Hotline 24/7
08983-08983

3 tháng và 10.000 cuộc gọi tư vấn sức khỏe tâm thần trong đại dịch COVID-19

COVID-19 làm gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm khoảng gấp 3 lần so với thời điểm trước dịch bệnh. Đặc biệt, các rối loạn tâm thần do dịch bệnh có thể khởi phát, kéo dài đến 9 năm.

Những vấn đề về sức khỏe tâm thần liên quan đến đại dịch COVID-19 được TS tâm lý Lê Minh Công - Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM được nêu nổi bật tại hội thảo “Bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch COVID-19” do báo Tiền phong tổ chức ngày 24/11.

Dân số có triệu chứng rối loạn tâm thần cao gấp 3 lần sau đại dịch COVID-19

TS Lê Minh Công nhận định, đại dịch COVID-19 là một khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Atlat về tâm thần của Tổ chức Y tế thế giới công bố cho thấy, sức khỏe tâm thần gia tăng trầm trọng trong giai đoạn cuối năm 2020 và năm 2021. Ước tính khoảng 10-60% dân số có các triệu chứng rối loạn tâm thần, con số này cao gấp 3 lần so với thời điểm trước dịch COVID-19 năm 2019.

Đặc biệt, các rối loạn, vấn đề sức khỏe tâm thần khởi phát ngay trong bối cảnh dịch bệnh. Đó là các cảm xúc âm tính, chẳng hạn ở người lớn có lo âu, hoảng sợ, trẻ em có thể thu mình hoặc các nhận thức tiêu cực như gia tăng trầm cảm, ám ảnh, stress sau sang chấn hoặc tự sát… Đa phần các triệu chứng ghi nhận chủ yếu liên quan đến stress.

Điều đáng lo là, các rối loạn tâm thần không chỉ xuất hiện tức thời mà có khả năng kéo dài kể cả sau khi dịch bệnh đã chấm dứt 2-9 năm. Mặc dù chưa có bằng chứng trong đại dịch COVID-19, song dựa trên các nghiên cứu về dịch bệnh trước đó thì thấy rằng, các triệu chứng stress sau sang chấn, rối loạn tâm thần có thể kéo dài sau 3 năm hoặc thậm chí là rất dài sau đó.

“Một số báo cáo cho thấy, trẻ mồ côi do dịch bệnh, sau 3 năm, các triệu chứng stress sau sang chấn cao gấp 3 lần so với trẻ thông thường. Điều này cho thấy các triệu chứng rối loạn tâm thần không chỉ diễn ra cấp tính ngay trong COVID-19 mà còn kéo dài trong bối cảnh xa hơn” - TS Lê Minh Công cho biết.

Tuy nhiên, cho đến nay sức khỏe tâm thần chưa được quan tâm đúng mức, điều này không chỉ riêng ở Việt Nam mà tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là vấn đề đáng báo động. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, nếu không có chiến lược ứng phó với stress một cách tích cực sẽ làm gia tăng khả năng mắc bệnh tật. Bởi đời sống, tinh thần và xã hội có mối liên quan mật thiết và cần được song hành với nhau.

TS tâm lý Lê Minh Công mang đến hội thảo những thông tin đáng chú ý về tình trạng sức khỏe tâm thần sau đại dịch COVID-19 cũng như đề xuất các giải pháp ứng phó

Vượt qua định kiến tâm thần là phải đến "Hàm Tử, Biên Hòa"

Đây là vấn đề được TS Lê Minh Công nhấn mạnh trong hội thảo. Vị chuyên gia tâm lý cho rằng, ở nước ta, “tâm thần” là một thuật ngữ gây định kiến, kỳ thị rất lớn, khi nhắc đến nhiều người thường mường tượng ra điều gì rất ghê gớm như "Biên Hòa, Hàm Tử".

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến đời sống tâm thần của con người. Đứng đầu bảng trong bối cảnh COVID-19 đó là việc giãn cách xã hội, cách ly y tế hoặc người bệnh nhận được kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Một báo cáo tại Singapore cho thấy, việc giãn cách xã hội dài ngày là yếu tố gia tăng các triệu chứng sức khỏe tâm thần. Nhiều người bị cách ly y tế sau này có thể dẫn đến triệu chứng của rối loạn ám ảnh sợ xã hội hoặc ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu…

Ngoài ra, một vấn đề ít được nhắc đến đó là tình trạng kiệt sức, đặc biệt ở nhân viên y tế cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Mặc dù, trong những làn sóng dịch bệnh vừa qua, nhân viên y tế được ca ngợi như người hùng nhưng chính bản thân họ phải đối diện với khủng khoảng, stress trầm trọng do dịch bệnh gây ra.

Bên cạnh đó, việc khó tiếp cận nguồn an sinh xã hội, tiếp nhận thông tin độc hại/ nhiễu loạn; khủng hoảng tài chính và việc làm; mất người thân; lo sợ về tương lai… cũng là những yếu tố thúc đẩy nguy cơ gặp phải các rối loạn tâm thần.

5 nhóm người dễ bị rối loạn tâm thần trong dịch bệnh COVID-19

Bất cứ ai, “là bạn hay tôi” đều cũng có thể đối diện với rối loạn tâm thần, song TS Lê Minh Công nhấn mạnh rằng có 5 nhóm dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh dịch bệnh.

Thứ nhất, nhân viên y tế nhân viên tuyến đầu. Đây là nhóm nguy cơ cao nhất, nhiều dữ liệu cho thấy, nhân viên y tế xuất hiện các triệu chứng ám ảnh, né tránh trong thời gian rất dài, bởi tình trạng kiệt sức và thường xuyên đối diện với sự khốc liệt của dịch bệnh.

Thứ hai là trẻ em, nhất là các nhóm trẻ có nhu cầu đặc biệt. Không chỉ hàng ngàn trẻ em mồ côi trong đại dịch, mà những nhóm trẻ khuyết tật, trẻ bị xâm hại, bạo lực trong giai đoạn COVID-19 vừa qua rất dễ bị rối loạn tâm thần. Dịch bệnh gây ra nhiều vấn đề xã hội, dẫn đến những cảm xúc tiêu cực cho người lớn, sau đó chính họ lại chuyển điều này sang con cái bằng bạo lực, xâm hại. Ngoài ra, khi trẻ học online, lạm dụng mạng xã hội… trong thời gian giãn cách cũng làm gia tăng các khủng khoảng.

Thứ ba là công nhân (lao động di cư), đặc biệt nhóm người từ nông thôn lên thành thị làm việc, nguy cơ khủng khoảng rất lớn, khó có điều kiện thích ứng so với các nhóm khác.

Thứ tư là nhóm người có vấn đề tâm thần hoặc bệnh nền trước đó. Trong khi người bệnh tâm thần gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận với dịch vụ y tế trong giai đoạn giãn cách xã hội, dẫn đến việc đình trệ gặp bác sĩ để kê toa, lấy thuốc kiểm soát tình trạng sức khỏe, thì với người bệnh nền thường xuyên tồn tại nỗi sợ đối diện với cái chết vì COVID-19 nên gặp khủng hoảng tinh thần rất lớn.

Thứ năm là người khuyết tật. TS Lê Minh Công nhìn nhận, dù là ở nhóm người nào thì vấn đề quan trọng, cấp bách nhất là chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, vì vậy dẫn đến chưa hình thành chiến lược căn cơ để giải quyết vấn đề.

Hướng đến tương lai bất kỳ ai cũng được chăm sóc sức khỏe tinh thần toàn diện

Trước vấn đề rối loạn tâm thần gia tăng trong đại dịch COVID-19, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã triển khai nhiều chương trình thiết thực hỗ trợ người dân. Trong 3 tháng cao điểm của dịch bệnh, hàng chục chương trình phòng ngừa phổ quát thông qua truyền thông, các chương trình webinar, huấn luyện kỹ năng, tổ chức hàng chục các chương trình với hơn 10.000 lượt cá nhân tham gia.

Đặc biệt là thông qua tổng đài 1022, nhánh số 6 hình thành kênh tư vấn sức khỏe tinh thần, tiếp nhận khoảng 10.000 cuộc gọi. Đồng thời còn phối hợp với các bệnh viện dã chiến hỗ trợ cho hơn 6.000 bệnh nhân COVID-19 và nhận điều trị tâm lý qua trực tuyến cho hơn 500 bệnh nhân. Song song với đó, hiện nay còn triển khai 3 nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của các nhóm cộng đồng.

Dựa trên hiệu quả của mô hình thực nghiệm cùng với các dữ liệu và bằng chứng trên nhiều quốc gia, TS Lê Minh Công cũng đề xuất chiến lược với 3 cấp độ. Với mô hình này, bất kỳ người dân nào cũng sẽ được chăm sóc sức khỏe tinh thần toàn diện.

Cụ thể, với nhóm nguy cơ thấp sẽ tập trung vào chiến lược phòng ngừa, bằng cách thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về COVID-19 và sức khỏe tinh thần (thông tin minh bạch, gia tăng kênh giải trí, tránh kỳ thị bệnh nhân dương tính, nhân viên y tế…). Cân nhắc giãn cách xã hội, cách ly y tế quá dài, hạn chế điều trị nội trú đối với cá nhân.

Đẩy mạnh hơn nữa chương trình sức khỏe tâm thần trường học, đây là vấn đề rất quan trọng, bởi có nhiều học sinh cần được tư vấn nhưng chưa được hỗ trợ kịp thời bởi trường học không có chuyên viên hoặc bác sĩ tâm lý. Cùng với đó là triển khai chương trình huấn luyện cộng đồng phòng ngừa thiên tai; phòng ngừa sức khỏe tâm thần trong nghề nghiệp; đặc biệt là nâng cao sức khỏe tâm thần cho cha mẹ. Qua đại dịch vừa qua, người ta nhận thấy rằng, những ông bố, bà mẹ có con dưới 6 tuổi sẽ gia tăng các vấn đề khủng hoảng bởi nuôi dạy con cái.

Đối với nhóm nguy cơ trung bình sẽ tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương. Các chiến lược đó là xây dựng trung tâm phòng ngừa khủng hoảng tâm lý và tự sát. Việt Nam hiện chưa có chương trình này, song các quốc gia khác như Hàn Quốc đã triển khai từ rất lâu, mang lại ý nghĩa rất lớn trong việc phòng ngừa khủng hoảng tinh thần. Nếu những vấn đề khủng hoảng, stress cấp tính được xử trí kịp thời sẽ không dẫn đến các rối loạn tâm thần trong tương lai.

Đồng thời, thúc đẩy các chương trình phát hiện sớm các rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng (trường học, công ty, phường/xã, bệnh viện…). Chẳng hạn như CDC Hoa Kỳ đã ứng dụng, cung cấp bộ công cụ sàng lọc các vấn đề sức khỏe tâm thần cho bác sĩ ở tuyến cơ sở để có thể nhận diện kịp thời nếu người bệnh đang có tình trạng khủng hoảng tâm thần, từ đó chuyển viện phù hợp.

Đây là điều rất cần thiết. Một nghiên cứu của Bệnh viện Tâm thần TP cho thấy, 50% các bệnh nhân có rối loạn dạng cơ thể, rối loạn tâm thần đến khám với bác sĩ đa khoa và không phát hiện tình trạng tâm thần, dẫn đến việc điều trị kém hiệu quả.

Đối với nhóm nguy cơ cao tập trung vào điều trị các cá nhân đã có rối loạn tâm thần. Chiến lược sẽ là duy trì, đầu tư, hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cả công và tư nhân. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, việc đầu tư vào sức khỏe y tế tâm thần đa phần là các bệnh viện công, các cơ sở tư nhân rất hạn chế. Nhiều tỉnh thành cho đến nay vẫn không có chương trình, bệnh viện tâm thần. Đây cũng là điều hạn chế.

Song song đó là đẩy mạnh mô hình chăm sóc sức khỏe/ tâm thần từ xa (teleheath); cho phép mở cửa lại các trung tâm chăm sóc, điều trị tâm thần, các trung tâm giáo dục/ phục hồi chức năng cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X