.

Cũng có người đến chỉ xin được tư vấn, vì đôi chân đã đau đến chai lì. Anh Trần Anh Tuấn (40 tuổi) từng là trụ cột gia đình, bị liệt nửa người sau tai nạn lao động, cả gia đình sống nhờ trợ cấp 750.000đ/tháng. Anh đến khám với niềm hy vọng, bác sĩ thành phố sẽ tìm được hướng điều trị phù hợp hơn.

Lại có những đôi mắt biết nói như níu lấy người đối diện. Em Siu Đăng (16 tuổi, làng Tung) mắc Thalassemia, thân hình nhỏ như trẻ lên 7, mất khả năng đi lại. Lần đầu trong đời, em biết tên căn bệnh của mình. Và chỉ một cái chạm tay từ bác sĩ cũng đủ khiến em rạng rỡ.

Và có những đứa trẻ chỉ biết bám vào người thân như thể đó là cả thế giới còn lại. Võ Minh Nhật (4 tuổi, thôn Ia Chía) mất một phần cánh tay bẩm sinh. Bố mẹ đi làm xa, em sống với ông bà ngoại. Suốt buổi khám, Minh Nhật chỉ níu chặt ông, đôi tay không trọn vẹn vẫn cố ôm lấy bờ vai oằn xuống vì gánh đời hai thế hệ.

Với những hoàn cảnh đặc biệt, ngoài thăm khám và phát thuốc, AloBacsi còn trao tặng tiền mặt, phần quà động viên, đồng thời phối hợp cùng địa phương kết nối người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên sâu như một cách nối dài sự đồng hành, vượt khỏi vai trò y tế để chạm đến lòng người bằng sự tử tế và ấm áp.

Những cuộc gặp ấy ngắn thôi, nhưng để lại day dứt rất dài. Bởi có những điều bác sĩ không thể chữa khỏi như nỗi cô đơn, cái nghèo, hay sự bất lực khi bệnh tật chạm đến những người vốn đã chịu quá nhiều thiếu thốn. Nhưng chính vì thế, hành trình khám bệnh, phát thuốc ở những vùng khó khăn chưa bao giờ chỉ là kê toa mà là chiếc cầu âm thầm nối những trái tim, những phận người và những sẻ chia tử tế nhất.

Huyết áp, tiểu đường, bệnh khớp bủa vây bà con Ia Nan

Nếu mỗi phận đời là một lát cắt cảm xúc, thì những con số được ghi nhận tại điểm khám Ia Nan lại cho thấy một bức tranh y tế nhiều trăn trở. Huyết áp cao, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, sỏi thận, viêm dạ dày, thoái hóa khớp... gần như bủa vây người dân nơi đây, bất kể độ tuổi.

Tất cả người lớn đến khám đều được đo huyết áp và mạch tim, và kết quả khiến nhiều y bác sĩ không khỏi giật mình. Có người chỉ mới ngoài 30, nhưng mạch đập vượt 100, huyết áp cao đến mức nguy hiểm - vậy mà vẫn sinh hoạt bình thường, không một triệu chứng rõ rệt. Nếu không có các thiết bị y tế hiện đại được mang tới tận nơi, có lẽ nhiều người vẫn nghĩ mình hoàn toàn khỏe mạnh.

Không chỉ ở các chỉ số huyết áp, tim mạch, trong gần 300 lượt siêu âm trong buổi khám cũng phát hiện nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. BS.CK2 Bùi Thị Tường Vi - bác sĩ siêu âm của đoàn chia sẻ: “Tôi ghi nhận rất nhiều trường hợp gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, suy thận. Có bệnh nhân cần chỉ định chạy thận ngay. Nguyên nhân chủ yếu đến từ ăn mặn, uống rượu thường xuyên - những thói quen rất phổ biến ở người dân nơi đây”.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng là một mảnh ghép thiếu hụt. BS Phạm Trần Văn Hội kể: “Chúng tôi thực hiện 5 ca siêu âm thai, trong đó có 2 sản phụ không hề biết mình đang mang thai, thậm chí có một ca song thai 15 tuần. Người mẹ đã có 3 con, nghĩ mình chỉ trễ kinh. Đến khi siêu âm mới vỡ lẽ. Những phát hiện này cho thấy nhu cầu tiếp cận thông tin và dịch vụ y tế cơ bản vẫn còn rất hạn chế với phụ nữ vùng sâu vùng xa”.

Ở các bàn khám nội, những vấn đề khác cũng hiện lên rất rõ. BS.CK1 Nguyễn Đỗ Như Quỳnh nhận định: “Người dân chủ yếu lao động tay chân, ăn uống thiếu chất, không đi khám định kỳ. Vì vậy, bệnh cơ xương khớp, tăng huyết áp, bướu cổ, viêm dạ dày diễn tiến âm thầm mà không ai hay biết”.

Cùng góc nhìn đó, BS.CK2 Phạm Thị Thu Nga và BS.CK1 Lê Thị Kiều Oanh cho biết: “Nhiều người bị tiểu đường, cao huyết áp nhưng không được chẩn đoán. Có người từng được phát thuốc từ trạm y tế nhưng không uống đủ liệu trình. Một phần do trạm thiếu bác sĩ, phần khác vì người dân thiếu kiến thức và điều kiện theo dõi sức khỏe”.

Với trẻ em, những căn bệnh nhỏ lại trở thành nỗi lo lớn. Tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu canxi, nhiễm giun sán, rụng răng sớm diễn ra phổ biến. Đáng chú ý, hơn 90% trẻ đến khám mắc bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu - chủ yếu do thói quen vệ sinh chưa đúng. Và đó là lý do hơn 300 chiếc răng đã được nhổ trong chuyến đi này, có cả răng khôn, răng viêm nặng, răng bị hoại tử, mưng mủ - những tình trạng mà người dân chỉ biết “chịu đựng” vì chưa từng được điều trị đúng cách.

Để phục vụ riêng cho nhu cầu chăm sóc răng miệng, BS.CK1 Phan Bá Ngọc - người nhiều năm đồng hành cùng các chương trình khám cộng đồng - đã chuẩn bị một “phòng khám nha thu nhỏ”, với đầy đủ ghế máy, thiết bị hấp sấy, thuốc trám và đội ngũ bác sĩ-phụ tá tận tâm. Nhờ vậy, lần đầu tiên, từ trẻ nhỏ đến người lớn đều được khám, tư vấn và điều trị răng miệng bài bản ngay tại một điểm khám dã chiến giữa đại ngàn.

Ia Nan, Gia Lai: Một điểm chạm - muôn nhịp sẻ chia

AloBacsi tin rằng, những điều tận tâm, tận lực từ trái tim sẽ tự khơi lên nhịp đập tử tế. Chính sự chân thành ấy tạo nên dấu ấn - để những người cùng chí hướng tìm thấy nhau, thu hút nhau bằng tinh thần sẻ chia.

Giữa những nhịp đập tử tế, DHG Pharma luôn là mạch nối bền vững, âm thầm nhưng vững vàng, sát cánh cùng AloBacsi và Daisy Media qua vô vàn chuyến chăm sóc sức khỏe cộng đồng suốt nhiều năm qua. Trong hành trình về Gia Lai lần này, DHG Pharma tiếp tục sứ mệnh ấy, chuẩn bị toàn bộ cơ số thuốc cho 1.300 bà con Ia Nan. Dù số lượng khám vượt chỉ tiêu, nhưng từng đơn thuốc vẫn đầy đủ, phong phú đến người cuối cùng ra về, không ai bị bỏ sót, không ai thiếu phần.

Gần 50 loại thuốc được mang theo, tất cả đều đạt chuẩn EU-GMP và Japan GMP - hai trong số những chứng nhận danh giá nhất về chất lượng dược phẩm hiện nay. Từ thuốc điều trị các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, đến kháng sinh, kháng viêm, thuốc ho, thuốc đường tiêu hóa, thuốc bổ sung vitamin cho cả người lớn và trẻ em.

Không chỉ có thuốc tốt, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các dược sĩ DHG và dược sĩ trong đoàn khám cũng là một điểm sáng. Mỗi toa thuốc đều được kê và phát với sự cẩn trọng, từ liều lượng đến cách sử dụng. Không chỉ phát thuốc, các dược sĩ còn dặn dò kỹ lưỡng - như thể muốn gửi gắm cả sự an tâm vào từng viên thuốc nhỏ.

Chuyến đi lần này không chỉ mang theo thuốc men và thiết bị, mà còn mang đến Ia Nan những yêu thương được góp nhặt từ khắp nơi. Chỉ ít ngày trước khi khởi hành, AloBacsi nhận được một lời ngỏ mộc mạc nhưng tha thiết từ các thầy cô Trường Tiểu học Kpăh Klơng (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai): “Chỉ mong các em có một bữa ăn no và một bộ sách đủ.”

Ngôi trường nhỏ nằm giữa vùng biên còn nhiều thiếu thốn, nơi 95% học sinh là người dân tộc thiểu số. Trong đó, 20 học sinh đặc biệt khó khăn đang cần được đỡ đầu cho năm học 2024-2025, với những nhu cầu giản dị mà cấp thiết: 1.080.000 đồng cho bữa trưa 9 tháng tại trường, 240.000 đồng cho một bộ sách giáo khoa, tổng cộng 1.320.000 đồng/em cho cả năm học.

Không chỉ vậy, thầy cô còn ấp ủ một mong ước tưởng như nhỏ bé nhưng ở nơi này lại là giấc mơ xa vời: có một phòng đọc đầu tiên cho các em, nơi các em được chạm tay vào tri thức, mở cánh cửa đến những thế giới mới, thay vì chỉ quanh quẩn với nương rẫy và thiệt thòi.

Chưa đầy 24 giờ sau khi chia sẻ, yêu thương đã lan đi rất nhanh, từ những người chưa từng đặt chân đến Ia Nan, nhưng trái tim đã dẫn lối để họ kịp góp mặt trong một hành trình đẹp đẽ. Một cặp đôi là bạn đọc lâu năm của AloBacsi nhanh chóng gửi tặng một bộ máy tính bàn cũ còn rất tốt, được lau chùi cẩn thận kèm vài cuốn truyện và lời nhắn yêu thương. Một đôi vợ chồng khác biết đến chương trình qua Facebook cũng góp thêm một chiếc laptop - như một cách tiếp sức cho hành trình học tập của các em nhỏ nơi vùng biên.

Từ sách truyện, tập vở, bút màu đến máy tính cũ còn dùng tốt, từng món quà được gửi về như những nhịp đập đồng điệu của những tấm lòng tử tế. Từ các y bác sĩ, nhân viên AloBacsi đến bạn bè, cộng sự thân quen, hơn 49 triệu đồng đã được quyên góp cho hành trình lần này - để những suất ăn, bộ sách, góc học tập không còn là điều xa vời với các em nhỏ nơi biên giới. Bên cạnh đó, còn có 1.000 bộ quần áo được ủng hộ, 1.700 phần quà từ Daisy Media, 1.000 lốc sữa từ Vinamilk, và 999 chai thuốc bổ do Công ty Dược TMi gửi tặng - tất cả được chuẩn bị kỹ lưỡng để trao tận tay bà con Ia Nan.

20 suất ăn trưa đỡ đầu suốt năm học đã được trao tận tay học sinh Trường Tiểu học Kpăh Klơng - nơi các em phải vượt hàng chục kilômét để đến lớp. Trường cũng được tặng thêm 30 bộ sách giáo khoa, 100 quyển truyện tranh và 2 nhà vệ sinh trị giá 15 triệu đồng. “Những món quà này sẽ giúp học sinh no bụng để học, khỏe mạnh để đến trường, và đủ sách để nuôi ước mơ con chữ” - cô Hiệu trưởng Trần Thị Nhung xúc động chia sẻ.

Không dừng lại ở một điểm trường, hành trình yêu thương ấy tiếp tục nối dài đến Trường Tiểu học Cù Chính Lan, nơi AloBacsi và Daisy Media trao tặng thêm tủ sách, trống đội, đồng phục đội viên, vợt cầu lông, bóng rổ… để các em có thêm sân chơi, phát triển thể chất và kỹ năng toàn diện.

Song song đó, các thiết bị y tế thiết yếu cũng được cộng đồng chung tay hỗ trợ. Và trong chuyến đi lần này, AloBacsi đã đại diện trao tặng cho Trạm Y tế xã Ia Nan 1 laptop, 1 máy tính bàn, 1 máy in và 2 máy đo huyết áp - những món quà nhỏ nhưng thiết thực, giúp y tế cơ sở thêm đủ đầy để chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi vùng biên còn nhiều cách trở.

Một bữa cơm trưa, một cuốn sách, một bộ dụng cụ y tế… tất cả đã trở thành những hạt giống âm thầm gieo xuống đất đỏ Tây Nguyên - để hy vọng nảy mầm giữa những khoảng trời còn nhiều cách trở.

Hành trình tại Ia Nan khép lại, nhưng đó không phải là dấu chấm mà là một điểm nối.
Nối tiếp những cung đường đã qua, mở ra những vùng đất mới, nơi vẫn còn nhiều bàn tay cần được nắm lấy, nhiều phận người cần được lắng nghe và sẻ chia.

AloBacsi xin trân trọng cảm ơn DHG Pharma, Vinamilk, Daisy Media, Công ty Dược TMi, Hội Chữ thập đỏ huyện Đức Cơ và Trung tâm Y tế xã Ia Nan - đã cùng nhau viết nên một hành trình đầy nghĩa tình và nhân văn. Như nhà báo Hồng Tâm - người sáng lập AloBacsi chia sẻ: “Chúng ta đã gặp nhau bằng sự tử tế và chắc chắn sẽ còn gặp lại, ở những nơi cần chúng ta có mặt”. Hẹn gặp lại - trên những hành trình kế tiếp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X