Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ mấy tuổi mới xổ giun?

Khi bị nhiễm giun sán, người bệnh có thể bị ảnh hưởng rất nhiều. Trẻ có nguy cơ mắc các bệnh tiêu chảy, biếng ăn, giảm khả năng hấp thụ các dưỡng chất từ đường ruột.

Con tôi đã 20 tháng. Tôi muốn xổ giun cho con, nhưng mỗi lần định thực hiện thì bị bà nội, bà ngoại ngăn cản. Các bà nói con đã ăn được gì đâu mà xổ, sợ bị say. Tôi băn khoăn không biết có nên có nên cho con xổ giun.

Thảo My (quận 4, TPHCM)

BS Trần Thị Huyên Thảo, chuyên khoa Nhi, Trung tâm Nghiên cứu cải tiến y tế trả lời:

Nhiễm giun sán là một trong những loại nhiễm trùng phổ biến nhất của các nước đang phát triển. Việt Nam là một trong những nước này. Khi bị nhiễm giun sán, người bệnh có thể bị ảnh hưởng rất nhiều. Trẻ có nguy cơ mắc các bệnh tiêu chảy, biếng ăn, giảm khả năng hấp thụ các dưỡng chất từ đường ruột. Một biến chứng nguy hiểm khác, là giun sán có thể gây chảy máu đường ruột rỉ rả, gây thiếu máu và thiếu sắt.

Đối với trẻ em, nguy cơ lây nhiễm giun sán cao hơn người lớn, đồng thời khả năng bị ảnh hưởng từ tình trạng này cũng cao hơn, và nặng hơn. Tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu thiếu sắt, biếng ăn... có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng, phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ một cách tiêu cực, lâu dài.

Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra khuyến cáo, thiết lập và duy trì hoạt động xổ giun thường quy cho trẻ em - trước tuổi đi học, và trong tuổi đi học, ở những nước có tỉ lệ nhiễm giun cao.

Bên cạnh đó, khuyến khích việc giữ gìn vệ sinh, rửa tay thường xuyên, đảm bảo nguồn thức ăn thức uống vệ sinh để giảm thiểu nguy cơ này.

Tại Việt Nam, các loại giun đường ruột ở người như giun đũa, giun tóc, và giun móc rất phổ biến.

Hoạt động phòng chống giun sán đã được đưa vào thực hiện được gần 10 năm. Tuy nhiên, theo thống kê của các viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng của cả nước, tỉ lệ nhiễm giun  vẫn ở mức cao.

Thống kê chung cho thấy, tỉ lệ nhiễm giun sán trung bình ở người tại các vùng ở Việt Nam như sau: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: 65%, Đồng bằng sông Hồng: 41%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: 26%, Tây Nguyên: 28%, Đông Nam Bộ: 13%, Đồng bằng sông Cửu Long: 10%. Trong đó, nhóm học sinh tiểu học, trẻ em lứa tuổi mầm non và phụ nữ ở độ tuổi sinh sản là nhóm có tỉ lệ nhiễm cao.

Bộ Y tế khuyến cáo phụ huynh nên cho con uống thuốc xổ giun thường quy cho trẻ em từ 12 tháng trở lên. Trẻ từ 12 tháng - 24 tháng tuổi: xổ giun bằng thuốc Albendazole 200mg hoặc Mebendazole 500mg một liều duy nhất. Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và người lớn: xổ giun bằng thuốc Albendazole 400mg hoặc Mebendazole 500mg một liều duy nhất.

Thuốc có thể uống vào bất kì thời gian nào trong ngày. Đối với trẻ nhỏ chưa uống được thuốc viên, nên nghiền thuốc hòa tan vào nước rồi cho trẻ uống.

Tần suất uống thuốc tẩy giun sẽ tùy thuộc vào tỉ lệ nhiễm giun ở từng vùng. Những vùng có tỉ lệ > 20%, nên tẩy giun mỗi 6 tháng một lần. Những vùng có tỉ lệ 10-20%, nên xổ giun mỗi năm 1 lần.

Không nên uống thuốc xổ giun khi đang bị sốt, tiền sử dị ứng với thành phần của thuốc, hoặc phụ nữ đang cho con bú hoặc đang mang thai 3 tháng đầu. Trẻ dưới 1 tuổi không nên uống xổ giun thường quy, ngoại trừ nếu có chỉ định đặc biệt của bác sĩ.

Những người có các bệnh mãn tính như tâm thần, suy thận, bệnh tim, bệnh gan, hoặc hen phế quản, nên tư vấn bác sĩ trước khi uống thuốc xổ giun. Bên cạnh đó, nên giữ gìn vệ sinh, ăn uống, và tập thói quen rửa tay.

Theo Nhã Uyên - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X