10 năm mang ý nghĩa vào cuộc sống sau đột quỵ của lớp Hội họa giao tiếp tại Bệnh viện An Bình
59 tác phẩm của 36 tác giả là các bệnh nhân đang điều trị phục hồi mất ngôn ngữ sau đột quỵ, những bệnh nhân gặp khó khăn về giao tiếp; người lớn tuổi bắt đầu gặp những vấn đề về tuổi tác, như suy giảm trí nhớ... tại Bệnh viện An Bình.
Ngày 27/9, Bệnh viện An Bình TPHCM khai mạc triển lãm: “Mang ý nghĩa vào cuộc sống”, đánh dấu cột mốc 10 năm lớp Hội họa giao tiếp đi vào hoạt động.
Lớp vẽ đặc biệt này dành cho những bệnh nhân đang phục hồi chức năng sau đột quỵ; hoặc những bệnh nhân gặp vấn đề về giao tiếp; những người lớn tuổi bắt đầu gặp những vấn đề về tuổi tác, như suy giảm trí nhớ...
TS Lê Khánh Điền, Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ trị liệu Châu Á - Thái Bình Dương, Trưởng Khoa Phục hồi Chức năng - Bệnh viện An Bình cho biết lớp Hội họa giao tiếp được hình thành năm 2013, bị gián đoạn 2 năm rưỡi do đại dịch COVID-19. Sau thời gian đại dịch, bệnh viện xây xong tòa nhà mới, Ban giám đốc ủng hộ việc tái khởi động chương trình này, và tháng 7/2022 lớp vẽ được mở trở lại.
Hành trình 10 năm để lại nhiều cảm xúc, mỗi bệnh nhân là một câu chuyện, một cuộc đời, không ai giống ai. Có người gắn bó bền bỉ với lớp vẽ từ ngày đầu như ông Lê Cao Nguyên, đều đặn mỗi tuần đón xe từ Vũng Tàu đến với lớp học. Có người gắn bó với lớp 6 năm - ông Hồ Đắc Thắng sau khi nói trôi chảy trở thành người giúp đỡ những bệnh nhân còn giao tiếp khó khăn. Có 2 cha con từ Đồng Nai, 3-4 năm nay đón xe bus 2 chặng để tham gia lớp học…
“Mỗi thứ 6 ở khoa Phục hồi chức năng đều là ngày hội” – đó là cảm nhận của BS.CK2 Hồ Hải Trường Giang - Giám đốc Bệnh viện An Bình, cũng là cảm nhận tất cả các y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của khoa Phục hồi chức năng.
13 năm trước, khi còn là hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, PGS.TS.BS Nguyễn Ngọc Dung đã đem khóa học Âm ngữ trị liệu đầu tiên về Việt Nam. Nay, ở cương vị Chủ tịch Hội Y học TPHCM, bà nhận thấy: “Nếu mô hình này được nhân rộng ra tại các bệnh viện có khoa Phục hồi chức năng hoặc các trung tâm Phục hồi chức năng, lan tỏa đến các tỉnh sẽ hỗ trợ được các bệnh nhân rất nhiều, bởi vì người bệnh đột quỵ di chuyển rất khó khăn.
Việc đầu tiên là Bệnh viện An Bình có thể tổ chức lớp “chuyển giao công nghệ”, đào tạo, huấn luyện để các kỹ thuật viên ở các tỉnh thành và các trung tâm khác đến học tập mô hình này.
Thứ hai, Bệnh viện An Bình có thể xây dựng một đội ngũ có thể đến tận nơi để giúp triển khai mô hình này tại các đơn vị. Việc triển khai một đơn vị phục hồi chức năng không dễ, rất cần một người cầm tay chỉ việc để đơn vị đó đi đúng đường lối thì hiệu quả sẽ cao”.
Nhân rộng mô hình phục hồi chức năng có đầy đủ: vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu cũng là mong muốn của rất nhiều bệnh nhân đột quỵ và người nhà của họ. Bởi khi được tham gia những hoạt động này, bệnh nhân không chỉ cải thiện được khả năng vận động, giao tiếp và tư duy, mà còn có thêm niềm vui, tự tin và hy vọng trong cuộc sống.
Buổi triển lãm không chỉ trưng bày tác phẩm nghệ thuật, mà còn là một thông điệp về ý nghĩa của cuộc sống và sức mạnh của con người trong việc vượt qua khó khăn, mà những học viên của lớp học “Hội họa - Giao tiếp” muốn gửi gắm.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình