Hotline 24/7
08983-08983

8 nhân viên y tế mắc COVID-19, 1 ca diễn biến nặng

Đây là thông tin được PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Phó trưởng Tiểu ban Điều trị chia sẻ trong hội nghị trực tuyến diễn ra sáng nay.

Trong Hội nghị trực tuyến diễn ra vào sáng 1/8/2020 với 700 điểm cầu tại 63 tỉnh/thành phố trong công tác tiếp nhận, quản lý và điều trị COVID-19, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, Đà Nẵng đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên việc truy tìm F0 rất khó khăn. Đã có hơn 800.000 người đã đến Đà Nẵng từ ngày 1/7 đến nay. Hiện các cơ quan chức năng đã lập danh sách 41.000 người đến Bệnh viện Đà Nẵng.

Bộ Y tế đã cử những đoàn tinh nhuệ nhất, có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất trên nhiều lĩnh vực từ điều trị, xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ, truyền nhiễm... vào Đà Nẵng. Đồng thời đã yêu cầu các Bệnh viện cử liên tục cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM...

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, tính tới 8g46 ngày 1/8, trong số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, 5 ca ở tình trạng nguy kịch. Trong đó, có 1 ca đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng và 4 ca ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế cơ sở 2. Ngoài ra, 3 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cũng trong tình trạng nặng.

PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Phó trưởng Tiểu ban Điều trị thông tin thêm, hiện đã có 8 nhân viên y tế mắc COVID-19 (BN 421, 423, 424, 425, 435, 451, 465, 503), trong đó có 1 ca diễn biến khá nặng.

PGS Khuê cũng nhận định, trong số các bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng phát hiện và công bố những ngày qua có nhiều bệnh nhân là người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền phức tạp, nhiều người đang chạy thận nhân tạo, mắc các bệnh lý tim mạch, thận, thậm chí ung thư... tình trạng nguy kịch đến nhanh hơn. Các thầy thuốc đầu ngành và các chuyên gia đã hội chẩn hàng ngày để nỗ lực cao nhất tìm cách điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân.

Từ đầu mùa dịch đến nay, hội đồng chuyên môn, các thầy thuốc đã rất vất vả trong hội chẩn, điều trị, tìm ra phác đồ ưu việt nhất với từng bệnh nhân nặng nhưng đợt này, chỉ trong thời gian ngắn, tỉ lệ bệnh nhân nặng nhiều hơn so với đợt trước. Không chỉ thế, đợt này, bệnh nhân mắc các bệnh lý nền nhiều hơn, tình trạng nguy kịch đến nhanh hơn.

Vì thế, PGS Khuê khuyến cáo, nếu mất cảnh giác với dịch bệnh thì chắc chắn không còn thầy thuốc để cứu chữa bệnh nhân. Do đó, chúng ta không được phép lơ là 1 phút, 1 giây, chỉ 1 bệnh nhân lọt vào bệnh viện là rất nguy hiểm. Ngay như Bệnh viện Đà Nẵng, đóng cửa lúc có hơn 4.000 người, Bệnh viện C Đà Nẵng có hơn 1.000… nếu chậm hành động thì lây ra cộng đồng giờ phút đó.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X