30% trường hợp rơi vào trầm cảm sau cơn đột quỵ
Đây là nhận định của BS Lê Đình Phương qua bài báo cáo tại Hội nghị Đột quỵ TPHCM 2024. Trầm cảm và rối loạn cảm xúc sau đột quỵ cần được chú ý nhiều hơn để có thể giúp bệnh nhân vượt qua khó khăn trong điều trị, hạn chế nguy cơ tử vong sau đột quỵ do trầm cảm.
Trầm cảm làm giảm mức độ phục hồi nhận thức và chức năng của bệnh nhân
Với bài báo cáo về chủ đề “Trầm cảm và rối loạn cảm xúc sau đột quỵ” trong phiên 4, BS Lê Đình Phương - Trưởng khoa Nội Tổng quát và Y học gia đình, Bệnh viện FV Sài Gòn cho biết: “Đột quỵ để lại rất nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh, đặc biệt là vấn đề về trầm cảm và rối loạn cảm xúc, đây là một tình trạng cần được chú ý ở bệnh nhân sau đột quỵ”.
Trầm cảm sau đột quỵ chiếm ít nhất 30% trường hợp bệnh nhân, tỷ lệ này có thể tăng cao hơn theo thời gian. Nguyên nhân trầm cảm sau đột quỵ (TSD).
- Đầu tiên là có thể bệnh nhân đã có một nền trầm cảm từ trước, sau đó biến cố đột quỵ xảy ra chồng lên nền bệnh lý cũ.
- Nguyên nhân thứ hai là do một chấn thương về tâm lý như tàn phế, sa sút trí tuệ,...
- Thứ ba, nhiều chuyên gia đánh giá rằng chính cơn đột quỵ cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến trầm cảm sau đột quỵ. Đây là một cơ chế được đánh hết sức phức tạp để chẩn đoán về những rối loạn, sa sút trí tuệ sau đột quỵ.
Về tương tác giữa trầm cảm và đột quỵ, có rất nhiều những yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm và rối loạn cảm xúc sau đột quỵ. Trên một bệnh nhân bị đột quỵ, chủ yếu chúng ta cần quan tâm đến việc chậm phục hồi chức năng và suy giảm chức năng về sau.
Một thống kê cho thấy rất rõ trên những bệnh nhân bị trầm cảm, mức độ phục hồi chức năng chậm hơn nhiều so với những người bệnh bình thường. Mức độ nhận thức ở bệnh nhân bị trầm cảm cũng cho con số âm, thấp hơn nhiều so với những người bệnh khác. Qua đó, có thể nhận thấy rằng tình trạng trầm cảm làm giảm mức độ phục hồi nhận thức và chức năng của bệnh nhân, thậm chí làm tăng khả năng tử vong.
Chuyên gia cho biết thêm: “Trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ tử vong do tim mạch lên gấp 2,5 lần”.
Trầm cảm sau đột quỵ sẽ làm xấu đi về những nhận thức và trí nhớ, làm chậm phục hồi chức năng và ngôn ngữ. Trong đó có một tam chứng đặc biệt là rối loạn cảm xúc, vô cảm, mất nhận thức, gây ảnh hưởng đến tiên lượng lâu dài về chức năng cũng như dẫn đến tử vong.
Một câu hỏi được đặt ra là “trầm cảm và đột quỵ, tình trạng nào đi trước?”. Theo y văn, giống như câu chuyện về con gà và quả trứng, chúng ta không thể nhận biết được vấn đề nào đi trước và giữa chúng có sự tương quan qua lại với nhau.
Trầm cảm sẽ làm nặng hơn cho tình trạng đột quỵ, đột quỵ có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm và qua trung gian làm ảnh hưởng xấu đến quá trình tái sinh những tế bào thần kinh của bệnh nhân.
Làm sao để chẩn đoán chính xác về trầm cảm cho một bệnh nhân đột quỵ?
Khi một bệnh nhân đến với bác sĩ tâm thần chủ yếu sẽ có những triệu chứng về tâm lý, tâm thần kinh, điều này giúp việc thăm khám và chẩn đoán bệnh dễ dàng hơn.
Trong khi một bệnh nhân đến thăm khám với bác sĩ nội thần kinh, họ sẽ than phiền về những triệu chứng của cơ thể không liên quan đến tâm thần kinh như đau ngực, mệt mỏi, chống mặt, mất ngủ, đau bụng, tê chân,… Sau khi thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau trên bệnh nhân trầm cảm, bác sĩ sẽ không tìm ra được nguyên nhân của các vấn đề sức khỏe người bệnh gặp phải.
Do đó, trong thực hành nội khoa tổng quát hoặc điều trị một người bị đột quỵ trên nền bệnh vừa có đột quỵ, tiểu đường, cao huyết áp, hoặc suy thận, bác sĩ sẽ phải làm gì để có thể ghép “những mảnh ghép” này lại thành một bức tranh toàn cảnh của tình trạng trầm cảm?
Theo y văn và các thầy đi trước, trong chẩn đoán bác sĩ sẽ có một bảng câu hỏi PSQ9 (bảng thăm hỏi dài 9 câu) để thăm hỏi ở bệnh nhân trầm cảm. Do bảng thăm hỏi này mất nhiều thời gian nên các bác sĩ đã rút gọn và tạo ra bảng thăm hỏi PSQ2 (bảng thăm hỏi 2 câu). Cả hai bảng thăm hỏi này có giá trị chẩn đoán tương đương nhau.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng hiểu và trả lời được chính xác về những câu hỏi của hai bảng thăm hỏi này. Do đó thang điểm chẩn đoán trầm cảm thông qua bảng thăm hỏi sẽ có nhiều trở ngại như rào cản về ngôn ngữ, trình độ, tính chính xác của bệnh nhân. Theo một số chuyên gia cả hai bảng thăm hỏi sẽ không phù hợp cho đại đa số bệnh nhân châu Á.
BS Lê Đình Phương cho biết: “Về phương diện thực hành, tại khoa chúng tôi đã có một nghiên cứu trên những bệnh nhân ngoại trú tại Nhật. Nếu bệnh nhân có 2/3 triệu chứng cơ năng như nhức đầu, đau bụng, khó thở và khi thăm khám trên 4 bác sĩ đều chẩn đoán có 2/3 triệu chứng này, cần đi tầm soát trầm cảm ngay, thông thường phương pháp này sẽ rất chính xác”.
Một trong chẩn đoán phân biệt quan trọng của trầm cảm sau đột quỵ là hội chứng giả hành, bệnh nhân có biểu hiện khóc rú lên hoặc cười lớn lên một cách vô cớ theo từng cơn và không thể kiểm soát được.
Do đó, trong thực hành chẩn đoán ngoài chuyên khoa tâm thần, các bác sĩ rất dễ bỏ sót các biểu hiện của bệnh, 2/3 có thể trường hợp bị bỏ sót trong thăm khám. Triệu chứng của bệnh nhân thường rất phân tán, khó chẩn đoán hơn so với chuyên khoa tâm thần.
Điều trị trầm cảm sau đột quỵ
“Về giáo dục bệnh nhân, không được xem trầm cảm là một khuyết tật về tâm lý, chúng ta phải xem đây là một bệnh lý cần được điều trị. Trong thăm khám, các bác sĩ cần nhấn mạnh với bệnh nhân khi điều trị tốt sẽ giải quyết được rất nhiều hệ quả nặng nề về sau”, chuyên gia nhấn mạnh.
Cơ chế của trầm cảm là làm giảm neroun plasticity của hệ thống thần kinh, do đó nguyên lý là phải tăng nồng độ serotonin trong những synap thần kinh bằng những loại thuốc SSRI. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh ở bệnh nhân trầm cảm trên một bộ não bị tổn thương, SSRI vẫn có hiệu quả, vì vậy bệnh nhân có thể an tâm sử dụng.
Vấn đề quan trọng nhất ở bệnh nhân trầm cảm sau đột quỵ là có diễn biến theo thời gian. Thời gian đầu, tình trạng bệnh nhân sẽ diễn tiến xấu trong vòng 1 - 2 tuần, tâm trạng sẽ tuột xuống và 50% người bệnh sẽ bỏ thuốc. Nhưng nếu bệnh nhân giữ được tâm trạng tốt, 90% trường hợp khi tâm trạng ổn định sẽ không muốn bỏ thuốc.
Trong quá trình điều trị, nếu giữ được tâm trạng ổn định, càng về sau bệnh nhân sẽ đạt được hiệu quả 70 - 80%. Vì vậy các bác sĩ nên kê thuốc cho bệnh nhân từ liều thấp và tăng mức độ lên từ từ. Sau 4 tuần, bệnh nhân sẽ đi kiểm tra lại một lần và những tác dụng phụ của thuốc sẽ mất dần theo thời gian, thông thường là sau 2 tuần.
Ngoài SSRI là loại thuốc chủ lực, thời gian gần đây y khoa bắt đầu biết đến vai trò của trục não ruột, vi trùng trong ruột của cơ thể được xem như “bộ não thứ nhì”. Do đó, cơ chế của trầm cảm ngoài não bộ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm về trục não ruột, vi trùng trong hệ thống đường ruột cũng sẽ chi phối đến khí sắc, tiểu đường, alzheimer,… rất nhiều.
Các nhà khoa học nhận thấy rằng, loạn khuẩn ruột chính là nguyên nhân dẫn đến những tổn thương đa tạng. Chính vì vậy, bên cạnh những loại thuốc đặc trị, các nhà nghiên cứu đã bổ sung synbiotics - những vi trùng đường ruột có lợi cho tâm thần, với mong muốn để bệnh nhân có thể cải thiện được tình trạng bệnh.
Bác sĩ Đình Phương nhận định: “Về thời gian điều trị, nếu bệnh nhân bị trầm cảm 3 năm, khả năng tái phát là 90%, chính vì vậy thời gian điều trị là vô thời hạn. Một vấn đề được đặt ra là có nên điều trị phòng ngừa trầm cảm hay không? Theo khuyến cáo của hội Thần kinh Việt Nam, không có khuyến cáo về điều trị phòng ngừa cho trầm cảm”.
Tuy nhiên, nếu xem diễn biến của trầm cảm là một chuỗi tuần tự, có một sơ đồ phòng ngừa trầm cảm trong tất cả các bệnh là vệ sinh giấc ngủ; tập thể dục; sống tích cực, lành mạnh, tương tác với xã hội; điều chỉnh về chế độ ăn.
Chế độ ăn có vai trò quan trọng trong trục não ruột, người bệnh sẽ ăn những thức ăn bổ sung các vi trùng đường ruột, đồng thời bổ sung thêm những chế phẩm có chứa lợi khuẩn tốt cho đường ruột, có thể “may mắn” ngăn ngừa được trầm cảm khi bệnh nhân chưa tiến sâu vào tình trạng trầm cảm. Nhưng nếu bệnh nhân đã bước vào giai đoạn bị trầm cảm nặng, bắt buộc người bệnh phải sử dụng thuốc SSRI.
>> Giảm mức LDL-C càng thấp càng có lợi cho bệnh nhân hẹp động mạch nội sọ
Hội nghị Đột quỵ TPHCM 2024 diễn ra trong hai ngày 27 và 28/7/2024, với 44 bài báo cáo đến từ các báo cáo viên trong nước và quốc tế. Hội nghị năm nay nhằm cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ của thế giới trong năm 2024. Thông qua hội nghị, người tham dự có cơ hội bàn luận với các chuyên gia đột quỵ hàng đầu trên thế giới, là thành viên của các Hiệp hội Đột quỵ uy tín từ Mỹ, Australia, Hồng Kông, Đức, Hàn Quốc, Singapore… |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình