BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết tại hội nghị Tâm thần học Việt - Pháp mới đây, 11 tiêu chuẩn này được phân làm bốn nhóm xác định tình trạng rối loạn sử dụng chất kích thích của một người. Nhờ bộ tiêu chuẩn mới này, các bác sĩ dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán, điều trị cho người bệnh.
Theo đó, khái niệm "nghiện chất" mang tính kỳ thị được thay bằng khái niệm "rối loạn sử dụng chất", bao gồm rượu, cà phê, thuốc lá… đến các chất gây ảo giác.
Người bệnh được phân loại theo ba mức độ rối loạn. Tình trạng nhẹ là khi có 2-3 tiêu chuẩn, mức trung bình với trường hợp xuất hiện 4-5 tiêu chuẩn và nặng nếu từ 6 tiêu chuẩn trở lên.
“Việc phân loại ba mức độ rối loạn giúp người bệnh được can thiệp sớm ngay từ khi mới bắt đầu sử dụng chất chứ không chờ đến khi đã lạm dụng hay nghiện mới điều trị như hiện nay”, bác sĩ Tuấn nói.
11 tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn sử dụng chất chia thành bốn nhóm:
Nhóm 1: Hư hỏng kiểm soát sử dụng
1. Mất kiểm soát việc sử dụng (số lượng lớn và thời gian lâu hơn mong muốn).
2. Mong muốn dai dẳng giảm liều (khó khăn ngừng sử dụng dù cố gắng nhiều lần).
3. Luôn dành thời gian tìm kiếm chất, sử dụng chất.
4. Thèm muốn mãnh liệt, thôi thúc không thể làm gì khác hơn là phải sử dụng chất.
Nhóm 2: Hư hỏng chức năng xã hội
5. Sử dụng chất tái diễn (mất việc, bỏ học, bỏ việc nhà…).
6. Tiếp tục sử dụng dù có hậu quả về quan hệ xã hội, con người.
7. Các hoạt động sáng tạo, nghề nghiệp, xã hội bị giảm hoặc mất do sử dụng chất.
Nhóm 3: Sử dụng nguy cơ
8. Sử dụng nguy hiểm cho cơ thể.
9. Vẫn tiếp tục sử dụng dù đã biết có vấn đề về tâm lý, cơ thể tồn tại, tái diễn.
Nhóm 4: Tiêu chuẩn dược lý
10. Dung nạp.
11. Hội chứng cai.
Các triệu chứng trên diễn ra bất kỳ thời điểm nào trong 12 tháng.
Theo Phương Trang - VnExpress